Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Thủ tướng: Cắt giảm thủ tục rườm rà trong giao dịch đất đai

Dự thảo Luật Đất đai cần cắt giảm tối đa thủ tục rườm rà không cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch, sử dụng đất, Thủ tướng yêu cầu.

Sáng 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi.

Về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Thủ tướng nhấn mạnh đây là dự luật rất quan trọng, phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng nhiều, nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế các cơ quan cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến nhân dân, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18 và Hiến pháp, tình hình thực tế.

Theo Thủ tướng, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề tiếp thu theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh hiệu quả. Các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu, có thể thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng dần. Các vấn đề giải trình cần có căn cứ xác đáng, lập luận thuyết phục.

Nội dung còn ý kiến khác nhau cần được phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án trình, thể hiện rõ quan điểm. Thủ tướng nhắc lại, Việt Nam đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nên các chính sách phải có bước đi, lộ trình phù hợp, "tránh giật cục, chuyển trạng thái đột ngột".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, sáng 10/4. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, sáng 10/4. Ảnh: Nhật Bắc

Dự thảo luật cần theo nguyên tắc phát huy tối đa nguồn lực về cơ chế, chính sách đất đai để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; có công cụ kiểm tra, giám sát, tránh bị lợi dụng và tham nhũng.

Cùng với cắt giảm tối đa thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch đất đai, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực này, gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. "Việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định cần tham khảo, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, đặc thù của đất nước", Thủ tướng nói và lưu ý tiếp tục rà soát với các luật liên quan để không có khoảng trống pháp lý.

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần thứ 5, trong đó nội dung quan trọng nhất là bỏ khung giá đất của Chính phủ, giao địa phương quy định bảng giá đất hàng năm. Giá đất được xác định theo giá thị trường. Dự thảo cũng quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Người có đất bị thu hồi sẽ được chọn nơi tái định cư với điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023.

Về dự án Luật Nhà ở sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nghiên cứu nghiêm túc, cẩn thận nội dung quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến người dân và xã hội. Bộ Xây dựng, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, giải trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Nhà ở xã hội, nhà công nhân cần được khuyến khích phát triển.

Dự kiến Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào tháng 5.

Phó thủ tướng: Triển khai ngay giải pháp chống bụi cho sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và đơn vị thi công triển khai ngay giải pháp chống bụi trên công trường sân bay Long Thành, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Tại cuộc họp tổ công tác đôn đốc, xử lý vướng mắc dự án sân bay Long Thành sáng 11/4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu chủ đầu tư là ACV và đơn vị thi công đề xuất phương án san lấp, phủ xanh khu vực đất dữ trự, không làm phát sinh bụi ảnh hưởng đến sân bay khi hoạt động. Hàng rào khu vực dự án cần sớm hoàn thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cũng đề nghị chủ đầu tư sớm xây tường rào khép kín toàn bộ 5.000 ha phục vụ công tác an ninh trong thời gian thi công và chống tái lấn chiếm; san lấp mặt bằng dành cho giai đoạn hai để ngăn ô nhiễm bụi sau khi hoàn thành giai đoạn một.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp tổ công tác đôn đốc, xử lý vướng mắc dự án sân bay Long Thành, sáng 11/4. Ảnh: Minh Khôi

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp tổ công tác đôn đốc, xử lý vướng mắc dự án sân bay Long Thành, sáng 11/4. Ảnh: Minh Khôi

Từ đầu tháng 3, khi vào cao điểm mùa khô ở Nam Bộ, bụi từ công trường sân bay theo gió bay xa khoảng 10 km, ảnh hưởng hàng chục nghìn hộ dân ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Đoàn kiểm tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận bụi phát tán do đơn vị thi công tưới nước không đầy đủ toàn công trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt. Áp lực thời gian khiến lượng phương tiện di chuyển lớn, hoạt động liên tục làm phát sinh bụi.

Quá trình san lấp nền hơn 2.500 ha, lớp đất hữu cơ bề mặt bị bóc để lộ toàn bộ phần đất không được thực vật che phủ, làm phát sinh bụi. Ngoài ra, Nam Bộ đang là mùa khô, thường có lốc xoáy cuốn bụi lên cao, phát tán ra xung quanh.

Để hạn chế bụi, các nhà thầu đào 10 hố chứa cung cấp nước tưới trên công trường. ACV và chính quyền địa phương hỗ trợ lắp máy lạnh để đóng cửa, hạn chế bụi bay vào lớp học.

