Ngày 21/8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) ISO tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tập huấn công tác đánh giá, chấm điểm ISO trên phần mềm.
Ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu khai mạc.
Hơn 300 đại biểu là thư ký ISO, phụ trách công tác ISO tại các cơ quan hành chính trên địa bàn tham dự.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN (cơ quan thường trực BCĐ) cho biết, những năm trước, BCĐ ISO tỉnh, UBND cấp huyện đánh giá, chấm điểm, xếp loại kết quả duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng bằng phương pháp thủ công. Cách làm này mất nhiều thời gian trong khâu gửi tài liệu, chấm điểm, tổng hợp và dễ gây nhầm lẫn.
Khắc phục bất cập trên, Sở KH&CN đã phối hợp xây dựng phần mềm chấm điểm kết quả xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng của các cơ quan. Theo đó, cán bộ phụ trách công tác ISO tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn được cấp tài khoản riêng để cập nhật tài liệu liên quan lên phần mềm và tự chấm điểm theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Tổng số điểm đánh giá theo các tiêu chí là 100; ngoài ra còn có 10 điểm cộng và 10 điểm trừ.
Trên cơ sở đó, BCĐ ISO tỉnh thẩm định, chấm điểm độc lập đối với kết quả tự chấm điểm của 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, các chi cục, các cơ quan T.Ư theo hệ thống ngành dọc trên địa bàn. Ban chỉ đạo ISO cấp huyện thẩm định, chấm điểm độc lập đối với kết quả tự chấm điểm của UBND cấp xã. Những cơ quan không gửi kết quả tự chấm điểm theo yêu cầu thì không xếp hạng, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Báo cáo viên Sở KH&CN hướng dẫn cán bộ phụ trách công tác ISO tại xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) sử dụng phần mềm.
Sau khi có kết quả thẩm định, chấm điểm, Sở KH&CN sẽ tổng hợp kết quả, xếp hạng, trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố đối với các cơ quan cấp tỉnh; UBND cấp huyện. Cùng đó tổng hợp, công bố kết quả, xếp hạng của các chi cục và UBND cấp xã.
Tại buổi tập huấn, báo cáo viên của Sở KH&CN, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các đại biểu cách thức đăng nhập, thoát phần mềm; cập nhật tài liệu; thực hiện quy trình tự chấm điểm; giải trình với cấp trên. Việc chấm điểm, xếp hạng ISO trên phần mềm sẽ được thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Kết quả chấm điểm, xếp hạng ISO trên phần mềm giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng của các cơ quan, đơn vị; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng và cán bộ, công chức; là căn cứ để khen thưởng các cá nhân, cơ quan tiêu biểu trong hoạt động này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, chiều 14/8, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Lê Ô Pích, Phan Thế Tuấn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã phục hồi trở lại
Tại buổi làm việc, báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh đạt 10,94%.
Trong 7 tháng năm 2023, tỉnh đã thu hút được trên 1,58 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 1,53 lần so với cùng kỳ. Tính riêng trong các khu công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 467 dự án đầu tư của 438 doanh nghiệp còn hiệu lực (trong đó có 354 dự án FDI, 113 dự án DDI), sử dụng hơn 172.400 lao động; lao động ngoại tỉnh khoảng 52.600 người, thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh có 1.217 doanh nghiệp thành lập, tăng 31,4% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 18.427 tỷ đồng, giảm 15,8%; có 1.163 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ, chuyển ra khỏi địa bàn, tăng 8,4%.
Hiện toàn tỉnh có 9.300 doanh nghiệp đang hoạt động (tương ứng khoảng 60% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký); vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 18 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng trên 42% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 40% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 18% doanh nghiệp mới đăng ký, đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục gia nhập thị trường.
Về lao động, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 298.600 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, giảm khoảng 4.000 lao động so với cuối năm 2022. Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp phải cắt giảm trên 16.000 lao động do ảnh hưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu là lao động thuộc các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đã khôi phục sản xuất kinh doanh và tuyển trên 15.000 lao động vào làm việc. Từ nay đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 70.000 lao động.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phục hồi và tăng trưởng trở lại; qua đó, đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh.
7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,6% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) đạt 281.075 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ, bằng 55,4% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 31.585 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đạt 78% kế hoạch. Vải thiều Bắc Giang năm nay được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, tăng 91 tỷ đồng so với năm 2022. Tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh đạt 7.380 tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ, bằng 56,2% dự toán. Các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 17,6% tổng thu ngân sách địa phương (không bao gồm tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế).
Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn
Tại buổi làm việc với tỉnh tháng 5/2023, tỉnh đã đề xuất 27 kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương trên các lĩnh vực. Các đề xuất, kiến nghị của Bắc Giang đã được Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét giải quyết, trong đó có cả những vấn đề trước mắt và lâu dài. Từ đó, đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc của tỉnh trên các lĩnh vực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường đã tác động lớn và toàn diện đến phát triển kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Từ quý IV năm 2022, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là DN xuất, nhập khẩu. Kể từ tháng 5/2023 đến nay, các DN cơ bản vượt qua giai đoạn khó khăn, song tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh nói chung của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về thị trường đầu ra các đơn hàng. Trong 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 27 DN hoạt động cầm chừng và tạm dừng sản xuất, 21 DN phải chấm dứt hoạt động sản xuất.
Chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng, nhất là chi phí về vận tải, nhân công. Một số DN phản ánh chi phí liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu tăng do giá xăng dầu tăng, kho bãi, nhân công, chi phí khác đều tăng. Việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng cũng còn vướng về cơ chế, chính sách, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Giá thép xây dựng và xi măng, giá nhựa đường tăng cao… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đầu tư cũng như tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia gặp trở ngại. Nguyên nhân là do nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương phân bổ theo dự toán ngân sách hằng năm không thông báo vốn cho cả giai đoạn 2021-2025 nên địa phương khó lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch 5 năm 2021-2025 thực hiện các dự án, nhất là các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cần thực hiện từ 2 - 3 năm. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn, triển khai của Trung ương quy định nhiều nội dung mà HĐND tỉnh và UBND tỉnh phải ban hành nghị quyết hoặc quy định để triển khai, mất nhiều thời gian hoàn thiện cơ sở pháp lý.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, tỉnh Bắc Giang kiến nghị với Đoàn công tác đề nghị Chính phủ gỡ vướng trong cấp phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại tỉnh liên tục 3 tháng cho đến khi hết thời hạn visa mới phải xuất cảnh để đảm bảo dự án sản xuất không bị gián đoạn, đảm bảo đúng tiến độ đưa nhà máy vào hoạt động, tạo điền kiện cho các DN hoạt động đúng tiến độ; sớm thông báo nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương cả giai đoạn 2021-2025 (phần còn lại 2024-2025) để các địa phương có căn cứ, cơ sở xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch 5 năm 2021- 2025 thực hiện các dự án nhất là các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cần thực hiện từ 2 - 3 năm.
Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn, xây dựng quy trình thực hiện đối với các dự án có hạng mục dịch chuyển đường dây trung thế và trạm biến áp điện; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp thẩm quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện để bảo đảm việc bàn giao công trình điện sang ngành điện quản lý được nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu bổ sung vốn cho 9 dự án đã có trong danh mục thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, phù hợp với đối tượng được bổ sung thêm vốn và có khả năng giải ngân ngay trong năm 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư với số vốn hơn 243 tỷ đồng; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Giang (vốn ngân sách Trung ương).
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang đề nghị Đoàn công tác quan tâm tổng hợp, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục xem xét giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh tại Báo cáo số 29/BC-UBND ngày 10/5/2023.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Bắc Giang trong 7 tháng đầu năm. Qua đó đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo phát huy ưu điểm, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm. Một số ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm thu hút đầu tư chọn lọc, thu hút các dự án bảo vệ môi trường và ít thâm dụng năng lượng; phối hợp thực hiện các dự án điện trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Qua nghe ý kiến của các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái bày tỏ vui mừng vì các kiến nghị của tỉnh Bắc Giang tại buổi làm việc trước được các bộ, ngành quan tâm đã và đang giải quyết. Tại cuộc làm việc này, các kiến nghị của Bắc Giang cũng đã được gợi mở giải quyết. Đồng chí mong muốn, đồng chí Bộ trưởng, các đơn vị chức năng quan tâm đề xuất của tỉnh, xử lý theo thẩm quyền trên cơ sở các quy định cụ thể, vận dụng vào thực tế tại địa phương.
Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để tập trung triển khai thực hiện và vận dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Tinh thần với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Bắc Giang chỉ đạo theo quan điểm rõ người, rõ việc, một việc giao cho một đơn vị, một người chủ trì để kiểm điểm. Bám sát tinh thần đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực HĐND, UBND đã gương mẫu thực hiện; kiểm điểm thường xuyên, kết quả đều thông tin rộng rãi. Kết quả về phát triển KT-XH thời gian qua của Bắc Giang cho thấy, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên thực tiễn phát triển luôn phát sinh vấn đề khó khăn, vướng mắc. Qua rà soát, Bắc Giang đã kiến nghị Trung ương 31 thủ tục vướng mắc quy định pháp luật hiện nay, nhất là liên quan thủ tục đầu tư, đất đai.
Đồng chí cho biết, nhu cầu phát triển khu, cụm công nghiệp của tỉnh lớn, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ Bắc Giang cải tạo, nâng cấp nguồn điện phục vụ phát triển KT-XH tỉnh.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì Bắc Giang đã nỗ lực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều chỉ tiêu cả nước giảm hoặc tăng nhẹ nhưng Bắc Giang lại tăng cao như: Chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thành lập mới, thu hút đầu tư…
Tuy nhiên, qua nắm bắt vẫn còn một số hạn chế về thu ngân sách, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn có những khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này có cả yếu tố khách quan, chủ quan song chủ yếu vẫn là chủ quan. Đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật. Thủ tục hành chính (TTHC) còn rườm rà, phức tạp. Mặt bằng lãi suất vốn tín dụng giảm nhưng tiếp cận vốn khó khăn. Các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chưa hiệu quả. Để giải quyết cần phải cải tổ, kiến nghị cơ chế phù hợp, vì vậy Chính phủ đã thành lập các tổ công tác nắm bắt tình hình tại các địa phương.
Với thực tế Bắc Giang, Bộ trưởng đề nghị tỉnh khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng trên cơ sở quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia; đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn cắt đầu tư tư; nghiên cứu thực hiện mô hình đầu tư công, quản trị tư hay đầt tư tư, quản trị công. Tập trung nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN trên địa bàn, nhất là vấn đề đất đai, lao động, hoàn thuế, tiếp cận vốn, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường và các thủ tục hành chính; hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất tiếp cận khai thác có hiệu quả các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Chỉ đạo, hướng dẫn DN, các cơ sở sản xuất, các địa phương nhận diện đúng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế vướng vào vụ kiện thương mại; có phản ứng chính sách phù hợp để khắc phục hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt mà các nước nhập khẩu đặt ra. Khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch; hỗ trợ DN xuất khẩu chính ngạch, có cơ chế hỗ trợ DN tiếp cận chính sách mới. Quan tâm giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ; hình thành hệ sinh thái công nghiệp như giao thông, điện, nước, nhà ở công nhân, các dịch vụ xã hội; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ người lao động, hỗ trợ các chuyên gia kinh tế; quan tâm đầu tư phát triển hệ thống logistics.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án về giao thông trên từng địa bàn, các dự án bất động sản hiện hữu và triển khai các dự án mới. Hình thành hệ sinh thái về công nghiệp, dịch vụ, đô thị tại các khu vực phát triển mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý KT-XH. Tiếp tục quan tâm phát triển thị trường trong nước trên cả hai kênh là thương mại truyền thống, thương mại điện tử; chú trọng xuất khẩu vào các thị trường, nhất là các thị trường truyền thống, thị trường mới tiềm năng. Hỗ trợ các DN trong nước có cơ chế tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Về các kiến nghị của tỉnh sẽ được đoàn công tác tổng hợp, sớm giải quyết trong thời gian tới./.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 (1947 - 2023), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang Bùi Quang Phát đã trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang về những hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người có công với cách mạng và những giải pháp thực hiện tốt hơn chính sách cho người có công trong năm qua.
PV: Thưa ông, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Bắc Giang đã quan tâm triển khai và thực hiện các chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bùi Quang Phát: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Thời gian qua, Sở LĐTB&XH đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương quan tâm, chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; ban hành chính sách đặc thù, nâng mức quà tặng của tỉnh đối với người có công với cách mạng. Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ tỉnh đến cơ sở và người dân với nhiều hình thức đa dạng, nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để cán bộ, đảng viên và người dân, đối tượng hiểu rõ, hiểu đúng, giám sát quá trình triển khai thực hiện.
