Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Vì sao cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vượt tiến độ ba tháng?

Nhà đầu tư tuân thủ kế hoạch đề ra, thi công ngày đêm, trang bị nhiều công nghệ hiện đại lần đầu tiên có ở Việt Nam giúp dự án về đích trước hạn.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, khởi công tháng 9/2021, tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Dự án quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Sau gần hai năm triển khai, công trình hoàn thành hơn 95% tiến độ. Hôm 20/4, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho tổ chức lễ hoàn thành dự án vào cuối tháng 5 thay vì đầu tháng 9/2023 như kế hoạch.

Xe thảm bêtông nhựa nóng và xe lu lèn hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Bùi Toàn

Xe thảm bêtông nhựa nóng và xe lu lèn hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Bùi Toàn

Lý giải dự án vượt tiến độ đề ra, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, cho biết thời điểm ký hợp đồng dự án gặp nhiều khó khăn do Covid-19 và giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên đơn vị có sự chuẩn bị từ trước, lập kế hoạch đầu tư, bố trí vốn phù hợp, áp dụng công nghệ hiện đại nên dự án sớm về đích.

Cụ thể, doanh nghiệp đã nhập nhiều máy móc từ châu Âu và Mỹ phục vụ thi công. Đáng chú ý nhất là máy trộn bêtông nhựa chuyên dụng của Đức giúp tăng tốc độ thảm, có thể thi công làn 8 m so với công nghệ cũ chỉ thực hiện làn 4 m. Công nghệ mới còn giúp dự án tiết kiệm nhân công khi một dây chuyền thảm chỉ cần 5 công nhân vận hành so với 20 kỹ sư, công nhân như trước đây.

Ngoài ra, hệ thống cung cấp vật liệu thảm của dự án được nhập từ nước ngoài có thể giữ nhiệt độ bêtông nhựa trộn từ nhà máy ra tới công trường, giúp nền đường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Việc xây dựng dải phân cách giữa được nhà thầu dùng máy chuyên dụng, bêtông được đổ liền khối bề mặt láng mịn, không nứt nẻ. Mỗi ngày dây chuyền này có thể đổ một km dải phân cách giữa, tăng gấp đôi công suất so với cách làm cũ.

Thi công hầm Dốc Sạn, hồi tháng 2/2023. Ảnh: Bùi Toàn

Thi công hầm Dốc Sạn, hồi tháng 2/2023. Ảnh: Bùi Toàn

Ở hạng mục quan trọng nhất dự án là hầm Dốc Sạn (hai ống tổng chiều dài 1,5 km, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng), chủ đầu tư bố trí các nhà thầu kinh nghiệm nhất về thi công hầm xuyên núi. Công trường hầm được bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, hai mũi thi công gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị tổ chức thi công ba ca bốn kíp liên tục, trung bình đào được khoảng 10 m hầm mỗi ngày. Hiện công trình được hoàn thiện đổ bêtông vỏ hầm, dự kiến cuối tháng 4 sẽ xong, sớm trước ba tháng theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm về đích trước hạn được xem điểm sáng ở lĩnh vực giao thông trong bối cảnh nhiều dự án trọng điểm chậm trễ kéo dài. TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, nói cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có sự tham gia của tư nhân (Tập đoàn Sơn Hải góp hơn 2.600 tỷ đồng) là nguyên nhân chính khiến dự án đẩy nhanh tiến độ.

"Khi bỏ vốn vào, doanh nghiệp phải tìm các giải pháp nhằm sớm hoàn thành và thu hồi vốn dự án, mang lại hiệu quả kinh tế", ông Minh nói và cho biết doanh nghiệp tư nhân cũng dễ xử lý, tháo gỡ nhanh hơn nếu quá trình triển khai phát sinh vướng mắc.

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Ông Minh cho biết vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc rất lớn, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách sẽ không thể đáp ứng. Do đó việc đầu tư cao tốc cần được khuyến khích theo hình thức PPP, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, đẩy nhanh tiến độ công trình.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực tư nhân cho các dự án cần có cơ chế, chính sách rõ ràng bởi chi phí đầu tư rất tốn kém, lại thêm các rủi ro như địa hình, khan hiếm vật liệu, dự kiến nguồn thu thấp. Điều này dẫn đến nhà đầu tư không mặn mà và thực tế nhiều công trình dự tính làm PPP phải chuyển qua đầu tư công.

Để bụi phát tán ở sân bay Long Thành, ACV bị phạt 270 triệu đồng

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) bị phạt 270 triệu đồng do để quá trình triển khai, thi công sân bay Long Thành phát sinh bụi, ảnh hưởng người dân.