Bụi bay mịt mù từ công trường sân bay Long Thành qua khu dân cư, chiều 28/3. Ảnh: Phước Tuấn

Bụi bay mịt mù từ công trường sân bay Long Thành qua khu dân cư, chiều 28/3. Ảnh: Phước Tuấn

Liên quan đến tiến độ gói thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho biết đã sửa đổi hồ sơ mời thầu lần hai. ACV kỳ vọng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần lựa chọn tổng thầu uy tín, đủ năng lực xây sân bay hiện đại, trang thiết bị đồng bộ, tin cậy, đảm bảo an ninh, an toàn theo tiêu chuẩn của các nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiện toàn năng lực Ban quản lý dự án của ACV.

Đồng thời, ACV huy động chuyên gia, nhà khoa học, nhân sự quản lý có năng lực quốc tế tham gia tư vấn, hỗ trợ, giám sát toàn bộ quá trình thi công, triển khai, vận hành dự án.

Về giải phóng mặt bằng, ông Cao Tiến Dũng cho biết với giai đoạn đầu, chỉ còn một hộ hoàn thành di dời vào 20/4. Khu vực 722 ha dự trữ, tỉnh hoàn tất giải phóng mặt bằng vào giữa tháng 5. Trong hai tuyến giao thông kết nối, địa phương đã hoàn thành kiểm đếm, áp giá bồi thường, vận động người dân, phấn đấu bàn giao mặt bằng tuyến 1 trước tháng 6.

Vị trí sân bay Long Thành. Đồ họa:Khánh Hoàng

Vị trí sân bay Long Thành. Đồ họa: Khánh Hoàng

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha, tổng đầu tư dự kiến 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn một sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Cam Lục Ngạn

 

Cây cam Lục Ngạn được trồng trên đất đồi thoát nước, cộng với kỹ thuật chăm sóc hiệu quả nên cho chất lượng quả ngon hơn so với ở miền xuôi.
Ảnh: BGP/Dương Thủy

Cam Lục Ngạn chủ yếu có 3 loại gồm: Cam đường canh, cam Vinh và cam V2. Quả cam đường canh chín đỏ đẹp, ăn ngọt lịm; còn cam Vinh hay còn gọi cam lòng vàng có kích thước to hơn, chín vàng, ăn có vị ngọt dịu mát và hương thơm đặc trưng nên được khách hàng ưa chuộng, nhất là khách ở các tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Cứ đến vụ thu hoạch tiểu thương lại đánh ô tô đến tận vườn thu mua đỡ nhiều công vận chuyển.

Riêng diện tích cam trồng ở huyện Lục Ngạn khoảng 1.530 ha với sản lượng khoảng 6.086 tấn/năm chiếm trên 90% diện tích trồng cam toàn tỉnh. Cam trồng được áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGap cho chất lượng cao, mẫu mã đẹp, thơm ngon... Thời gian thu hoạch Cam Lục Ngạn khoảng tháng 11 của năm trước tới tháng 1 của năm sau.

Các giống cam vốn có nguồn gốc từ nơi khác nhưng khi bén duyên với đất đồi nơi đây, nhờ điều kiện đất đai, khí hậu đặc trưng cùng sự sáng tạo của nhà vườn, quả cam bỗng có hương thơm, vị ngọt đậm đà. Cây cam được trồng trên đất đồi thoát nước, cộng với kỹ thuật chăm sóc hiệu quả nên cho chất lượng quả ngon hơn so với ở miền xuôi.

Ngày 26/6/2015, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu “Cam Lục Ngạn“.

* Liên hệ:

Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Lục Ngạn

Địa chỉ: Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Điện thoại: 02043 882 274.

Bắc Giang trồng gấc cho hiệu quả kinh tế cao

 

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập cho người sản xuất, những năm gần đây, cây gấc đã được đưa vào trồng trên diện rộng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Mô hình trồng gấc cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: BGP/An Nhiên

Cây gấc là loại cây trồng dễ tính, có khả năng thích nghi rộng, không tốn nhiều công chăm sóc. Vì vậy cây gấc trồng được trên nhiều loại đất. Tuy nhiên trồng gấc trên đất cát pha, đất phù sa rất tốt cho cây gấc vì hai loại đất này có ưu điểm là giàu dinh dưỡng, lại có thể thoát nước nhanh mà đặc tính của cây gấc là không chịu được úng. Bên cạnh đó, quá trình trồng các hộ dân ở đây luôn chú ý thời điểm bón phân, chủ động phòng trừ nấm và nhất là phải làm giàn để dây gấc leo thì cây sẽ cho năng suất, sản lượng cao.

Để đạt năng suất và mang lại giá trị kinh tế cao, người dân trồng gấc đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn giống gấc. Những giống gấc truyền thống thường cho quả bé, nhiều gai, cùi dày thịt ít, chủ yếu để tiêu thụ nhỏ lẻ tại các chợ nội địa. Tuy nhiên, người dân trồng gấc Bắc Giang chủ động chọn các giống gấc lai cao sản của Mỹ, Úc, Canada... Loại gấc này được thị trường xuất khẩu rất ưa chuộng, vì chúng có thể sử dụng làm nguyên liệu trong chế biến thuốc chữa bệnh.

