Thứ Hai, 6 tháng 3, 2023

Giải mã kỹ thuật xây cổng thành nhà Hồ

Cổng di sản thế giới thành nhà Hồ được xây bằng cách đắp đất tạo hình vòm, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ và Viện Khảo cổ học ngày 4/3 đã thông báo kết quả đợt khai quật hơn ba tháng tại khu vực bốn cổng Đông - Tây - Nam - Bắc di sản thành nhà Hồ.

Cổng Nam thành nhà Hồ được kiến thiết ba lối vào theo dạng mái cuốn vòm. Ảnh: Lê Hoàng

Cổng Nam thành nhà Hồ được kiến thiết ba lối vào theo dạng mái cuốn vòm. Ảnh: Lê Hoàng

Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho hay trên diện tích khai quật khoảng 5.000 m2 tại bốn cổng thành, các nhà khoa học đã làm rõ kích thước ban đầu của cổng thành và kỹ thuật xây dựng vốn được cho là bí ẩn trong kết cấu tường thành nhà Hồ.

Theo đó, hệ thống cửa cuốn thành nhà Hồ được xây bằng cách đắp đất tạo thành hình vòm, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên. Sau khi hoàn thiện phần ghép đá, thợ sẽ xúc đất cốt nền đưa đi nơi khác.

Ba bức tường thành phía Đông, Nam và Tây tương tự nhau về kích thước, kỹ thuật ghép đá. Đáy cổng thành được trải lớp đá lót móng, 4-5 hàng đá phía trên có kích thước lớn được mài nhẵn, hàng dưới to nhất, càng lên cao càng nhỏ dần. Phía trong tường thành là hệ thống đá và đất sét sỏi gia cố.

Các nhà khoa học giới thiệu kết quả khai quật tại cổng thành phía Tây. Ảnh: Lam Sơn

Các nhà khoa học giới thiệu kết quả khai quật tại cổng thành phía Tây. Ảnh: Lam Sơn

Đá xây thành cổng phía Bắc có kích thước nhỏ, mạch ghép lớn hơn, bề mặt nhiều viên không được làm nhẵn, không vuông vức so với ba cổng còn lại. Các nhà khoa học nhận định, có thể do quá trình xử lý vật liệu gấp gáp và một phần do những lần tu sửa giai đoạn sau này chưa đúng kỹ thuật.

Đợt khai quật lần này cũng xác định trục trung tâm chính thành nhà Hồ là dấu tích con đường Hoàng Gia nối từ cổng Nam lên khu vực chính điện. Tổng thể mặt bằng kiến trúc thành nhà Hồ được phân bố thành nhiều lớp ngang dọc. Tất cả đều được đối xứng qua trục đường Hoàng Gia ở trung tâm.

Các nhà nghiên cứu khoa học tiếp tục kiến nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ căn cứ vào khuyến nghị của UNESCO và quy định pháp luật, kết quả khảo cổ để xây dựng kế hoạch bảo tồn trong các năm tiếp theo nhằm phát huy tốt nhất giá trị của di sản văn hóa thế giới độc đáo này.

Dưới chân các cộng thành đều được gia cố lớp đá móng kích thước lớn. Ảnh: Lam Sơn

Dưới chân các cổng thành đều được gia cố lớp đá móng kích thước lớn. Ảnh: Lam Sơn

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, ngoài cổng thành hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cắt giảm nhân sự lan rộng trong ngành địa ốc

 Anh Hoàng, một nhân viên pháp lý bất động sản kể phòng có 5 người đã nghỉ 4, anh gánh phần việc còn lại nhưng lương giảm nửa.

Công ty anh Hoàng làm việc có trụ sở tại quận 3, TP HCM, đã cắt giảm nhân sự từ cuối năm 2022 nhưng tình hình ngày càng trầm trọng hơn trong hơn 2 tháng đầu năm 2023. Từ tháng 1 đến tháng 2, bên cạnh số nhân viên bị công ty cho thôi việc còn có nhiều người chủ động xin nghỉ vì thu nhập bị cắt giảm mạnh không đủ trang trải cuộc sống. Hoàng cho hay hiện các phòng ban của công ty đều giảm nhân sự 50-70% do hoạt động đầu tư và bán hàng đều đình trệ.

"Khó khăn nhất là phòng hậu mãi chăm sóc khách hàng, nhân sự nghỉ gần hết nhưng số hồ sơ thanh lý vẫn tăng lên, nhiều đợt kéo đến công ty đòi nợ nên vài người còn bám trụ phải luân phiên tiếp nhận hồ sơ, chịu trận cảnh quát tháo đòi tiền", anh chia sẻ và thừa nhận bản thân có thể không trụ được trong bao lâu.

