Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 1/7, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020; triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030. Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Từ Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; đại diện lãnh đạo các sở, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện và các tập thể, cá nhân được khen thưởng. 

Cắt giảm từ 25-30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ về công tác CCHC của Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ số CCHC, SIPAS cấp tỉnh bình quân hằng năm đều đạt hơn 80%. Hầu hết hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp được giải quyết sớm hạn và đúng hạn.

Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp, tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả CCHC như: Thành lập Trung tâm Hành chính công (nay là Trung tâm Phục vụ hành chính công) từ năm 2016;  mô hình bộ phận một cửa cấp xã kiểu mẫu ở huyện Việt Yên; xây dựng sổ tay về TTHC lĩnh vực đầu tư cho các doanh nghiệp; ứng dụng mạng Zalo để theo dõi kết quả giải quyết TTHC. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Đồng chí Dương Văn Thái trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc.

Đồng chí Dương Văn Thái trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc.

Công tác kiểm soát TTHC được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Từ năm 2011 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 167 quyết định công bố 13.218 TTHC áp dụng trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng cắt giảm từ 25-30% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương đối với các TTHC có thời hạn từ 15 ngày trở lên. 

Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được chú trọng; quan tâm sắp xếp, kiện toàn theo hướng giảm đầu mối, nâng hiệu quả hoạt động. Công tác quản lý, sử dụng biên chế khối hành chính, sự nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của Trung ương. Chất lượng đội ngũ CBCCVC không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, tin học, ngoại ngữ.

Việc quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến; công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, nhất là việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả hoạt động và giảm thiểu các khoản chi mang tính bao cấp.

Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được đẩy mạnh, mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử. Đặc biệt là việc kết nối, liên thông Cổng Dịch vụ công tỉnh Bắc Giang với Cổng Dịch vụ công quốc gia; chuẩn hóa Hệ thống thông tin một cửa điện tử liên thông 3 cấp; triển khai hệ thống họp trực tuyến từ tỉnh đến huyện và xã.

Đồng chí Từ Minh Hải trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Đồng chí Từ Minh Hải trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Xây dựng nền hành chính vì dân chuyên nghiệp, hiện đại

Bên cạnh những kết quả đạt được về công tác CCHC trong 10 năm qua vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần sớm khắc phục. Đó là công tác chỉ đạo, điều hành ở một số nơi về CCHC còn chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Các chỉ số (PARINDEX, PAPI, PCI) đã được cải thiện thứ hạng song không ổn định. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn thấp.

Tham luận tại đây, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giải quyết dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của đơn vị. Ông cho rằng, công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định. Sở Giao thông - Vận tải đã xây dựng các clip hướng dẫn để đăng tải trên Cổng thông tin; ngoài ra còn lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị, bộ phận một cửa. 

Về nội dung ứng dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử giải quyết TTHC liên thông 3 cấp, ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông sớm chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện một số chức năng của phần mềm để việc thực hiện ở cơ sở thuận lợi hơn.

Các đại biểu cũng nêu kinh nghiệm xây dựng bộ phận một cửa kiểu mẫu; xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, việc bố trí, sử dụng công chức theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại địa phương; công tác cải cách tài chính công; việc giải quyết TTHC liên thông 3 cấp (tỉnh-huyện-xã). 

Về nhiệm vụ công tác CCHC giai đoạn 2021-2030, các cấp ủy đảng, chính quyền cần chủ động bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, các nội dung, nhiệm vụ trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước của Chính phủ, trên cơ sở đó, cụ thể hóa và phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của từng cơ quan, địa phương.

Đồng chí Lê Ánh Dương trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020. 

Đồng chí Lê Ánh Dương trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020. 

Về giải pháp trước mắt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC (PARINDEX) của tỉnh Bắc Giang năm 2020 và những năm tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu Chỉ số CCHC tỉnh năm 2020 đạt kết quả cao, xếp trong nhóm 20 tỉnh, TP đứng đầu trong cả nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái ghi nhận và biểu dương những cố gắng của các tập thể, cá nhân trong công tác CCHC thời gian qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế cần sớm khắc phục như tình trạng hồ sơ chậm muộn, người dân phải đi lại cơ quan hành chính nhiều lần; việc niêm yết TTHC ở một số nơi chưa kịp thời; ý thức, trách nhiệm năng lực của một bộ phận CBCCVC còn hạn chế làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp; giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2030, Bắc Giang cùng với cả nước bước sang giai đoạn mới, hội nhập quốc tế sâu rộng và sự cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Do vậy cần quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, tranh thủ thời cơ đưa Bắc Giang phát triển. Đặc biệt, xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm tập trung cao độ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; lựa chọn, bố trí những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức làm việc tại bộ phận một cửa. Cùng đó quan tâm về chế độ đãi ngộ, cũng như ưu tiên khi quy hoạch các chức danh đối với những cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mỗi ngành, mỗi địa phương lựa chọn một sáng kiến về cải cách TTHC, đăng ký gửi về Sở Nội vụ trước ngày 30/7 để tổ chức thực hiện. Đặc biệt coi đây là tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua với đơn vị và người đứng đầu hằng năm.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 50 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Chuẩn bị tốt các điều kiện giải quyết TTHC theo phương châm "4 tại chỗ"