Trong quá trình cây sinh trưởng, phát triển, người trồng thường xuyên thăm vườn, tỉa bớt lá già, lá úa, lá bệnh, tạo độ thoáng mát cho giàn, và cũng chủ động hạn chế sâu bệnh hại gấc.

Để đạt năng suất và mang lại giá trị kinh tế cao, người dân trồng gấc đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn giống gấc. Ảnh: BGP/An Nhiên

Hiện nay, cây gấc được trồng nhiều ở huyện Yên Thế với tổng diện tích đạt khoảng 70 ha, tập trung ở các xã: Đồng Kỳ, Hồng Kỳ, An Thượng, Đồng Tâm, Tam Tiến, Đồng Tiến, Canh Nậu, Bố Hạ, Tân Hiệp...

Tuy mới phát triển trên diện rộng và thu hoạch những vụ đầu nhưng năng suất gấc bình quân đã đạt khoảng 10 - 12 tấn quả/ha. Sau khi trừ chi phí, người sản xuất sẽ có thu nhập vào khoảng 80 triệu đồng/ha.

Thực tế phát triển mô hình trồng gấc ở huyện Yên Thế cho thấy, việc chủ động tốt đầu ra cho trái gấc đã góp phần quan trọng giúp người dân yên tâm phát triển loại cây trồng có hiệu quả kinh tế này. Do vậy, đến nay, cây gấc đã được nhiều nông dân Yên Thế đưa vào trồng thay thế các loại cây kém hiệu quả.

Hiện nay thị trường xuất khẩu gấc còn khá rộng mở, giá bán ổn định. Nhiều hộ dân dự định mở rộng hơn nữa diện tích, phát triển mô hình trồng gấc xuất khẩu. Các công ty nước ngoài tìm đến các hộ trồng gấc đặt vấn đề hợp tác để thu mua gấc chín ngày một nhiều hơn. Hiện nay mô hình trồng gấc xuất khẩu đã giúp nhiều hộ dân của tỉnh có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống./.

                                                                                                                                     An Nhiên

Mua bảo hiểm làm gì?

Tháng trước, gia đình tôi đăng ký cho các con tham gia hoạt động ngoại khóa vào dịp nghỉ mùa xuân ở Pháp. Hồ sơ yêu cầu chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự mang tên bọn trẻ.

Loại bảo hiểm này bảo đảm gia đình tôi có khả năng chi trả bồi thường cho những rủi ro mà bọn trẻ có thể gây ra, gồm cả hậu quả lên cơ sở vật chất lẫn con người xung quanh. Hàng tháng, ngoài các khoản bảo hiểm bắt buộc với người lao động, chúng tôi còn phải chi trả nhiều loại bảo hiểm khác liên quan tới phương tiện giao thông, nhà ở, các khoản vay... Ngân sách dành cho bảo hiểm chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngân sách gia đình hàng tháng, nên chúng tôi luôn tìm hiểu kỹ hợp đồng: chi phí mỗi tháng, phạm vi bao phủ của bảo hiểm, chất lượng đền bù (tính thuận tiện khi khai báo rủi ro và thẩm định, thời hạn hoàn trả bồi thường, số tiền bồi thường).

Theo Từ điển Oxford, bảo hiểm là khái niệm liên quan tới một dàn xếp nhằm trả cho một công ty khoản tiền đều đặn, đổi lại việc được thanh toán một khoản chi phí khi xảy ra tử vong, bệnh hoạn hay mất mát thứ gì. Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kèm theo thiệt hại không biết trước, mà chi phí cho nó có thể vượt quá khả năng chịu đựng của người gánh rủi ro. Vì vậy, bảo hiểm - theo một cách đơn giản nhất, dưới góc độ bên được bảo hiểm - là cách biến chi phí không kiểm soát được khi rủi ro đến (trong trường hợp lý tưởng, cũng là chi phí được đền bù), thành chi phí kiểm soát được theo định kỳ. Theo sự phát triển của xã hội, nhu cầu bảo hiểm ngày càng đa dạng. Các công ty có thể giới thiệu nhiều loại sản phẩm, cũng như có những sản phẩm dạng gộp (combo). Các gói bảo hiểm nhân thọ liên quan các vấn đề của chính bản thân con người là một ví dụ. Vì là dạng gộp nên giá trị các hợp đồng bảo hiểm loại này thường cao hơn.