Ngày 26/4, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết vừa ký quyết định xử phạt ACV - chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành 270 triệu đồng vì các lỗi vi phạm khi triển khai dự án.

Bụi do lốc xoáy trên công trường sân bay Long Thành. Ảnh: Phước Tuấn

Bụi do lốc xoáy trên công trường sân bay Long Thành. Ảnh: Phước Tuấn

Theo Thanh tra Bộ, ACV bị phạt 90 triệu đồng do thực hiện không đúng một trong các nội dung liên quan báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, đơn vị chưa bố trí các hồ để chứa nước mưa và chưa xây hệ thống rãnh thoát nước mưa lúc thi công; chưa thực hiện gia cố kè, taluy; chưa có các hồ lắng, mương thoát nước, xử lý nước từ các hồ trước khi thải ra suối xung quanh tại khu vực bãi lưu trữ đất đào dư thừa (diện tích 722 ha).

ACV không thường xuyên tưới, phun nước ở dự án khiến khi thi công bụi gia tăng, phát tán ra môi trường. Với việc làm gây bụi ô nhiễm vượt chuẩn 5-10 lần, chủ đầu tư còn bị phạt 180 triệu đồng.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu ACV thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm bụi như: tưới nước, giảm cường độ thi công của nhà thầu thời gian 10-12h13-16h bụi khô phát tán mạnh.

Chủ đầu tư cần thực hiện trồng cỏ ngay sau khi hoàn thiện thi công đắp tại bãi trữ đất 722 ha, xây hồ điều hòa để chứa nước. Các xe vận chuyển đất phải chạy đúng tuyến đường đã được tưới nước với tốc độ cho phép.

Bụi ở sân bay Long Thành phủ kín trường tiểu học cách đó gần một km. Ảnh: Phước Tuấn

Bụi ở sân bay Long Thành phủ kín trường tiểu học cách đó gần một km. Ảnh: Phước Tuấn

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là công trình trọng điểm quốc gia, cần đẩy nhanh tiến độ để gấp rút hoàn thành nên không áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động. Hơn nữa, việc dừng thi công không giảm được ô nhiễm bụi mà còn nguy cơ gia tăng từ khu vực mặt bằng đã được san lấp trên diện tích 2.500 ha.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1, sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm.

Dự án thi công từ đầu năm 2022 đến nay đã làm bụi bay xa 10 km, tới các khu xung quanh, ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt người dân. Kết quả quan trắc không khí định kỳ khu vực xây sân bay Long Thành trong năm 2022 cho thấy ô nhiễm bụi vượt quy chuẩn từ 1,02 đến 18,32 lần.

SJC dự tính năm nay bán hơn 36.000 lượng vàng miếng

SJC dự tính năm nay tiêu thụ 36.158 lượng vàng miếng và hơn nửa triệu món nữ trang để có doanh thu tăng vọt so với kế hoạch năm trước, lên 30.400 tỷ đồng.

Với mức doanh thu dự kiến này, đây sẽ là mức cao nhất từ 2013 đến nay. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay 71 tỷ đồng và sau thuế gần 57 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng theo đó khoảng 0,19%, thấp hơn nhiều so với tỷ suất sinh lời của các thương hiệu kim hoàn tư nhân.

Đây là lần đầu tiên SJC công bố kế hoạch tiêu thụ vàng miếng. Những năm trước, công ty này chỉ thông báo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Trong kế hoạch năm nay, công ty này cho biết đang tính đến việc mở rộng thị trường và đưa thương hiệu vàng SJC ra các nước trong khu vực Đông Nam Á. Công ty cũng liên kết với các trường đại học chuyên ngành mỹ thuật và tuyển dụng nghệ nhân để thành lập trường đào tạo, dạy nghề kim hoàn nhằm hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và kinh doanh nữ trang.

Theo ban lãnh đạo SJC, kế hoạch trên do công ty tự xây dựng trong lúc chưa nhận được chỉ tiêu từ UBND TP HCM - đơn vị đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn - giao cho.

Vàng miếng SJC được trưng bày tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Vàng miếng SJC được trưng bày tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

SJC hiện chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, nhưng nhiều khả năng kết quả sẽ tăng trưởng đột biến bởi năm ngoái là giai đoạn thị trường kim loại quý biến động mạnh nhất trong một thập kỷ qua. Giá vàng miếng có lúc lên đỉnh lịch sử 74 triệu đồng, còn vàng nhẫn có thương hiệu cũng chạm mốc 57 triệu đồng. Trong nửa đầu năm ngoái, SJC đã ghi nhận doanh thu gần 19.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 60 tỷ đồng, bằng kế hoạch cả năm.

Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC, từng cho biết công ty được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia từ năm 2012. Việc sản xuất vàng miếng từ đó được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả khâu, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. Công ty không được dập vàng miếng từ nguyên liệu và cũng mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh khi trở thành thương hiệu độc quyền quốc gia.

Phương Đông

Trung Quốc đau đầu vì lạm phát thấp

Khi gần như cả thế giới phải tìm cách ghìm giá cả đang tăng vọt, Trung Quốc lại đối mặt với tình hình ngược lại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái - thấp nhất 18 tháng. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 6 tháng liên tiếp. Trong khi đó, tại Mỹ, CPI dù đã hạ nhiệt đáng kể vẫn tăng 5% tháng trước. Ở Liên minh châu Âu (EU), tốc độ này là 8,3%. Còn ở Anh là 10,1%.

Giá cả tại Trung Quốc đang tăng chậm, thậm chí giảm bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính để kích thích kinh tế. Cuối năm ngoái, họ cũng đã gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Mục tiêu lạm phát của Trung Quốc năm nay là 3%. Năm ngoái, mức tăng CPI là 2%.

Giới phân tích cho rằng lo lắng về triển vọng kinh tế khiến các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục tiết kiệm tiền thay vì chi tiêu. Các công ty cũng ngần ngại đầu tư mới. Việc này có thể gây ra vòng xoáy giảm giá – giảm lương khiến nền kinh tế khó hồi phục hoàn toàn.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

"Quan điểm của chúng tôi là Trung Quốc đang giảm phát", Raymond Yeung – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ANZ nhận định ngay sau khi Trung Quốc công bố GDP quý I. Dù nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng trưởng 4,5% trong ba tháng đầu năm, mức tăng này chủ yếu phản ánh tác động từ việc nhu cầu bị kìm nén sau 3 năm đại dịch, Yeung cho biết. Nếu loại bỏ điều này, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 2,6%.

Lượng tiền trong nền kinh tế Trung Quốc hiện khá lớn. Cung tiền tăng thêm kỷ lục 5.600 tỷ USD trong 15 tháng qua. PBOC đang cố khuyến khích mọi người chi tiêu bằng cách tăng thanh khoản của các ngân hàng, thông qua các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn im hơi lặng tiếng. Thay vì chi tiêu, người dân đang tích trữ tiền với mức độ kỷ lục. Phần lớn các khoản cho vay mới của các ngân hàng là cho chính quyền địa phương, chủ yếu để trả nợ, các nhà phân tích cho biết.

Việc giá cả đi xuống và nguồn cung tiền tăng lên đang làm dấy lên lo ngại giảm phát. Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.

Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, các vấn đề kinh tế sẽ càng trầm trọng.

Giảm phát đã gây sức ép lên kinh tế Nhật Bản 2 thập kỷ qua. Đến gần đây, giới chức Nhật Bản mới có thể đảo ngược xu hướng này.

"CPI đã rơi xuống dưới 1%. PPI thì đã vào vùng giảm phát. Nền kinh tế vẫn đang phục hồi đúng lộ trình, nhưng chưa đủ để kéo giá cả lên cao", Zhang Zhiwei - Giám đốc hãng quản lý tài sản Pinpoint Asset Management nhận xét trên SCMP. Ông cho rằng kinh tế Trung Quốc đang vận hành dưới tiềm năng.

Trên Reuters, Zhou Hao - nhà kinh tế học tại Guotai Junan International cũng nhận định kinh tế Trung Quốc đang bước vào quá trình lạm phát thấp dần. Việc này đòi hỏi "tăng dư địa nới lỏng tiền tệ để kích cầu".

Liu Yuhui – Giáo sư tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết trong một bài phát biểu gần đây rằng kinh tế Trung Quốc vẫn còn "yếu", khi giá bất động sản và tài sản tài chính "không tăng".

Các hộ gia đình Trung Quốc hiện có khối nợ lớn và chưa sẵn sàng chi tiêu. Các chính quyền địa phương cũng thiệt hại ngân sách nhiều vì đại dịch và khủng hoảng bất động sản. "Tình hình của Trung Quốc hiện tại giống Mỹ 15 năm trước và Nhật Bản 30 năm trước", Liu đánh giá.