Hiện nay, Sở LĐTB&XH đang quản lý hơn 160 nghìn hồ sơ người có công, trong đó có trên 25 nghìn người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, chi trả chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sỹ cho gần 18 nghìn gia đình liệt sỹ. Việc chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng và các chế độ khác đối với người có công và thân nhân được triển khai thực hiện kịp thời, đúng, đủ chế độ quy định. Hàng năm chi trả thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn các huyện, thành phố với kinh phí gần 700 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Sở tổ chức và phối hợp thực hiện hàng loạt các chế độ, chính sách cho người có công như: Hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công có hoàn cảnh khó khăn nhà ở bị xuống cấp, cấp thẻ BHYT, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công khi gặp khó khăn trong đời sống... Quan tâm tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người có công và thân nhân nhân dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7; ngoài tiền quà của Chủ tịch nước, hàng năm tỉnh Bắc Giang trích khoảng 55 tỷ đồng/năm để thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân. Đến nay toàn tỉnh không còn hộ nghèo là hộ người có công với cách mạng, mục tiêu của tỉnh là không để phát sinh hộ nghèo là người có công trong những năm tới.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cùng với sự vượt khó vươn lên, đời sống của người có công và gia đình người có công ngày càng được nâng cao, đến nay người có công trên địa bàn tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
PV: Để thực hiện tốt Cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công, ngành LĐTB&XH đã có hoạt động nào nhằm thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân?
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bùi Quang Phát: Để thực hiện tốt Cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công trên địa bàn tỉnh, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBMTTQ-SLĐTB&XH về việc thực hiện Tháng cao điểm vận động, ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" năm 2022 và những năm tiếp theo nhằm vận động toàn thể cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên thế hệ trẻ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" các cấp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc khắc ghi công ơn các Anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Năm 2023, Sở LĐTB&XH cùng với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức triển khai vận động, ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" theo kế hoạch, Sở LĐTB&XH đã tham mưu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Ban Quản lý Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" tỉnh ban hành Thư kêu gọi ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ gửi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do cấp tỉnh trực tiếp quản lý. Đây cũng là việc làm thường xuyên hàng năm và đúng quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chí tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
PV: Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho tỉnh những hoạt động gì và kết quả triển khai các hoạt động đến nay?
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bùi Quang Phát:Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: Đi thăm viếng Thành cổ Quảng trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9 tại tỉnh Quảng Trị. Thành lập các đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà người có công tiêu biểu ở các huyện, thành phố; người có công là thương, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 81% trở lên đang được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc thương, bệnh binh trên địa bàn tỉnh; thăm và tặng quà các đơn vị ngoài tỉnh chăm sóc thương, bệnh binh có người Bắc Giang đang được nuôi dưỡng.
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH chỉ đạo Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trao quà Chủ tịch nước, Chủ tịch tỉnh theo hướng dẫn quy định đảm bảo đúng đối tượng, không để sót, trùng lặp đối tượng; triển khai thực hiện công tác chăm sóc, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sỹ và chăm sóc người có công. Tổ chức đoàn đại biệu dự hội nghị người có công tiêu biểu toàn quốc. Phối hợp với Tỉnh Đoàn chỉ đạo Đoàn thanh niên các địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh vào tối ngày 26/7/2023.
PV: Ông có thể cho biết những giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào“Đền ơn đáp nghĩa” và công tác triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bùi Quang Phát: Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và công tác triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH tiếp tục triển khai thực hiện tốt, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi người có công của Đảng và Nhà nước và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc và những thành quả của công tác người có công.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công để người dân, đối tượng hiểu rõ bản thân họ được hưởng chế độ, chính sách gì để kịp thời phối hợp xác lập hồ sơ hưởng chế độ theo quy định. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, năng lực phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ ngành trên tinh thần tận tâm, tận lực, thực hiện trách nhiệm trong việc giải quyết chế độ, chính sách, trong công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa…, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức ngành LĐTB&XH.
Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ, tiếp tục nghiên cứu để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND có thêm những chế độ chính sách đặc thù riêng của địa phương (ngoài chính sách của Trung ương) dành cho người có công và thân nhân theo hướng ngày một tốt hơn đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của đối tượng.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, số hóa hồ sơ người có công, cách quản lý hồ sơ để tra cứu và phục vụ công dân, người có công và thân nhân một cách tốt nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Cũng là thịt lợn nhưng thịt "lợn nhà” - được nuôi theo kiểu truyền thống bằng thức ăn tự nhiên, không có chất kích thích tăng trưởng hay chất phụ gia độc hại luôn được người tiêu dùng ưa chuộng hơn vì có hương vị đậm đà, khi chế biến tỏa ra mùi thơm hấp dẫn và đặc biệt là an toàn đối với sức khỏe. Những con lợn nuôi thả rông càng được đánh giá cao vì chúng săn chắc, ít mỡ thừa nhưng lại không bị khô. Đó được coi là thịt lợn sạch.
Trong khi đó, thịt lợn nuôi công nghiệp thường dùng thức ăn chế biến sẵn, có sử dụng chất kích thích tăng trưởng để có thể đạt trọng lượng lớn và xuất chuồng trong thời gian ngắn nên thịt nhạt, nhiều nước, mùi không thơm và đặc biệt là có dư lượng chất độc hại, về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Được nuôi theo kiểu công nghiệp, những con lợn này cũng dễ mắc bệnh hơn nên thường có dư lượng kháng sinh.
Do đó, dù thịt lợn công nghiệp giá rẻ hơn khá nhiều, người tiêu dùng thông minh vẫn thường chọn mua thịt lợn sạch, được nuôi theo kiểu truyền thống, mà họ hay gọi là "lợn nhà". Vậy làm thế nào để phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn tăng trọng?
Phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn tăng trọng
Thịt lợn sạch thường được nuôi trong ít nhất 10 tháng mới đạt kích thước xuất chuồng, sản lượng thấp. Do đó, các hộ chăn nuôi thường chỉ tập trung vào lợn công nghiệp, lượng thịt lợn nuôi truyền thống trên thị trường không nhiều, chỉ đáp ứng nhu cầu của một phần nhỏ dân số. Trước tâm lý ưa chuộng thịt lợn sạch, sẵn sàng bỏ chi phí cao của người tiêu dùng, không ít người bán hàng online quảng cáo là "lợn nhà" nhưng lại bán lợn có tăng trọng.
Mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn tăng trọng.
Quan sát da, mỡ: Nhìn chung, da của “thịt lợn nhà” sẽ trắng, bóng hơn thịt lợn công nghiệp. Thịt lợn nuôi kiểu truyền thống thường có lớp mỡ dày 2 - 3 cm, nhiều mỡ ít nạc. Lớp mỡ và phần thịt nạc dính chặt với nhau, lớp da dày. Thịt lợn công nghiệp có rất ít mỡ, da mỏng.
Cảm nhận độ kết dính: Khi dùng ngón tay nhấn vào miếng thịt, bạn sẽ cảm thấy thịt lợn nuôi truyền thống gây dính tay nhiều hơn, thớ thịt săn chắc hơn. Trong khi đó, thịt lợn tăng trọng thường có độ dính thấp, thớ thịt cũng bở, mềm hơn.
Để nhận ra sự khác biệt trên, người tiêu dùng phải có cảm nhận tinh tường, khả năng này sẽ tăng dần theo kinh nghiệm. Càng "đi chợ" nhiều, bạn sẽ càng giỏi phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn tăng trọng. Khi đã mua về rồi, bạn cũng có thể nhận biết mình mua nhầm trong quá trình chế biến, bởi thịt lợn tăng trọng sẽ tiết ra nhiều nước khi rang, xào, thớ thịt bở, mùi thơm không rõ ràng. Trong khi đó, thịt lợn sạch sẽ rất ít nước, khi nấu tỏa mùi thơm lừng vô cùng hấp dẫn, thờ thịt dai và ăn đậm đà.
Nhận biết thịt lợn bệnh
Thịt lợn mang mầm bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng, nhưng nhiều người bán hàng vô lương tâm vẫn cố tiêu thụ. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết:
- Lợn nhiễm sán (lợn gạo): Bằng mắt thường, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu như đốm trắng hình bầu dục và to bằng hạt đậu, hạt gạo.
- Lợn bị thương hàn: Có những nốt xuất huyết lấm tấm hoặc nốt bầm, thịt nhão, tai bị tím.
- Lợn bị tả: Dưới da hoặc trên vành tai lợn có những nốt xuất huyết lấm tấm như muỗi đốt.