Trở lại với trường hợp gia đình mình, tôi nhận thức rõ không đủ khả năng tài chính để đền bù hàng nghìn euro cho chủ nhân một chiếc xe hạng sang nếu lỡ bất cẩn va quẹt phải. Chuyện này rất dễ xảy ra vào giờ cao điểm. Tôi cũng không đủ khả năng tài chính để chăm nuôi một bé khác chẳng may bị tai nạn do xô đẩy khi chơi cùng con tôi. Vì vậy, tôi phải chia nhỏ những chi phí ngoài khả năng tài chính của mình thành những khoản "mất mát" đều đặn hàng tháng mà tôi có thể chi trả.

Tại Việt Nam, các loại bảo hiểm đơn lẻ ít được chú ý cũng như ít mang lại nguồn thu lớn cho các công ty. Do đó, sản phẩm dạng gộp như bảo hiểm nhân thọ - loại hình không bắt buộc dành cho cá nhân - thường được giới thiệu nhiều nhất. Loại sản phẩm này có giá trị hợp đồng cao nên cũng gây ra nhiều biến tướng.

Cách đây vài năm, vì nể nang, tôi theo chân người bạn đến gặp trưởng phòng một công ty bảo hiểm tại TP HCM để nghe tư vấn sản phẩm nhân thọ. Đầu tiên, tôi được giới thiệu nhanh về các rủi ro và lợi ích của bảo hiểm khi gặp rủi ro. Sau đó, trưởng phòng nhanh chóng chuyển sang nói về các quyền lợi đi kèm như dịch vụ thăm khám sức khỏe định kỳ hay phần tiền lãi tôi có được sau một khoảng thời gian thực hiện hợp đồng. Đây là phần anh nhấn mạnh nhất. Tuy nhiên, khi tôi thực hiện một bảng tính tại chỗ để làm rõ các con số thì hóa ra vị trưởng phòng chỉ sử dụng phần mềm có sẵn của công ty để đưa ra các con số chung chung, hấp dẫn. Các câu hỏi và thắc mắc chi tiết của tôi không được giải thích hoặc cam kết rõ ràng. Mức độ chi trả, phạm vi bảo hiểm cũng như điều kiện bảo hiểm không hề được tư vấn. Vì vậy, tôi không quan tâm đến bất kỳ buổi tư vấn kế tiếp nào dù được liên hệ lại ráo riết.

Quan sát bạn bè và người thân xung quanh, tôi cho rằng, nhiều người mua bảo hiểm ở Việt Nam đã quá dễ tính, cả tin; còn người bán bảo hiểm đã cố tình hời hợt. Chẳng hạn, anh chị tôi cũng có bảo hiểm trách nhiệm nhân sự bắt buộc khi đi xe máy, nhưng chưa bao giờ họ biết phải gọi đến ai khi gây hoặc bị tai nạn, mà thường tự dàn xếp.

Luật Bảo hiểm năm 2022 (luật số 88/2022/QH15) quy định khá rõ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Trong phần mở đầu của Luật này, "rủi ro""tổn thất" kèm những cụm từ liên quan sự kiện rủi ro đã được nhắc đến. Điều này khẳng định giá trị cốt lõi của bảo hiểm chính là quản lý rủi ro.

Nhưng trong quá trình mua bán bảo hiểm ở Việt Nam, các câu hỏi liên quan đến chuyện người được bảo hiểm cần làm gì và sẽ được gì khi rủi ro xảy ra, là điều được đề cập quá ít. Ngược lại, nhân viên tư vấn "tung hỏa mù" và "bẻ lái" người mua tới những quyền lợi ngoài lề, dù các lợi ích này, nếu suy nghĩ kỹ, sẽ thấy khó/ ít xảy ra trong thực tế, hoặc đi kèm với các điều kiện mà người mua khó đáp ứng đến cùng.

Tóm lại, bảo hiểm là sản phẩm tài chính nhằm giảm thiểu mất mát do các sự kiện rủi ro bất ngờ xảy ra. Bảo hiểm không phải là kênh đầu tư tự có khả năng sinh lời.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam bị đẩy đến tình trạng bát nháo hiện nay là do các công ty bảo hiểm, suốt một thời gian dài, đã đẩy khách hàng vào kênh đầu tư tài chính thay vì quan tâm tới giá trị cốt lõi của sản phẩm bảo hiểm. Những tố cáo liên tục của khách hàng đối với các công ty bảo hiểm vừa qua, bất luận phần đúng thuộc về phía nào, cũng khiến người tiêu dùng mất mát niềm tin, thậm chí hoang mang về những sản phẩm bảo hiểm, mà đáng lẽ hữu ích cho mỗi gia đình.