Tình huống nhân sự bất động sản bị cắt giảm đến mức chỉ chừa lại vài người bám trụ ở một số phòng ban như công ty của anh Hoàng không phải cá biệt. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều công ty địa ốc bên cạnh sa thải hàng loạt đã phải chọn phương án cắt giảm và nợ lương trong 2 tháng đầu năm 2023 khiến lượng người lao động chọn rời công ty tăng lên.

Anh Kha, nhân viên kinh doanh (phòng marketing) của một công ty bất động sản đang phát triển dự án tại TP Thủ Đức chia sẻ, đầu tháng 3 anh đã nộp đơn xin nghỉ việc, hiện không còn là nhân sự thuộc biên chế công ty. Cả phòng marketing từ hơn chục người nay còn lại duy nhất trưởng bộ phận và phải gánh phần việc của các bộ phận kiểm soát, pháp chế, đối ngoại, hậu mãi đang trống hàng loạt vị trí.

"Tháng 12/2022, công ty có khoảng 50% nhân sự bị đào thải nhưng đến đầu tháng 3 nếu cộng thêm số nhân viên mới chủ động xin nghỉ đã vọt lên trên 60% nguồn lao động", anh Kha cho hay.

Nhân viên kinh doanh bất động sản giới thiệu dự án tại Đồng Nai cho khách hàng. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên kinh doanh bất động sản giới thiệu dự án tại Đồng Nai cho khách hàng. Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ tịch một công ty bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM cho biết khi cân nhắc và thông báo về kế hoạch giảm và nợ lương hồi cuối tháng 12/2022, nhân sự đã giảm 50%. Chỉ trong 2 tháng qua, tổng số nhân viên trong kế hoạch giảm biên chế và chủ động nghỉ việc tăng lên đến hàng trăm người. "6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, vì vậy từ tháng 3 trở đi số nhân sự rời công ty có thể sẽ tiếp tục tăng lên", ông nhìn nhận.

Mới đây, báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố cho thấy doanh nghiệp đã cắt giảm 3.191 nhân sự, trong đó, một công ty con thuộc mảng dịch vụ của tập đoàn sa thải 3.040 người.

Báo cáo ngành mới phát hành của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cho biết năm 2023 các công ty bất động sản buộc phải tái cấu trúc để tồn tại trong giai đoạn khó khăn. Đơn vị này dự báo, giai đoạn 2023-2024 vô cùng thử thách với thị trường địa ốc, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cấu trúc nợ vay, danh mục sản phẩm trong khi chờ đợi tháo gỡ nút thắt pháp lý.

BSC phân tích, tái cấu trúc nợ vay bao gồm thoái vốn một số dự án hoặc tối ưu hóa chi phí vận hành, từ bỏ các mảng kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Cuối tháng 12 năm ngoái, khảo sát của VnExpress tại hơn 10 công ty bất động sản đang hoạt động trên địa bàn TP HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, lượng nhân sự rời khỏi thị trường hai quý cuối năm 2022 (quý III và IV) ước tính lên đến hàng nghìn người, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh, sale bán hàng - hậu mãi, marketing và pháp chế (lo thủ tục pháp lý).

Các doanh nghiệp môi giới (phân phối) hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên bằng nhiều hình thức: dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên, nợ lương nhưng chưa xác định thời hạn chi trả.

Một số đơn vị quy mô dưới 50 nhân viên thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn - chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án - ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% cùng với giảm lương theo cấp bậc.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á dự báo năm 2023 làn sóng cắt giảm nhân sự bất động sản vẫn tăng mạnh trong 6 tháng tới dù năm ngoái thực trạng đào thải nhân sự địa ốc đã lên cao nhất một thập kỷ.

Ông Hạnh nhận định, nhiều khả năng làn sóng nhảy việc của nhân sự bất động sản sẽ diễn ra vào quý II-III năm nay. Nhân sự nghỉ và nhảy việc phân thành 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm chuyển nghề khác, nhóm hai là những người tạm nghỉ chờ đợi qua giai đoạn khó khăn sẽ quay trở lại trong trung hoặc dài hạn. Nhóm ba khá hơn là nhân sự có năng lực, nghỉ việc công ty A để xê dịch sang công ty B có tính ổn định cao để tiếp tục hành nghề.