Yu Yongding - cựu giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc CASS cũng thừa nhận nền kinh tế đang đối mặt với áp lực giảm phát. "Tôi cho rằng việc tuyên bố 'giảm phát đang bắt đầu' là không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng không phải sai lầm lớn. Chúng ta cần chú ý đến vấn đề này", ông cho biết trong một bài đăng trên trang tin tức Netease (Trung Quốc), "Tổng cầu yếu là vấn đề của nền kinh tế".

Li Daokui - Giáo sư Kinh tế tại Đại học Thanh Hoa thúc giục Bắc Kinh phát tiền cho người dân để kích thích nhu cầu. Đây là biện pháp được nhiều nước lớn áp dụng, như Mỹ hay Australia. Dù vậy, cách này hiếm khi được giới chức Trung Quốc thực hiện.

Ông kêu gọi chính phủ phát 500 tỷ nhân dân tệ (72,5 tỷ USD) phiếu mua hàng để kích thích chi tiêu trong năm nay. "Kể cả với kịch bản thận trọng nhất, 500 tỷ nhân dân tệ này cũng có thể tạo ra 1.000 tỷ nhân dân tệ tiêu dùng", ông cho biết trong video trên trang cá nhân hôm 25/4.

Đổi lại, chính phủ cũng có thể nhận được ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ thông qua thuế thu được từ việc tăng chi tiêu. "Vì thế, nếu chỉ tốn 200 tỷ nhân dân tệ để tạo ra 1.000 tỷ nhân dân tệ tiêu dùng, tại sao chúng ta không làm?", ông nói.

PBOC thì phủ nhận nguy cơ giảm phát và bảo vệ các chính sách hiện tại. "Khả năng giảm phát hoặc lạm phát trong dài hạn là không có cơ sở", Zou Lan - một quan chức PBOC cho biết trong họp báo tuần trước tại Bắc Kinh.

"Khi các chính sách hỗ trợ tài chính có hiệu lực, tiêu dùng được dự báo tăng tốc và giá cả sẽ quay về mức trung bình của các năm trước ngay trong nửa cuối năm nay", ông khẳng định.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)

Tiền vào chứng khoán nhỏ giọt

Sàn HoSE ghi nhận thanh khoản chỉ hơn 6.600 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu tháng 3, khiến VN-Index giằng co quanh mốc 1.050 điểm.

Chứng khoán biến động, tăng giảm không đều trong thời gian qua khiến nhiều đơn vị phân tích khuyên nhà đầu tư nên cẩn trọng, tập trung cân đối lại danh mục. Diễn biến thị trường hôm nay đúng như những lời khuyến nghị trên.

Buổi sáng, sàn giao dịch TP HCM giao dịch ảm đạm khi dòng tiền đổ về rải rác chỉ hơn 2.300 tỷ đồng. Phiên chiều thu hút nhà đầu tư nhiều hơn nhưng không giúp cải thiện đáng kể. Chốt phiên, thị trường có hơn 6.600 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch, giảm gần 32% so với hôm qua. Đây là phiên giao dịch có thanh khoản thấp nhất gần hai tháng qua.

Dòng tiền đổ dồn về nhóm ngân hàng - chứng khoán, bất động sản và công nghiệp. 10 cổ phiếu có thanh khoản trăm tỷ đều rơi vào các nhóm trên, chiếm gần 27% toàn thị trường.

Trong khi đó, thị giá cổ phiếu các nhóm ngành này giằng co liên tục, khiến VN-Index có nhiều rung lắc. Tổng lại, chỉ số đại diện sàn TP HCM hôm nay tăng nhẹ gần 0,3 điểm lên 1.049,25 điểm. Lượng cổ phiếu tăng và giảm khá tương đồng, lần lượt có 179 mã tăng và 176 mã giảm. Trong khi đó, rổ VN30 lại mất hơn 2,5 điểm.

Sắc đỏ xuất hiện dày đặc trên bảng điện nhóm chứng khoán. Các mã HCM, BSI, BVS, FTS, TVS... đều giảm trên 1%.

Ở nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu có vốn hóa trung bình như TCB, ACB, EIB, VPB đều lùi hơn 0,5% so với giá tham chiếu. Trong đó, theo VNDirect, VPB là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho thị trường. Ngoài ra, thị trường ghi nhận mã PGB mất đến 11,1% thị giá so với hôm qua, dứt chuỗi tăng gần như liên tiếp từ cuối tháng 3 giữa lúc đấu giá nhà băng này đắt khách.

Nhóm bất động sản có diễn biến không cùng chiều, lượng cổ phiếu giảm và cổ phiếu tăng có số lượng gần tương đương nhau. Tuy nhiên thị trường ghi nhận nhiều mã có thanh khoản lớn giảm giá. PDR hôm nay mất 2,2%. NVL tiếp tục giảm hơn 1%. Nhóm này vẫn ghi nhận 5 cổ phiếu tăng trần gồm MH3, NRC, DIH, NDN, NTL nhưng thanh khoản thấp.