Người tham gia bảo hiểm không bắt buộc chắc chắn là những người biết lo lắng cho tương lai cũng như có điều kiện tài chính nhất định. Do đó, gốc của bảo hiểm là thứ nên được quan tâm trước nhất. Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính, cần sớm rà soát lại nội dung các hợp đồng bảo hiểm, cũng như hoạt động tư vấn bảo hiểm, để bảo đảm sự minh bạch cho thị trường này, nhằm tránh tình trạng "bán bia kèm lạc""lạc" lại nhiều hơn "bia" cả về số lượng lẫn giá trị kinh tế.

Võ Nhật Vinh

Việt Nam có hơn 7 triệu tài khoản chứng khoán

Thị trường chứng khoán vừa cán mốc 7 triệu tài khoản vào cuối tháng 3, nhưng tốc độ mở mới đang chậm lại đáng kể so với cách đây một năm.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký gần 40.000 tài khoản trong tháng 3, đưa quy mô tài khoản giao dịch toàn thị trường lần đầu vượt mức 7,03 triệu. Con số này tương đương khoảng 7% dân số cả nước, vượt xa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều người mở hơn một tài khoản.

Tuy nhiên, tốc độ mở mới tài khoản tiếp tục chậm lại. Diễn biến này đã kéo dài từ tháng 7/2022, khi VN-Index giảm sâu từ vùng đỉnh 1.500 điểm xuống dưới 1.000 điểm. Lượng mở mới trong tháng 3 giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp thị trường không ghi nhận trên 100.000 tài khoản mới. Trong khi đó, ở những giai đoạn bùng nổ về điểm số và thanh khoản, cộng thêm các công ty chứng khoán liên tục ra chính sách hút nhà đầu tư mới, lượng đăng ký mỗi tháng thường dao động 200.00-450.000 tài khoản.Thiếu vắng nhà đầu tư mới, còn nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn trước thận trọng hơn khiến thanh khoản thị trường giảm sâu. Giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên trên sàn TP HCM trong tháng 3 đạt 7.900 tỷ đồng, giảm 7% so với tháng trước và là mức thấp nhất một năm qua.

Một số chuyên gia cho rằng lượng tài khoản giảm sâu phản ánh sự khó khăn nhất thời của thị trường chứng khoán. Về dài hạn, lượng tài khoản có thể tăng mạnh bởi bởi điều kiện tiếp cận thị trường ngày càng được cải tiến, thu nhập tăng và nhu cầu phân bổ vốn đầu tư ra nhiều kênh khác nhau. Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng quỹ đầu tư VinaCapital, từng dự đoán số lượng nhà đầu tư chứng khoán sẽ tăng lên 15 triệu trong một thập kỷ tới.

Phương Đông

Xây dựng Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững

 

Chiều 10/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử về Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2030. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện: Sơn Động, Lục Nam.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe đại diện Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử trình bày tóm tắt Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng khu BTTN Tây Yên Tử giai đoạn 2022-2030. Đề án nêu rõ mục tiêu nhằm phát huy các tiềm năng của khu; thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái của Ban Quản lý và địa phương, tạo lập thương hiệu riêng từ đó nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương đối với các tài nguyên du lịch cảnh quan - văn hóa - lịch sử, từng bước hướng tới phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Đề án cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế. Trong đó, đến năm 2025 dự kiến lượng khách du lịch khu BTTN đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm; đến năm 2030 đạt khoảng 3 triệu lượt khách/năm góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Về chỉ tiêu xã hội, tiếp tục mở rộng và phát huy loại hình du lịch tâm linh - sinh thái tại Khu vực du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử sẽ làm cơ sở hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng; cơ sở hạ tầng vùng đệm khu bảo tồn được nâng cấp và phát triển, nguồn thu của người dân được tăng lên, đời sống được từng bước cải thiện. Ngoài tuyến du lịch được thiết kế nằm trong tổng thể Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, khu BTTN Tây Yên Tử còn có các tuyến du lịch như: Sinh thái rừng Khe Rỗ, thác Ba Tia, Nước Vàng - Thác Giót, tuyến du lịch nằm trên “Con đường Hoằng Dương Phật pháp”.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Đề án. Một số ý kiến đóng góp cho rằng cần cập nhật lại số liệu giai đoạn 2022-2030 cho phù hợp; xem xét lại bố cục các đề án… Đồng thời nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển du lịch tại khu rừng đặc dụng khu BTTN Tây Yên Tử.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn khẳng định quan điểm, phát triển du lịch sinh thái phải gắn liền với bảo tồn sinh học và BTTN. Đồng chí yêu cầu đơn vị tư vấn xây dựng Đề án bảo đảm tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai (Luật Lâm nghiệp năm 2017). Đặc biệt, phải rà soát lại các quy hoạch khác để tránh chồng chéo; phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương cũng như phương án quản lý rừng bền vững khu BTTN Tây Yên Tử.