Ngày 29/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị kiểm điểm kết quả hoạt động của  Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (TTPVHCC) 6 tháng đầu năm 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì. 

Tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hạn đạt cao

Ông Phạm Văn Đà, Giám đốc Trung tâm cho biết: Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện tại Trung tâm là 1.684/1.889; trong đó có 377 thủ tục giải quyết theo hình thức liên thông dọc. 

Với 22 sở, ngành, cơ quan trung ương đang hoạt động, Trung tâm đã đáp ứng yêu cầu “một đầu mối, một việc thông suốt”, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân đến giao dịch. 

7 tháng đầu năm 2020, tiếp nhận 54.365 hồ sơ; trong đó trả đúng hạn 52.964 hồ sơ, quá hạn 53 hồ sơ, còn lại đang giải quyết; có 11.429 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.

Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị. 

Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị. 

Thời gian qua, Trung tâm đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, chuẩn bị nhân lực, vật lực để triển khai một số TTHC theo phương châm “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) đối với 67 TTHC được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Mặc dù vậy, số hồ sơ trực tuyến và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích còn ít; các sở, cơ quan chưa chủ động trong triển khai các văn bản của tỉnh; tỷ lệ hồ sơ trả lại, xin rút có xu hướng tăng; việc liên thông ngang chưa được quan tâm; tình trạng luân phiên cán bộ trực một cửa vẫn xảy ra.

Nhìn rõ hạn chế để khắc phục

Phát biểu tại đây, ông Phạm Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, để khắc phục những hạn chế, từ ngày 20/7 Cục Thuế tỉnh đã đưa 100% TTHC của đơn vị ra tiếp nhận và trả hồ sơ tại TTPVHCC, chấm dứt tình trạng tiếp nhận hồ sơ ở hai nơi như trước kia.

Đơn vị cũng giao bộ phận chuyên môn tiếp tục rà soát, đưa thêm thủ tục giải quyết trực tuyến theo mức độ 4; nghiên cứu lược bỏ các hồ sơ giấy, chuyển sang hồ sơ điện tử.

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trao đổi các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin. 

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trao đổi các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin. 

Liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nêu: Hiện đã có 12/15 sở ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC; trong đó 7 đơn vị đã cập nhật xong trên phần mềm.

Ông Phong đề nghị các đơn vị còn lại khẩn trương ban hành quy trình nội bộ để triển khai cập nhật theo quy định. Hiện nay, một số Bộ như: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải thay đổi cấu trúc phần mềm nên việc liên thông kết nối giữa phần mềm một cửa tỉnh với trung ương còn gặp khó khăn.

Đại tá Nguyễn Văn Chức, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trước phản ánh của dư luận về tình trạng nhờ cán bộ chuyên môn xem trước khi thực hiện TTHC của lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, Công an tỉnh đã kiểm tra, chấn chỉnh. Đồng thời phối hợp với TTPVHCC để ngăn chặn tình trạng cò mồi trong giải quyết TTHC.

Trước tình trạng hồ sơ quá hạn mà không có văn bản xin lỗi tổ chức, công dân, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xin rút kinh nghiệm và yêu cầu bộ phận chuyên môn khắc phục ngay tình trạng nêu trên. 

Lý giải về việc nhiều hồ sơ phải bổ sung, trả lại, ông Tưởng cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó đến từ cán bộ tiếp nhận, bộ phận chuyên môn, người nộp hồ sơ do rà soát đầu mục không kỹ, trong khi thành phần hồ sơ nhiều. Thời gian tới Sở sẽ tổ chức các hội nghị, tập huấn nâng cao chất lượng đơn vị tư vấn trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội nghị. 

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội nghị. 

Tập trung các giải pháp, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC

Để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, các đại biểu kiến nghị tỉnh nghiên cứu thành lập tổ hướng dẫn trong cộng đồng mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ, trí thức đã nghỉ hưu; đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến, bưu chính công ích; tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ trực tại bộ phận một cửa. Ngành bưu điện cử thêm cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ trực tại TTPVHCC. 