- Lợn bị tụ huyết trùng: Miếng thịt lợn tụ máu hoặc có những mảng bầm.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2023), sáng 27/7, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã tới đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tỉnh và Tượng đài đồng chí Ngô Gia Tự (TP Bắc Giang).
Dự lễ tưởng niệm có các đồng chí: Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
Tại Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh, Đoàn đại biểu đã thành kính đặt vòng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Đồng thời bày tỏ lòng tri ân và biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ".
Tiếp đó, Đoàn đại biểu đặt lẵng hoa tưởng niệm đồng chí Ngô Gia Tự tại Công viên Ngô Gia Tự (TP Bắc Giang) - một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc./.
Hiện các thủ phủ du lịch miền duyên hải cả nước có gần 30.000 căn shophouse, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng tồn đọng, giá hàng chục tỷ đồng một căn.
Một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại TP HCM, đang triển khai nhiều dự án nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc tiết lộ, 6 tháng qua sức mua nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng và shophouse ven biển phân khúc 15-20 tỷ đồng một căn đang xuống mức kém nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sức tiêu thụ yếu khiến tồn kho hơn 90% sản phẩm, là gánh nặng rất lớn cho chủ đầu tư vì phát sinh chi phí tài chính là vốn vay để phát triển các dự án. Nửa cuối năm, doanh nghiệp dự kiến thúc đẩy các chương trình ưu đãi, khuyến mãi khi lãi suất giảm để gỡ lại nửa đầu năm bết bát.
Tương tự, doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM có nhiều dự án nghỉ dưỡng phân bổ từ miền Trung vào miền Nam xác nhận đến quý II, sức tiêu thụ dự án hiện hữu rất chậm. Đối với biệt thự biển các tỉnh phía Nam, do giá trị vài triệu USD một căn nên tồn kho đến 95% rổ hàng.
Doanh nghiệp kỳ vọng việc nới lỏng cho các địa phương được chủ động phân lô bán nền trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội bổ sung sản phẩm đất nền nghỉ dưỡng vào rổ hàng. Do giá đất nền thấp và rẻ hơn rất nhiều so với các nhóm tài sản nghỉ dưỡng có công trình xây sẵn trên đất nên sẽ có cơ may bán được hàng, giúp cải thiện tình trạng ế ẩm kéo dài.
Bộ phận R&D DKRA Group cảnh báo tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển tăng lên xấp xỉ 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II lên đến 15.000 căn cả miền Bắc và Nam. Trong đó, 2.400 căn đã mở bán nhưng ế và khoảng 12.600 căn thuộc giai đoạn tiếp theo của các dự án còn lưu kho, vướng giai đoạn bất động sản đóng băng nên chưa kịp tung ra thị trường.
Ở phân khúc nhà phố, shophouse biển, tồn kho đến cuối tháng 6 cũng vào khoảng gần 15.000 căn. Trong đó, gần 2.500 căn đã mở bán nhưng chưa có khách mua và khoảng 12.400 căn thuộc các dự án đã công bố ra thị trường nhưng nằm chờ, chưa thể tung ra khi địa ốc khủng hoảng.
Đơn vị này cho hay, lượng giao dịch nhà phố, shophouse biển chỉ bán được 33 căn trong quý II vừa qua, sức tiêu thụ giảm 97% theo năm. Hơn 80% dự án sơ cấp đóng giỏ hàng để điều chỉnh lại giá bán và chính sách bán hàng. Những chính sách cam kết thuê lại, mua lại, hỗ trợ lãi suất được áp dụng rộng rãi nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Trước áp lực về dòng tiền, nhiều chủ đầu tư đưa ra mức chiết khấu lên đến 40-50% khi thanh toán nhanh nhằm nhanh chóng thu hồi vốn cũng như giúp tăng thanh khoản.
Biệt thự nghỉ dưỡng quý II bán được 50 căn, sức tiêu thụ giảm 95% so với cùng kỳ. Giá cao nhất một sản phẩm phía Nam lên đến 72 tỷ đồng một căn, giá bình quân khoảng 30 tỷ đồng một căn. Ở phía Bắc, giá bán cao nhất 28,8 tỷ đồng một căn, còn mức phổ biến khoảng 15 tỷ đồng. Lượng giao dịch chỉ xuất hiện cục bộ tại một vài dự án.