Đồng chí đã gợi mở giải quyết một số khó khăn, vướng mắc như vấn đề xác định chính xác các tuyến để đưa vào Đề án và thay đổi tuyến du lịch nằm trên “Con đường Hoằng Dương Phật pháp” thành đoạn tuyến nằm trên “Con đường Hoằng Dương Phật pháp”.

Đồng chí yêu cầu Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử phối hợp với các sở liên quan và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến (hết quý II/2023).

Khu BTTN Tây Yên Tử giàu tiềm năng thiên nhiên, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Khu bảo tồn có diện tích 11.886,38 ha rừng và đất rừng đặc dụng, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên. Khu BTTN Tây Yên Tử có vị trí địa lý thuận lợi, cách thành phố Bắc Giang 60km, cách thủ đô Hà Nội 150km và là nơi rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang và của cả vùng Đông Bắc. Với địa hình dốc, hiểm trở, khu BTTN Tây Yên Tử lưu giữ nhiều tài nguyên rừng gồm động, thực vật quý hiếm, cảnh quan kỳ thú hấp dẫn du khách.

Đề án là căn cứ quan trọng để khu BTTN Tây Yên Tử cùng các bên liên quan triển khai các bước tiếp theo và thực hiện thành công hoạt động du lịch sinh thái trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, tận dụng tốt những cơ hội phát triển của thị trường, gắn với bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng; phấn đấu phát triển du lịch khu BTTN Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH địa phương cũng như trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

 

Diệu Hoa

Đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Quang Châu phần mở rộng

Chiều 10/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì buổi làm việc về thực hiện dự án khu công nghiệp (KCN) Quang Châu mở rộng, huyện Việt Yên. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh, UBND huyện Việt Yên và Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang (chủ đầu tư KCN Quang Châu mở rộng).
Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Lê Hoàng Bách báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng KCN Quang Châu mở rộng.

Báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) KCN Quang Châu mở rộng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Lê Hoàng Bách cho biết phạm vi thực hiện dự án khoảng 90ha thuộc địa phận thôn Đông Tiến và thôn Quang Biểu. Theo đó, đối với diện tích 57,7ha đã thực hiện thu hồi, bồi thường GPMB, ngày 22/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định chuyển mục đích và cho Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang thuê đất để thực hiện dự án đợt 1 (phần mở rộng) với diện tích 51,9ha. Phần diện tích còn lại 5,8ha thuộc thôn Quang Biểu tiếp tục hoàn thiện để chuyển mục đích theo quy định.

Đối với phần diện tích 13ha chưa hoàn thành GPMB thuộc thôn Đông Tiến, UBND huyện đã ban hành Quyết định thu hồi, phê duyệt phương án đối với 122 hộ, diện tích hơn 114.000m2; đã tiến hành chi trả tiền theo Quyết định. Ngày 07/4/2023, UBND huyện Việt Yên ban hành Tờ trình về việc chuyển mục đích và cho Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang thuê đất để thực hiện dự án đợt 2 (phần mở rộng) với diện tích 11,46ha.

Đối với phần diện tích 14,4ha chưa hoàn thành GPMB thuộc thôn Quang Biểu, đến nay có 322/436 lượt hộ gia đình phối hợp kê khai và thực hiện kiểm đếm. Ứng chi trả tiền được 322/436 lượt hộ với số tiền hơn 20 tỷ đồng, diện tích hơn 78.800m2. Chủ tịch UBND huyện đã ban hành các Quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với 119 hộ gia đình không đồng thuận kê khai; Quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện Quyết định cưỡng chế kiểm điếm bắt buộc. Sau khi bàn giao quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, đến nay có 06/119 đồng thuận kê khai.

Đối với diện tích cây xanh vầ nút giao N3, đã tổ chức quy chủ xong đối với diện tích khoảng 1,8ha thuộc thị trấn Nếnh; quy chủ xong toàn bộ 244 hộ thuộc xã Vân Trung.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang báo cáo tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang cho biết, Công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và được chấp thuận phương án phòng cháy, chữa cháy.

Về công tác lập báo cáo dự án nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Công ty đã lập thiết kế cơ sở, báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên do Bộ Xây dựng yêu cầu lập bổ sung quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KCN Quang Châu phần mở rộng. Vì vậy, đại diện Công ty đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ, sớm ban hành quyết định phê duyệt trước 25/04/2023 để Công ty làm căn cứ triển khai các công tác tiếp theo; có ý kiến với cơ quan thẩm định của Bộ Xây dựng hỗ trợ đẩy nhanh công tác kiểm tra, thẩm định để hồ sơ của Công ty có thể được phê duyệt theo đúng tiến độ đề ra.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục trong công tác bồi thường GPMB, thiết lập và hoàn thiện hồ sơ thuê đất, hoàn thành hồ sơ thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư mở rộng đường gom và điều chỉnh cao độ mặt đường,…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn khẳng định dự án KCN Quang Châu mở rộng, huyện Việt Yên có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh, tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án đang chậm so với kế hoạch.