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh nhiệm vụ cải cách hành chính là lâu dài, thường xuyên nên cần phải quan tâm, chú ý. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, cơ quan bố trí cán bộ làm việc tại TTPVHCC phải bảo đảm thời gian tối thiểu 3 tháng; đội ngũ này cần thực hiện nghiêm văn hóa công sở, nguyên tắc hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hạn chế mức thấp nhất việc hoàn trả hoặc xin rút hồ sơ. 

Trong điều kiện cho phép, các đơn vị chủ động rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, khuyến khích trả trước hạn cho công dân. Đối với những thủ tục có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chuyên môn thì cần phải trả lời đúng thời gian, trọng tâm vấn đề, tránh tình trạng đá bóng trách nhiệm.

Phấn đấu tăng tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại TTPVHCC là 25%; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích là 15%. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kết luận hội nghị. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kết luận hội nghị. 

Đồng chí Lê Ánh Dương yêu cầu các đơn vị còn lại khẩn trương hoàn thành quy trình nội bộ; thực hiện cập nhật đầy đủ hệ thống điện tử. Đặc biệt yêu cầu rà soát lại việc công khai TTHC; kiên quyết không để xảy ra tình trạng cò giải quyết TTHC. Sở Kế hoạch và Đầu tư, BHXH tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện “4 tại chỗ”. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao TTPVHCC và Sở Nội vụ phối hợp kiểm tra trên trang web, cổng thông tin, cổng dịch vụ công của các sở, ngành nội dung công khai TTHC, biểu mẫu, clip; từ đó yêu cầu chỉnh sửa theo quy định, với các biểu mẫu phải bổ sung ví dụ cụ thể. 

TTPVHCC phải duy trì quy định hằng tuần phỏng vấn một số chủ hồ sơ để nắm bắt những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết TTHC, từ đó tham mưu UBND tỉnh giải pháp chỉ đạo; kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, trả kết quả của  các đơn vị tại Trung tâm. 

Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục rà soát, trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC thực hiện mức độ 3 và 4; tăng cường kiểm soát TTHC; khẩn trương làm việc với Văn phòng Chính phủ để triển khai thanh toán trực tuyến. 

Sở Thông tin và Truyền thông thành lập bộ phận thường trực để kịp thời nắm, khắc phục các sự cố về công nghệ thông tin. Bưu điện tỉnh phải tích cực, chủ động hơn để cung cấp dịch vụ, qua đó nâng tỷ lệ người dân sử dụng bưu chính công ích trong giải quyết TTHC. 

Cải cách hành chính

Muốn cải cách hành chính cần công khai minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ.
Việc ứng dụng phần mềm điện tử sẽ giúp ích rất nhiều cho việc này
Phần mềm sẽ theo dõi quá trình nhận và trả hồ sơ tại Bộ phận một cửa điện tử của các cơ quan
Cần có sự vào cuộc của các công chức trong quá trình giải quyết hồ sơ
Lãnh đạo cơ quan đơn vị phải là người đôn đốc quá trình giải quyết của các phòng ban đơn vị; Trực tiếp ký các văn bản điện tử hoặc văn bản giấy 
Các giải pháp đưa ra như sau:
Để nâng cao chất lượng phục vụ cần phát phiếu đánh giá sự hành lòng của khách hàng
Công bố các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4
Nâng cao nền tảng công nghệ để dễ dàng thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến sử dụng các loại ví điện tử như: Ví MoMo; Viettelpay; Airpay, Zalopay,....
Công bố cách thức tiến hành dịch vụ công trực tuyến trên mạng FB; Zalo; Các video hướng dẫn chi tiết khi nộp hồ sơ
Các hệ thống cần được liên thông một cách thống nhất từ Trung ương đến cấp xã. Giải quyết ngay các việc trồng chéo; nhập các dự liệu nhiều lần; phần mềm cần càng ngày càng dễ sử dụng, không phát sinh thêm các thao tác không cần thiết trong quá trình sử dụng
Tích cực tuyên truyền dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) trong việc tiếp nhận và trả kết quả đối với tổ chức, công dân.
Có sự vào cuộc của Đoàn thanh niên, các điểm văn hóa xã, học sinh các trường...trong quá trình tuyên truyền cách sử dụng phần mềm nộp trực tuyến hồ sơ qua mạng
Viết ứng dụng (APP) trên điện thoại để tổ chức công dân dễ dàng theo dõi được quá trình giải quyết hồ sơ.
Ứng dụng công nghệ AI trí tuệ nhân tạo trong việc hướng dẫn việc thực hiện hồ sơ
Các hệ thống điện tử cần được liên kết với nhau, giúp tổ chức công nhân không phải khai báo nhiều các thông tin cá nhân.
Các hồ sơ quá hạn cần tìm hiểu các nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình giải quyết để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Hướng dẫn tổ chức công dân đến thực hiện giải quyết TTHC chỉ hướng dẫn một lần duy nhất
Các hồ sơ có mức độ phức tạp; Hồ sơ phải xin ý kiến của nhiều cơ quan...Cần xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết hồ sơ. Nêu rõ thời gian phải hoàn thành của cơ quan được xin ý kiến.
Các lãnh đạo tỉnh cần nắm bắt chặt chẽ các thông tin trái chiều qua nhiều kênh để điều tra và làm sáng tỏ các nội dung phản ánh của tổ chức công dân
Phần mềm điện tử phải được hoạt động thường xuyên do vậy nên thành lập bộ bộ chuyên về IT cho Trung tâm hành chính công tránh việc phụ thuộc vào công ty phần mềm sau khi hợp đồng với công ty này đã hết hiệu lực.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức công dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính. Nếu có việc không suôn sẻ xảy ra cần có biện pháp để giải quyết. 
Các cán bộ chuyên môn không được tiếp xúc trực tiếp với công dân nộp sơ. Do vậy cần đưa ra quy định và mức xử lý hành vi này nếu vi phạm để răn đe cán bộ công chức trong cơ quan không được thực hiện nhiệm vụ này.
Cán bộ trung tâm Hành chính công chọn ngẫu nhiên hồ sơ để kiểm soát quá trình thực hiện Hồ sơ tại mỗi cơ quan đơn vị.
Có các chế độ chính sách hỗ trợ các cán bộ công chức làm việc tại Bộ phận một cửa như: Chỉ bổ nhiệm cán bộ công chức khi qua công tác tại Bộ phận một cửa ít nhất 3 tháng.