Ghi nhận của VnExpress, hai quý đầu năm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục tình trạng tắc đầu ra, các tài sản liền thổ giá trị lớn giao dịch đình trệ, kéo dài chu kỳ thanh khoản kém của phân khúc này lên gần nửa thập kỷ (bắt đầu từ năm 2019 đến nay), lâu nhất so với các loại bất động sản khác.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra trong quý II, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp (giá trên 10 tỷ đồng) gần như không ghi nhận giao dịch, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư mua trước đó, tồn kho lớn.
Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu thị trường nhưng hiệu quả không cao. Giá bán bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có xu hướng đi ngang trong cả 6 tháng đầu năm 2023. Các sản phẩm khu vực miền Nam ghi nhận mức giá bán cao nhất, đạt gần 200 triệu đồng một m2. Khu vực miền Bắc và miền Trung có giá khoảng 80 triệu đồng một m2. VARS dự báo cần chờ đến quý IV để quan sát biến chuyển thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group nhìn nhận lượng tồn kho nhà phố, biệt thự biển đến quý II đang ở mức báo động nhưng chưa có giải pháp nào để cải thiện đầu ra giữa lúc toàn thị trường địa ốc gặp khó về thanh khoản.
Theo ông Thắng, cơ chế tan băng của thị trường địa ốc sẽ đi theo hướng bất động sản nhà ở (phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu) phục hồi trước, song song với kinh tế tăng trưởng tốt trở lại. Sau khi người dân có tích lũy và dư tiền mới nghĩ đến bất động sản nghỉ dưỡng vốn được hiểu là ngôi nhà thứ hai, không phải là loại bất động sản tiêu dùng thiết yếu.
Vì thế, ông Thắng dự báo bất động sản nghỉ dưỡng phải cần ít nhất 3 năm nữa mới tìm lại thế cân bằng và dần xuất hiện tín hiệu tích cực đáng kể. Trước mắt, toàn thị trường chưa có hy vọng tăng tốc nào trong 2 quý giữa năm 2023 và nhiều khả năng đà giảm thanh khoản của các tài sản ven biển vẫn kéo dài.
Quanh khu đô thị Ecovillage Saigon River (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) sẽ có thêm một số cầu, đường để kết nối với TP HCM thuận lợi hơn.
Nằm tại thị trấn Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Ecovillage Saigon River được phát triển bởi nhà sáng lập Ecopark, trên diện tích 55 ha. Hiện tại tuyến đường ngắn nhất từ dự án đến trung tâm TP HCM là qua phà Cát Lái hoặc di chuyển bằng đường thủy trên sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, khu vực này sẽ có thêm một số cầu, đường giúp kết nối đến TP HCM thuận tiện hơn.
Trong đó, tuyến số 1 dài khoảng 8,5 km. Đây là tuyến kết nối phà Cát Lái với cao tốc Bến Lức - Long Thành, thay thế một phần các tuyến đường Đường tỉnh 769 và Đường tỉnh 19. Còn cầu Cát Lái được Chỉnh phủ đưa vào quy hoạch 5 năm trước. Đồng Nai muốn sớm xây cầu Cát Lái để thay thế phà trước năm 2025. Tuy nhiên, phía TP HCM hiện chưa đồng thuận.
Với chiều dài hơn 13 km, tuyến số 2 là con đường liên cảng, từ đường Nguyễn Văn Trị, qua Lý Thái Tổ và kết thúc ở cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tuyến số 3 là cao tốc Bến Lức - Long Thành, có thể giúp kết nối huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai với các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, TP HCM. Sau thời gian đình trệ do thiếu vốn, vướng mắc thủ tục, tuyến cao tốc này đã thi công trở lại một số hạng mục từ giữa năm nay.
Tuyến số 4 là đường vành đai 3 của TP HCM đang triển khai. Con đường này sẽ chạy qua khu đô thị lớn của TP HCM như Vinhomes Grand Park, Đông Tăng Long... Nhơn Trạch là cây cầu lớn nhất trên tuyến đường này với chiều dài khoảng 2,6 km, với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Ngoài dự án Ecovillage Saigon River, khu vực Nhơn Trạch có nhiều dự án lớn khác đang triển khai gồm: Khu đô thị Angle Island (Tập đoàn Hưng Thịnh), Khu đô thị Swanbay (Tập đoàn Swan City)...