Đồng chí yêu cầu UBND huyện Việt Yên tiếp tục tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc hoàn thành GPMB toàn bộ diện tích của KCN Quang Châu mở rộng theo tiến độ đề ra.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân có đất thu hồi tạo sự đồng thuận trong GPMB và trong triển khai thực hiện Dự án. Kịp thời giải quyết những đơn thư, kiến nghị của người dân đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có đất thu hồi thực hiện Dự án, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Rà soát phần diện tích đã hoàn thành GPMB, tập trung hoàn thiện hồ sơ thuê đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án.

Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang lập quy hoạch chi tiết KCN Quang Châu mở rộng tỷ lệ 1/500, thực hiện quy trình, trình tự đảm bảo theo quy định, trình Sở Xây dựng xem xét, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/4/2023./.

Thảo My

Bắc Giang triển khai kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Bắc Giang vừa triển khai Kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Ảnh minh họa.

Theo Kế hoạch, các sở, đơn vị thành viên BCĐ389 tỉnh, BCĐ389 các huyện, thành phố Bắc Giang tham mưu UBND tỉnh về các nội dung có liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung chỉ đạo thực hiện các kế hoạch chuyên đề, trọng điểm như: Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; chống buôn lậu và vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới; chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ....

Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế địa bàn và thị trường hàng hóa xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 và Kế hoạch kiểm tra chuyên đề. Trong đó tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm đối với các mặt hàng: Xăng dầu, pháo nổ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống vật nuôi, giống cây trồng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; đầu cơ, tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng Internet.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc, Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trái phép trên thị trường nội địa; kiểm tra, xử lý nghiêm các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng, chống dịch động vật tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, vận chuyển trái phép.

Sở Công Thương chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường, đề xuất các giải pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh; quản lý chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với hoạt động, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng: Xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất, thực phẩm...

Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động công tác tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục duy trì, phát huy nội dung chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, thông tin, phóng sự trên các ấn phẩm. Phản ánh chân thực, kịp thời, chuyên sâu các vấn đề để tạo sự lan tỏa rộng rãi, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, người tiêu dùng trong tỉnh đối với lực lượng chức năng, đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, biến nhận thức về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương.

Cục Thuế tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Đặc biệt tăng cường công tác chống hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI gây thất thu cho ngân sách.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường trong việc xử lý các vụ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, gây lây lan bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm ra địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp, giống vật nuôi, giống cây trồng theo chức năng, nhiệm vụ. Kiên quyết không để xảy ra các vi phạm lớn gây hại cho sản xuất nông nghiệp, nông dân trong tỉnh.

Sở Y tế kiểm soát chặt chẽ công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; kinh doanh dược phẩm, vật tư y tế; kinh doanh vị thuốc y học cổ truyền theo chức năng, nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quản lý thị trường đối với những vụ việc cần có sự phối hợp liên ngành để phát huy hiệu quả cao nhất.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ động và cử cán bộ tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát về đo lường, chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn. Chú trọng vào nhóm mặt hàng có nguy cơ cao như: Xăng dầu, khí đốt hóa lỏng...

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường việc quản lý các hoạt động văn hóa, kinh doanh, dịch vụ mùa lễ hội trước trong và sau Tết. Đảm bảo duy trì các hoạt động văn hóa diễn ra lành mạnh, có tổ chức; không để xảy ra các tụ điểm gây mất thẩm mỹ, trái thuần phong, mỹ tục, trái với nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, của dân tộc.

Sở Giao thông Vận tải quản lý chặt chẽ việc kiểm định các phương tiện giao thông; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa và hành khách; ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời việc dùng các phương tiện giao thông quá cũ nát, hoán cải, gia cố để vận chuyển hàng hóa vi phạm.

Chi cục Hải quan quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ động nắm bắt thông tin và có phương án phối hợp với các lực lượng chức năng để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại liên quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa liên quan sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về hải quan đối với các vụ việc theo quy định…

* Xem chi tiết Kế hoạch tại đây./.

Thảo My

Bắc Giang đoạt ngôi Á quân PCI năm 2022

Theo công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 11/4, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 2 trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất.
Tỉnh Bắc Giang xếp thứ 2 trong top 30 PCI 2022.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đạt 72,80 điểm trên thang điểm 100, xếp thứ 2 sau tỉnh Quảng Ninh với 72,95 điểm. Đây là lần đầu tiên Bắc Giang đoạt ngôi Á quân, sau khi cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021.