Tất Đạt

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông | Xu hướng 24h | VTC Now

Vì sao Mỹ muốn Việt Nam sản xuất chip thay thế Đài Loan ?

Việt Nam sẽ xây dựng chương trình sản xuất chip điện tử

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình về sản xuất chip điện tử, nhằm tạo động lực phát triển mới.
Tại hội nghị trực tuyến với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip. Các tỉnh, thành nghiên cứu xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại địa phương và thúc đẩy lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều 3/4. Ảnh: Nhật Bắc

Cuối 2022, tại lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung, Thủ tướng đề nghị tập đoàn Hàn Quốc "khẩn trương chuẩn bị điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đặt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Thái Nguyên".

"Đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện tử của tập đoàn tại Việt Nam. Việc này đã được đề nghị nhiều lần. Mong Samsung sau khi có trung tâm R&D sẽ sớm tiến hành sản xuất chip tại Việt Nam", Thủ tướng nói khi đó.
Trước đó, tháng 8/2022, Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất được đưa trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tháng 9, FPT Semiconductor cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế.
Các chuyên gia nhận định Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này. Trả lời VnExpress năm ngoái, ông Steve Long, Tổng giám đốc Intel khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, nhận định: "Việt Nam có khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip".
Cũng tại phiên họp chiều nay, Thủ tướng cho rằng hậu quả của Covid-19 vẫn kéo dài và chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn, dự báo năm 2023 kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, thị trường thu hẹp, cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, trong nước vẫn còn khó khăn, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát. Các bộ ngành cần phản ứng kịp thời, "khó khăn thì khắc phục, thách thức thì vượt qua để đạt mục tiêu đề ra".

Vì sao Mỹ muốn Việt Nam sản xuất chip thay thế Đài Loan ?

Nga xoay trục sang phương Đông, tước quyền lãnh đạo thế giới của G7

Chính phủ Triều Tiên cam kết tăng cường quan hệ với Nga | VTC Now

Giới thiệu tổng quan về tỉnh Nghệ An

I. Giới thiệu chung

Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học. Nghệ An còn là mảnh đất đã sản sinh nhiều anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân lịch sử cho đất nước. Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An. Từ đó, danh xưng Nghệ An trở thành tên gọi gần gũi, thân thương gắn liền vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người dân Nghệ An cho tới ngày nay. Tháng 11/2020, Nghệ An đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An; khẳng định một dấu mốc quan trọng, một chặng đường lịch sử vẻ vang của địa phương.

II. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Nghệ An là địa phương nằm ở vĩ độ 18033' đến 20001' vĩ độ Bắc, kinh độ 103052' đến 105048' kinh độ Đông, ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam; phía Đông giáp biển, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 468 km đường biên giới trên bộ, bờ biển ở phía Đông dài 82 km.

Nghệ An có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: 01 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện. Trong đó, Thành phố Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ; 3 thị xã, gồm: Thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và thị xã Thái Hoà; 17 huyện, gồm: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo Quốc lộ 7 đến cảng Cửa Lò; nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế (tuyến du lịch xuyên Việt; tuyến du lịch Vinh - Cánh đồng Chum - Luôngprabang - Viêng Chăn - Băng Cốc và ngược lại qua Quốc lộ 7 và đường 8)… Với vị trí như vậy, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hoá với cả nước và các nước khác trong khu vực, nhất là các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

2. Dân cư

Theo Niên giám thống kê năm 2020, dân số tỉnh Nghệ An đến năm 2020 là 3.365.198 người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (với 84,5%). Mật độ dân số 204 người/km².

Dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống ở tỉnh Nghệ An trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi.

Nghệ An hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ Mú (43.139 người), Mông (33.957 người).

3. Địa hình

Tỉnh Nghệ An nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, có địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy đồi núi và hệ thống sông, suối.

Về tổng thể, địa hình tỉnh Nghệ An nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích lãnh thổ. Địa hình có độ dốc lớn, đất có độ dốc lớn hơn 8° chiếm gần 80% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đặc biệt có trên 38% diện tích đất có độ dốc lớn hơn 25°. Nơi cao nhất là đỉnh Puxailaileng (2.711m) ở huyện Kỳ Sơn, thấp nhất là vùng đồng bằng các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, có nơi chỉ cao 0,2m so với mặt nước biển (xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu).