Dự án tỷ đô Nam Hội An sẽ không đầu tư kinh doanh nhà ở, đồng thời quyền quản lý đã chuyển từ ông trùm Alvin Chau sang gia tộc giàu thứ ba Hong Kong.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các hồ sơ quy hoạch và triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
Dự án này, tên khác là Hoiana, là dự án casino lớn bậc nhất Việt Nam, với quy mô đầu tư 4 tỷ USD tại huyện Duy Xuyên và Thăng Bình (Quảng Nam). Công văn cho biết, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - đơn vị phát triển dự án - xác định không đầu tư kinh doanh nhà ở. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình rà soát, hoàn chỉnh các hồ sơ quy hoạch liên quan.
Trước đó, đầu tháng 6, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn cho biết phần diện tích đất ở tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An là chưa đảm bảo quy định pháp luật.
Theo Bloomberg, gia tộc Cheng ở Hong Kong đã tiếp nhận quyền kiểm soát dự án này từ chủ sở hữu trước đó. LET Group Holdings, từng là một phần của đế chế kinh doanh Suncity Group của ông trùm Alvin Chau, đã ngừng tham gia quản lý khu nghỉ dưỡng Hoiana. Thay vào đó, công ty đầu tư của gia tộc Cheng, Chow Tai Fook Enterprises, hiện nắm quyền kiểm soát hoạt động của khu nghỉ dưỡng này.
Suncity Group từng là công ty điều hành hệ thống sòng bạc lớn nhất Macao. Sau khi ông trùm Alvin Chau bị bắt vào tháng 11/2021 vì tổ chức các hoạt động đánh bạc bất hợp pháp, Suncity Group chuyển hướng trọng tâm kinh doanh sang mảng nghỉ dưỡng và đổi tên thành LET Group.
Trong khi đó, người đứng đầu Chow Tai Fook là Henry Cheng, cũng là Chủ tịch Tập đoàn New World Development – đơn vị phát triển mảng bất động sản của gia tộc này. Chow Tai Fook là đơn vị kinh doanh trang sức, có vốn hóa thị trường lớn thứ hai thế giới chỉ sau Tiffany.
Theo Forbes, Henry Cheng và gia đình có tổng tài sản năm 2023 ước tính khoảng 28,9 tỷ USD, giàu thứ ba tại Hong Kong và là gia tộc giàu thứ 8 của châu Á.
Việc tiếp quản Hoiana của gia tộc Cheng diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà vận hành sòng bạc ở Macau tìm đến Đông Nam Á để kinh doanh, khi đối mặt với các quy định chặt chẽ hơn và thuế cao hơn ở thị trường trong nước. Việt Nam được coi là một trong những điểm đến hàng đầu của họ.
Dự án Nam Hội An được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 12/2010 và thay đổi lần ba vào cuối năm 2020. Ban đầu, đơn vị đầu tư dự án này là liên doanh VinaCapital - Genting. Tuy nhiên, đến tháng 9/2012, Genting đã xin rút khỏi liên doanh.
Nhà đầu tư của Nam Hội An sau đó là Công ty Đầu tư Nam Hội An (Hoi An South Investments Pte), đăng ký tại Singapore. Đơn vị thực hiện là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An.
Dự án này, theo chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 9/2020, dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 81.200 tỷ đồng (4 tỷ USD), xây dựng khu kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, sân golf, vui chơi giải trí cao cấp. Dự án được chia thành 7 giai đoạn thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2029.
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi vào tháng 10/2016, quy mô vốn điều lệ của Công ty Phát triển Nam Hội An là 15.600 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD), thuộc sở hữu của Hoi An South Investments Pte. Phần vốn này được ủy quyền cho 6 cá nhân, trong đó có Chủ tịch VinaCapital Don Lam.
Cuối năm 2021, quy mô vốn của doanh nghiệp này giảm xuống còn hơn 4.000 tỷ đồng (tương đương 178,1 triệu USD) và ủy quyền toàn bộ vốn cho ông Steven Wolstenholme (quốc tịch Mỹ).
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi gần nhất vào ngày 26/6, Phát triển Nam Hội An có 5 người đại diện pháp luật gồm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Steven Wolstenholme, Phó chủ tịch Lam Chi Keung và ba giám đốc là Lok Man Wai, Jimmy Rene Yvan Lopez và Gillian Murphy.
Quy mô vốn của Công ty Phát triển Nam Hội Nam tính tới cuối tháng 6/2023 là hơn 5.900 tỷ đồng, tương đương hơn 259 triệu USD.