Bắc Giang đã được các doanh nghiệp ghi điểm nhờ các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời ghi điểm ở chỉ số tính minh bạch và thiết chế pháp lý.

Tiếp đến là các tỉnh: Hải Phòng (70,76 điểm), Bà Rịa - Vũng Tàu (70,26 điểm), Đồng Tháp (69,68 điểm), Thừa Thiên Huế (69,36 điểm), Bắc Ninh (69,08 điểm), Vĩnh Phúc (68,91 điểm), Đà Nẵng (68,52 điểm), Long An (68,45 điểm)…

Đây là năm thứ 18 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản và khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới./.

BGP

Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo trước 20 ngày thông xe

Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 100 km đang được các nhà thầu thi công gấp rút để kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng dịp 30/4.
Đầu tháng 4, sau khi các mỏ đất đắp hết hạn đã được Chính phủ tháo gỡ, UBND Bình Thuận cho khai thác, công trường dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo thi công trở lại. Toàn tuyến dài hơn 100 km, mặt đường rộng 32 m với 6 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h; vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, thi công từ tháng 11/2020. Ban đầu công trình dự kiến xong cuối năm 2022, nhưng bị chậm tiến độ.
Cùng với việc gấp rút hoàn thành tuyến chính, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ làm các đường dẫn cầu vượt, đường dân sinh hai bên, từ huyện Tuy Phong vào Hàm Thuận Nam. Cao tốc này có ý nghĩa giảm tải cho quốc lộ 1 đi qua Bình Thuận.
Xe và công nhân đổ bêtông nhựa qua xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc. Khối lượng bêtông nóng toàn tuyến hiện còn khoảng 100.000 tấn. "Chậm nhất ngày 20/4, tất cả 4 gói thầu phải hoàn thành lớp nhựa cuối cùng", ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc ban điều hành dự án cho hay.
Các công nhân lắp hộ lan ở gần nút giao Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc. Hiện, cả 4 gói thầu đều đã triển khai lắp đặt hệ thống an toàn giao thông trên tuyến chính như: hộ lan, dải phân cách, tấm chống chói, vạch sơn, biển báo… Trong đó, việc lắp dải phân cách cứng giữa hai phần đường đã cơ bản hoàn tất, theo Ban quản lý dự án giao thông 7 (chủ đầu tư).
Các xe cơ giới đang thi công đường dẫn cầu vượt qua nút giao Ma Lâm. Những ngày đầu tháng 4, xe chở đất đắp từ mỏ Hàm Trí cách vị trí này chừng 5 km liên tục đến công trường để các xe thi công lu lèn, làm đường dẫn lên cầu.
Đây là cầu vượt qua cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo khá quan trọng trên quốc lộ 28 nối Phan Thiết (Bình Thuận) lên Di Linh (Lâm Đồng).
Nhân công, xe cẩu, xe múc, xe ben cấp tập thi công tại khu vực cầu vượt núi Xả Thô, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc. Các tổ làm suốt ngày đêm, bởi thời gian hành tuyến chính còn chưa đầy 20 ngày.
Cùng đó, hệ thống rãnh thoát nước dọc tuyến đang được hoàn thiện, để đảm bảo cho cao tốc không bị ngập nước vào mùa mưa.
Đường gom dân sinh chạy song song cao tốc qua khu rẫy thanh long xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam đang được đẩy nhanh tiến độ.

Do hơn 3 tháng thiếu đất đắp, việc làm đường gom dân sinh và đường dẫn lên các cầu vượt bị chậm trễ. "Chúng tôi tập trung mọi nguồn lực, tăng ca kíp, làm cả ngày và đêm mới mong hoàn thành như kế hoạch", ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng gói thầu số 4 cho hay.
Anh Trương Văn Thái, nhân công gói thầu XL4, cùng đồng nghiệp kéo dây kẽm hàng rào ngăn gia súc vào cao tốc qua xã Mương Mán. Dọc tuyến qua hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, mỗi ngày có hơn 200 công nhân làm việc.
Đến nay, trên một số đoạn, hệ thống đảm bảo an toàn giao thông đã hoàn thiện như đoạn qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Đại diện Ban quản lý dự án giao thông 7 cho biết đang kiểm soát tiến độ hàng ngày, sẽ cắt chuyển khối lượng của nhà thầu chậm giao đơn vị khác thực hiện.
Kiểm tra thực tế công trường, hôm 15/3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu phải hoàn thành để đưa tuyến chính vào sử dụng dịp 30/4. Các cầu vượt dân sinh và đường gom ở khu vực thưa dân cư nếu chưa xong, sẽ tiếp tục thi công.
Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo cùng với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian từ TP HCM đi các tỉnh Nam Trung Bộ. Đồ hoạ: Khánh Hoàng