4. Khí hậu

Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt là hè và đông. Từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, Nghệ An chịu ảnh hưởng của gió phơn tây nam khô và nóng. Vào mùa đông, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh và ẩm ướt.

Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23 - 24°C. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá cao. Nhiệt độ trung bình các tháng nóng nhất (tháng 6 đến tháng 7) là 33°C, nhiệt độ cao tuyệt đối 42,7°C; nhiệt độ trung bình các tháng lạnh nhất (tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau) là 19°C, nhiệt độ thấp tuyệt đối -0,5°C. Số giờ nắng trung bình/năm là 1.500 - 1.700 giờ. Lượng mưa bình quân hàng năm dao động từ 1.200 - 2.000 mm/năm.

Cổng TTĐT Nghệ An

Thu nhập bình quân của lao động gần 8 triệu đồng một tháng

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý I năm nay là 7,9 triệu đồng, tăng gần 600.000 đồng so với cùng kỳ 2022.
Số liệu này được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội gửi Uỷ ban Kinh tế, ngày 21/4. Bộ này đánh giá tình hình lao động, việc làm ba tháng đầu năm phục hồi tích cực.
Thu nhập bình quân tháng của lao động là 7,9 triệu đồng, tăng 204.000 đồng so với cuối năm 2022 và 578.000 đồng cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này được cập nhật, tăng so với mức 7 triệu đồng được Tổng cục Thống kê đưa ra cuối tháng 3.
Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý cuối năm 20220,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, tỷ lệ thiếu việc làm cũng giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 1,94%.
Lần đầu tiên sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc được thí điểm, giúp người lao động bị mất việc, giảm giờ làm kết nối với doanh nghiệp.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,3 lần so với nữ. Mức thu nhập của lao động ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn trên 1,4 lần. Tuy vậy, cơ quan này cho biết thu nhập tăng không đều ở các ngành kinh tế.
Công nhân tại khu trọ Hưng Lợi 2, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Thanh Tùng

Tại báo cáo này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay năm ngoái tăng thêm một chỉ tiêu không đạt so với mục tiêu Quốc hội giao và báo cáo tại kỳ họp cuối năm 2022. Như vậy, năm ngoái có hai trong 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội không đạt, là tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo (24,76%) và tốc độ tăng năng suất lao động (4,8%).

Nguyên nhân, cơ quan này giải thích, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư đối mặt khó khăn gia tăng từ nửa đầu Quý IV/2022. Giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào biến động mạnh.

Ngoài ra, xuất khẩu gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, các thị trường lớn, truyền thống bị thu hẹp do sức cầu suy giảm. Trong khi đó, năng lực nội tại, tính tự chủ nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Những yếu tố trên đã tác động và tạo sức ép rất lớn lên tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022.

Ba tháng đầu năm nay, chế biến, chế tạo - lĩnh vực chiếm chỉ số trọng yếu trong sản xuất công nghiệp - tiếp đà giảm 2,4% (cùng kỳ tăng 7,3%). Một số ngành công nghiệp chế biến chủ lực, như dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy tính giảm sản xuất 2-8%.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, quý I, có khoảng 39% doanh nghiệp lĩnh vực này giảm sản xuất đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đơn hàng dệt may, da giày, đồ gỗ giảm 15-20%; xuất khẩu thủy sản cũng sụt hơn 20% so cùng kỳ.

Thủ tướng: Các ngân hàng phải giảm lãi suất

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước sử dụng tối đa các biện pháp để giảm chi phí, hạ lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Ngày 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang đối diện khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Thị trường trái phiếu, bất động sản được gỡ vướng pháp lý nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Theo Thủ tướng, trong lúc người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Ngoài thực hiện các chính sách đã có, lãnh đạo Chính phủ nói cần "nghiên cứu các chính sách mới, đột phá để các thị trường có thêm nguồn lực, động lực phát triển cả phía cung - cầu".
Theo đó, với thị trường tài chính, Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng tín dụng nền kinh tế nên phải tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường.