Theo ông, đợt giảm tốc của thị trường bất động sản lần này cũng là cơ hội sàng lọc cần thiết giúp nhân sự ngành địa ốc gạn đục khơi trong.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, tình cảnh nguồn nhân lực ngành địa ốc hiện nay là hình ảnh con thuyền trong gió bão. Chủ doanh nghiệp là chủ tàu buộc phải cắt giảm nhân sự và ném đi các vật dụng cồng kềnh (bán bớt tài sản) để giảm tải cho hành trình vượt khó. Ngược lại, bản thân những người trên thuyền nếu lo ngại tàu đắm cũng phải nhảy để thoát thân. Quá trình đào thải này là không thể tránh khỏi và cần thiết vì hướng tới một cấu trúc ngành cân bằng hơn trong tương lai.


Cần làm gì để đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn?

Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, bên cạnh điểm sáng, bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm 2023 phản ánh khó khăn, thách thức cả trong nội tại nền kinh tế và từ bên ngoài ngày càng gia tăng.

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Nguồn: TTXVN)
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Nguồn: TTXVN)© TTXVN

Bên cạnh điểm sáng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giải ngân vốn đầu tư công, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại... thì bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm 2023 vẫn phản ánh những khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các địa phương cần làm gì để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển?

Để hiểu rõ hơn về những khó khăn và giải pháp tháo gỡ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

- Xin ông cho biết những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm 2023?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Thương mại thế giới suy giảm khá lớn trong quý 4/2022 và tiếp tục kéo sang quý 1/2023, tiêu dùng suy giảm, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái. Lạm phát đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục tăng lãi suất đồng USD và đồng euro.

Kinh tế nước ta hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, trong bối cảnh đối diện với những khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2023 tiếp tục có những điểm sáng.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với vai trò là "bệ đỡ" trong tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, vẫn giữ được ổn định và tăng trưởng.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng trở lại cao hơn ngưỡng 50 điểm, từ mức 47,4 điểm trong tháng 1/2023 lên mức 51,2 điểm trong tháng 2/2023, kết thúc 3 tháng liên tiếp trước đó chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng Hai, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 11/2022 và có mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2022 do nhu cầu của thị trường thế giới và trong nước đã có cải thiện.

Cùng với đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trong tháng thứ hai liên tiếp. Tâm lý kinh doanh được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mức độ lạc quan về triển vọng sản lượng trong một năm tới tiếp tục tăng.

Tổng mức bán lẻ tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng khá cao trong bối cảnh lao động của một số ngành thuộc khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 56.900 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ngay từ đầu năm, đạt được kết quả giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng khác biệt so với các năm trước.

Giải ngân vốn FDI cũng đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức giải ngân khá cao trong xu hướng dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm. Việt Nam và Malaysia vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Về cán cân thương mại hàng hóa, ước tính xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)© Vũ Sinh/TTXVN

Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách Nhà nước hai tháng đầu năm 2023 đạt 362.300 tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán năm, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, tạo nguồn lực cho Chính phủ thực hiện chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Ông vừa đề cập tới điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công. Thưa ông, điều gì đã tạo nên điểm sáng này?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Nguyên nhân tạo nên điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công đó là sự chỉ đạo điều hành sát sao, khẩn trương, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Chính phủ và địa phương đã bám sát tình hình, kịp thời đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn và giá cả nguyên vật liệu cho xây dựng…, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, chủ đầu tư và nhà thầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)© TTXVN

Lần đầu tiên, ngay trong hai tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành và địa phương đã được phân bổ xong cho các dự án, tạo chủ động cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều hội nghị để nắm tình hình, kịp thời đưa ra các chỉ đạo và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công.

Với nhận thức giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển kinh tế.

Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngành ngân hàng cũng tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. Hay Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm và chủ động tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp qua việc tổ chức hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp năm 2023 với mục tiêu ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.

Tôi ấn tượng với phát biểu của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: "Cán bộ, cơ quan nào gây khó dễ, doanh nghiệp gọi thẳng cho tôi."

Các chỉ đạo, điều hành kịp thời này không chỉ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mà còn tạo động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nhân, thúc đẩy kinh tế phát triển trong những tháng tới.

- Thương mại thế giới suy giảm khá lớn trong quý 4/2022 và tiếp tục kéo sang quý 1/2023, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động rất mạnh từ bên ngoài. Vậy trong hai tháng đầu năm, kinh tế nước ta gặp khó khăn gì, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và thế giới đã cải thiện khi số lượng đơn đặt hàng mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại; việc làm cũng giảm chậm hơn nhưng sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Điều này được phản ánh qua chỉ số sản xuất công nghiệp (PPI) của 2 tháng đầu năm giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, điều chưa từng xảy ra trong 22 năm qua. Chỉ số PPI của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tới 6,9%; trong đó một số ngành là thế mạnh xuất khẩu của nước ta có chỉ số PPI giảm ở mức hai con số như: dệt giảm 11%; sản xuất trang phục giảm 11,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,6%.

Hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế trong hai tháng đầu năm 2023 cũng suy giảm so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%; kim ngạch nhập khẩu giảm 16% và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 13,2%. Bức tranh thương mại quốc tế của nước ta suy giảm do các đối tác thương mại của Việt Nam đang đối mặt với lạm phát vẫn ở mức cao, người dân cắt giảm chi tiêu nên tổng cầu suy giảm.

Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp đang rất khó khăn thể hiện qua tình hình đăng ký doanh nghiệp. Hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 19.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022, là số vốn đăng ký thấp nhất trong hai tháng đầu năm giai đoạn 2019-2023.

Bên cạnh doanh nghiệp thành lập mới, trong hai tháng cả nước có 18.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở chiều ngược lại, trong hai tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.800; có 9.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 3.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.

Bình quân một tháng số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường gấp 1,35 lần số doanh nghiệp mới gia nhập và quay trở lại thị trường.

Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm khi tín dụng của nền kinh tế tại thời điểm 15/2/2023 chỉ tăng 0,29% so với cuối năm 2022, giảm so với thời điểm giữa tháng 1/2023.

Lạm phát cơ bản của hai tháng đầu năm 2023 tăng 5,08%, cao hơn mức lạm phát chung. Tuy vậy, lạm phát bình quân của hai tháng đầu 2023 ở mức 4,6% thấp hơn mức 4,89% của tháng 1/2023 và xu hướng lạm phát giảm có thể tiếp tục diễn ra trong tháng 3/2023.

Thưa ông, đâu là những giải pháp Chính phủ cần thực hiện trong thời gian tới?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc. Giá dầu biến động, dự báo ở mức 90 USD/thùng vào những tháng cuối năm.

Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Các nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt; sức mua của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam giảm sút, các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn năm 2022. Kinh tế trong nước chịu sức ép cả bên trong và bên ngoài.

Để giữ ổn định vĩ mô, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng cả năm và kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Năm 2023, đầu tư công đóng vai trò quan trọng tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành thúc đẩy giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn về nguồn cung và biến động giá nguyên vật liệu xây dựng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý liên quan tới giải ngân vốn đầu tư nói chung và đặc biệt là vốn đầu tư công.

Đồng thời, Chính phủ cần dự báo, đánh giá đúng, chính xác tình hình; chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và thách thức của từng ngành, từng lĩnh vực; kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp để vượt qua thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Bộ Công Thương cùng với cộng đồng doanh nghiệp đánh giá và dự báo thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế đối với sản phẩm của từng ngành, từ đó có kế hoạch và giải pháp chuẩn bị đủ nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; hỗ trợ về thị trường, đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng của lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhìn chung, bên cạnh điểm sáng, bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm 2023 phản ánh khó khăn, thách thức cả trong nội tại nền kinh tế và từ bên ngoài ngày càng gia tăng, tạo sức ép đối với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình để hóa giải, nhanh chóng vượt qua các khó khăn, thách thức.

Nhà đầu tư ngoại dồn dập bán cổ phiếu

 Nhà đầu tư nước ngoài đang nối dài chuỗi bán ròng cổ phiếu 16 phiên liên tiếp, chủ yếu tập trung vào các mã bất động sản.

Đây là đợt bán ròng dài nhất của nhà đầu tư nước ngoài từ cuối tháng 8/2021 đến nay. Điểm chung của hai đợt xả hàng là được kích hoạt không lâu sau khi thị trường chứng khoán thăng hoa với nhiều cổ phiếu tăng trưởng hai chữ số phần trăm trong vòng một tháng.

Chuỗi bán ròng lần này bắt đầu giữa tháng 2 với tổng giá trị bán ra đến nay hơn 18.200 tỷ đồng, trong khi mua vào khoảng 15.000 tỷ đồng. Một số phiên ghi nhận giá trị xả hàng hơn 2.500 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến cổ phiếu Eximbank vào giữa tháng 1.

Cổ phiếu bất động sản vốn hoá vừa đối mặt áp lực xả hàng mạnh nhất từ nhà đầu tư nước ngoài. Đất Xanh (DXG) ghi nhận giá trị bán ròng hơn 410 tỷ đồng, trong đó nhóm quỹ Dragon Capital bán bớt 9,5 triệu cổ phiếu DXG thu về gần 100 tỷ đồng chỉ trong hai ngày cuối tuần này. Khang Điền (KDH) là cái tên thứ hai của nhóm bất động sản bị nhà đầu tư ngoại bán mạnh với giá trị ròng hơn 120 tỷ đồng.