"Bằng nhiều biện pháp, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần giảm lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát - tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền", Thủ tướng nói. Việc ngân hàng hạ lãi suất đầu vào - đầu ra cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp thường trực Chính phủ về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, ngày 25/4. Ảnh: VGP

Thực tế, vốn đang là điểm nghẽn của nhiều lĩnh vực sản xuất như thuỷ sản, dệt may, gỗ trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các thị trường xuất khẩu chính giảm cầu do lạm phát, suy thoái kinh tế.
Chẳng hạn, ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn Covid-19 bùng phát nặng nhất, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Dự báo ngành này tiếp tục đối diện khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
Xuất khẩu giảm khiến dòng tiền về chậm. Nhưng vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cạn tiền mua nguyên liệu.
Cuối tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng của các nhà băng giảm nhẹ, nhưng vẫn quanh 8-9% một năm. Với mức lãi đầu vào này, lãi suất cho vay ra của các ngân hàng phổ biến 10-11,5% một năm. Các doanh nghiệp cho rằng, lãi vay như vậy là rất cao trong bối cảnh sụt giảm sản xuất, đơn hàng.
Còn lãi suất cho vay bằng đồng USD, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, hiện trên 4%, tức tăng 1,7-1,9% so với trước. Vì thế việc hạ lãi suất, các doanh nghiệp cho rằng sẽ giúp họ có nguồn lực trong lúc khó khăn này.
Thủ tướng trao đổi với đại diện các bộ, ngành, ngân hàng tại cuộc họp ngày 25/4. Ảnh: VGP

Với thị trường trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư gỡ vướng, cho phép các ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết. Chính sách gỡ vướng cho thị trường này cũng được Bộ Tài chính sửa đổi trước đó.
Tuy nhiên, Thủ tướng nói vẫn cần có thêm các công cụ, phương pháp để doanh nghiệp phát hành có điều kiện thanh toán trái phiếu đến hạn cho các trái chủ. Ông giao Bộ Tài chính sớm rà soát, điều chỉnh điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Bộ này cũng được yêu cầu hoàn thiện phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất và đề xuất phương án áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Còn với bất động sản, ngoài tháo gỡ về pháp lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành công trình, dự án, đưa sản phẩm mới ra thị trường. Ngành ngân hàng và xây dựng cũng phải đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng phải tránh trục lợi, tiêu cực.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý và giám sát việc thực thi đảm bảo "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành".
"Chính phủ kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng", Thủ tướng nói.

Cô dâu Việt lấy chồng giám đốc vẫn bán phở, nước mía trên đất Hàn

Dù được chồng giám đốc yêu chiều nhưng chị Huỳnh Chơn Phương không chọn hưởng thụ mà cần mẫn bán phở, nước míaHàn Quốc.
Giám đốc người Hàn phải lòng cô gái Cà Mau
Nếu không trò chuyện, hỏi quê hương, nhiều người sẽ lầm tưởng chị Huỳnh Chơn Phương (32 tuổi, quê Cà Mau, đang sống ở Hàn Quốc) là người gốc Hàn.
Sau hơn 6 năm sang Hàn Quốc, chị Phương vẫn giữ được ngoại hình ưa nhìn, da trắng, môi hồng… căng tràn sức sống.
Chị Huỳnh Chơn Phương trẻ trung, tươi tắn.© Tiền Phong
Chị Huỳnh Chơn Phương trẻ trung, tươi tắn.
Năm 2016, vẻ đẹp trong sáng của cô gái Cà Mau khiến giám đốc người Hàn phải lòng dù chỉ xem qua ảnh chân dung.
Chị Phương kể: “Chồng tôi có một công ty sản xuất khẩu trang, kinh doanh cũng ổn định. Một người em giới thiệu anh ấy với tôi. Tin tưởng em, tôi không lo lắng về chuyện tìm hiểu một người đàn ông ngoại quốc”.

Lần đầu xem ảnh của chồng, chị Phương thấy thích và có cảm tình rất nhiều. Sau khi trao đổi ảnh qua lại, cả hai nói chuyện video qua mạng xã hội.

Lúc này, chị Phương chưa học tiếng Hàn, tiếng Anh cũng không tốt. Mỗi lần trò chuyện, hai người chỉ nhìn nhau cười. Dù những cuộc gọi của cả hai không có lời thoại nhưng cảm giác quen thuộc cứ vậy lớn dần.