Hòa Phát (HPG), cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh trong tháng đầu năm, cũng bị bán dồn dập hơn 280 tỷ đồng. Không nằm trong danh sách bị rút ròng nhiều nhất về giá trị, nhưng KDC của Tập đoàn Kido lại ghi nhận chuỗi bán ròng kỷ lục với 36 phiên liên tiếp.

VEIL, quỹ đầu tư ngoại có quy mô tài sản lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, là một trong những quỹ đầu tư nước ngoài giảm tỷ trọng cổ phiếu mạnh nhất trong giai đoạn này. Theo báo cáo công bố ngày 3/3, tiền mặt đang chiếm 4,81% tổng giá trị tài sản của quỹ. Đây là tuần thứ tư liên tiếp VEIL tăng tỷ trọng nắm giữ tiền mặt, cao hơn đáng kể mức 0,54% vào cuối tháng 1.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số công ty chứng khoán trong nước, đợt rút ròng này không phản ánh sự bi quan của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, mà chỉ đơn thuần là hoạt động cơ cấu danh mục nhằm hiện thực hoá lợi nhuận.

Trước khi kết quả kinh doanh quý IV/2022 được công bố, định giá thị trường ở vùng tương đối hấp dẫn với P/E khoảng 10 lần. Thị trường hiếm khi có định giá như vậy trong một thập kỷ qua và mỗi lần việc này xảy ra thì nhà đầu tư thường trading (giao dịch ngắn hạn) để cải thiện hiệu suất đầu tư. Tuy nhiên, sau khi bức tranh tài chính sáng tỏ, định giá thị trường đã tăng lên đáng kể và lộ trình gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản chưa rõ ràng như kỳ vọng nên nhà đầu tư nước ngoài quay đầu bán ra.

tỷ đồngGiao dịch khối ngoại từ giữa tháng 2 đến nay2 2972 2971 2861 2861 0491 0491 2131 2131 2061 2061 3071 3072 5312 5311 1321 1321 5301 5309119111 0841 0841 0001 0006966961 9691 9691 1761 1761 0381 0381 1251 1251 1341 1349439431 8521 852914914871871910910772772880880569569Giá trị bánGiá trị mua15/216/217/220/221/222/223/224/227/228/21-32-33-301k2k3k4k5kVnExpress27/2
 Giá trị bán: 1 530

"Nhà đầu tư nước ngoài rất nhạy cảm với thông tin thị trường, đặc biệt là vấn đề nợ xấu bất động sản nên cơ cấu danh mục khá quyết liệt", ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công - nhận định.

Ông Trung nói thêm thị trường hồi phục trong tháng 1 có sự đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại. Nhiều quỹ đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn VN-Index, dẫn đến một số nhà đầu tư cá nhân xem giao dịch của khối ngoại là chỉ dấu mua bán trong giai đoạn thiếu vắng thông tin. Do đó, khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tâm lý của cá nhân trong nước cũng bị tác động mạnh. Điều này thể hiện qua thanh khoản thị trường trồi sụt mạnh, nhiều cổ phiếu điều chỉnh sâu nhưng không có dòng tiền mua mới.

Xu hướng giao dịch trong ngắn hạn tương đối tiêu cực, nhưng nhiều quỹ đầu tư vẫn khẳng định có niềm tin vào tăng trưởng trung và dài hạn.

Đơn cử trong báo cáo kết quả đầu tư thág trước, ban điều hành Quỹ đầu tư Tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF) nói rằng "dù kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp niêm yết và các số liệu vĩ mô trong 3 tháng qua không được tích cực, chúng tôi giữ nguyên quan điểm rằng một số yếu tố đang trở nên tích cực hơn cho thị trường chứng khoán như lãi suất, lạm phát toàn cầu, tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng".

Đồng quan điểm, ông Petri Deryng - nhà sáng lập và quản lý quỹ đầu tư PYN Eltie (Phần Lan) - cho rằng VN-Index đang rung lắc mạnh và nhà đầu tư ngoại không ngừng bán ra nhưng vẫn có một số yếu tố thúc đẩy thị trường khởi sắc trong phần còn lại của năm nay. Theo ông, đó là triển vọng tăng trưởng của thị trường Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, lãi suất tiền gửi bắt đầu giảm và các thông tin gây ra sự bất ổn cho thị trường tài chính cũng lắng xuống.

Phương Đông