Hơn 1 tháng trò chuyện qua mạng xã hội, người đàn ông Hàn Quốc vội vã sang Việt Nam tính chuyện cưới xin. Tháng 3/2016, chị Phương theo chồng sang Hàn sinh sống.
Đến xứ sở kim chi đúng lúc thời tiết giá lạnh, chị Phương gặp nhiều khó khăn để thích nghi. Ngoài ra, ngôn ngữ, cách sinh hoạt khác biệt giữa hai nước làm cô dâu Việt cảm thấy mệt mỏi.
Thời gian đầu ở Hàn Quốc, chị Phương tập trung học tiếng và làm quen với văn hóa nhà chồng.© Tiền Phong
Thời gian đầu ở Hàn Quốc, chị Phương tập trung học tiếng và làm quen với văn hóa nhà chồng.
Công việc kinh doanh của chồng ổn định nên chị Phương không chịu áp lực kiếm tiền. Trong 2 năm đầu, chị ở nhà nội trợ và học tiếng Hàn.
Tiếng Hàn trôi chảy, chị Phương vào công ty của chồng làm việc. Thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành, công ty hoạt động hết công suất, vợ chồng chị phải làm việc cật lực.
Bán phở, nước mía… cho đỡ nhớ quê
Có chồng tài giỏi, việc làm ở công ty khẩu trang không thiếu, thế nhưng chị Phương lại thích phát triển mảng kinh doanh riêng. Chị vốn thích nấu ăn, thường vào bếp làm món Việt mời bạn bè.
Khi việc kinh doanh của chồng không còn bận rộn, cô dâu Việt nghĩ đến chuyện bán món ăn Việt cho đỡ nhớ quê hương.
Quán ăn của cô dâu Việt có rất nhiều món quen thuộc của người Việt.© Tiền Phong
Quán ăn của cô dâu Việt có rất nhiều món quen thuộc của người Việt.
Gần 2 tháng trước, chị Phương mở một cửa hàng bán cơm, phở, món ăn vặt, nước mía… phục vụ người Việt xa xứ.
Chị Phương tự tay vào bếp, chuẩn bị các món ăn, nước uống cho thực khách. Món phở của quán được nấu theo vị phở Bắc. Chị học được cách nấu này từ bác của mình khi còn ở Cà Mau.
Khách hàng của chị thường tấm tắc khen: “Lâu lắm rồi, tôi mới ăn được món phở đúng vị Việt trên đất Hàn”. Những lời khen, động viên của khách giúp chị Phương phấn khởi, liên tiếp nghĩ ra những món ăn mới cho quán.
“Tôi đam mê vào bếp cho nên làm việc đến 3h sáng vẫn không thấy mệt. Khách ăn khen ngon, mình càng có thêm động lực làm việc. Ngoài phở, tôi còn bán bánh tráng trộn, bánh mì, trà sữa…
Đặc biệt, tôi đã nhập 2 xe mía từ Việt Nam để làm nước mía bán cho khách”, chị Phương cho biết.
Xe nước mía siêu sạch đặt tại cửa hàng của chị Phương.© Tiền Phong
Xe nước mía siêu sạch đặt tại cửa hàng của chị Phương.
Chị Phương nhập mía tươi từ Việt Nam, cho nhân viên cạo sạch vỏ, sau đó ép cùng một lát chanh. Vị tươi ngon, thơm mát của nước mía không chỉ được người Việt yêu thích mà còn thu hút khách Hàn.
Dịp lễ hội hoa anh đào vừa qua, chị Phương đưa xe nước mía ra khu vực tổ chức sự kiện để bán. Ban đầu, chị cũng chỉ muốn bán thử, giới thiệu nước mía với khách nước ngoài.
Bất ngờ, nhiều khách Hàn hiếu kỳ đến xem nhóm chị Phương làm nước mía. Họ tò mò về những công đoạn tạo ra một ly nước mía tươi ngon. Được chị Phương giải thích tận tình, một số khách an tâm mua uống thử.
Món nước tươi mát của người Việt được khách Hàn đón nhận. Người trước giới thiệu người đến sau, khách cứ thế tập trung rất đông.
Tại lễ hội, ngày đầu tiên, chị Phương bán được 700 ly. Qua hôm sau, chị bán được hơn 1.200 ly, ngày thứ ba thì bán được hơn 1.000 ly.
Nhiều khách Hàn tập trung mua nước mía tại quầy hàng của chị Phương ở lễ hội hoa anh đào.© Tiền Phong

Nhiều khách Hàn tập trung mua nước mía tại quầy hàng của chị Phương ở lễ hội hoa anh đào.
Kết thúc lễ hội, xe nước mía được đưa về quán phở như ban đầu. Một số khách Hàn xem thông tin trên mạng xã hội tìm đến quán chỉ để mua nước mía.
Hiện tại, mỗi ngày, chị Phương bán được hơn 100 ly nước mía, với giá 5.000 won (khoảng 90.000 đồng).
Mỗi món ăn, thức uống của người Việt được đón nhận nhiệt tình ở Hàn Quốc đều khiến chị Phương vô cùng hạnh phúc. Quán ăn của chị tuy nhỏ nhưng vừa mang lại thu nhập vừa góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Đặc biệt, đức tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó của chị Phương góp chút màu sắc tô đẹp hình ảnh cô dâu Việt xa xứ.