32 ngày di chuyển của hai ca nhiễm nCoV ở Sài Gòn

Võ sư 57 tuổi người Mỹ và vợ 46 tuổi từ Đà Nẵng vào TP HCM chữa bệnh, ở nhiều nơi, tiếp xúc hơn 100 người trước khi xác định nhiễm nCoV.

Tối 29/7, Bộ Y tế ghi nhận hai ca nhiễm nCoV là người đi từ Đà Nẵng vào TP HCM chữa bệnh. Cả hai đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (quận 5). "Bệnh nhân 449" là võ sư người Mỹ, chồng của "bệnh nhân 450". Trước khi được xét nghiệm dương tính nCoV, cả hai đã vào 5 bệnh viện khác.

Hai người này sống tại Đà Nẵng 10 năm và ở cùng nhau ba năm. Trong thời gian sống chung, họ không rời khỏi Việt nam. Ngày 26/6, "bệnh nhân 449" nhập viện Hoàn Mỹ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vì tiền sử viêm phổi trên 10 năm.

Mười ngày sau, ông được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị lần lượt tại các khoa Cấp cứu, ICU, Ngoại lồng ngực, Quốc tế, Nội hô hấp. Đây là nơi "bệnh nhân 416", nam, 57 tuổi, được ghi nhận dương tính nCoV hôm 25/7, sau 99 ngày cả nước không lây nhiễm trong cộng đồng. Tại bệnh viện, nam võ sư được vợ chăm sóc. Người vợ có hai lần về căn hộ trên đường Âu Cơ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), gặp chủ nhà cùng hai nhân viên.

Trong quá trình điều trị, Bệnh viện Đà Nẵng nhận định bệnh viêm phổi của bệnh nhân có diễn biến nặng, tăng huyết áp, tràn khí màng phổi đã dẫn lưu. Đến chiều tối 20/7, xe cấp cứu của bệnh viện với một tài xế và hai nhân viên y tế đưa hai vợ chồng bệnh nhân vượt hơn 800 km, chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TP HCM) - một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất nước.

Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi bệnh nhân 449 đến điều trị khoảng 10 tiếng, ngày 30/7. Ảnh: Như Quỳnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi "bệnh nhân 449" đến điều trị khoảng 10 tiếng, ngày 30/7. Ảnh: Quỳnh Trần.

Sau 25 ngày điều trị tại hai bệnh viện ở Đà Nẵng khi chưa được xét nghiệm nCoV, trưa 21/7, "bệnh nhân 449" nhập phòng cách ly khoa Cấp cứu Chợ Rẫy. Vợ ông thuê khách sạn đối diện bệnh viện và tiếp xúc với hai lễ tân ở lầu 3. Ngoài ra, bà còn mua đồ ăn tại căn tin bệnh viện.

Cho rằng Bệnh viện Chợ Rẫy đông người, chật chội, hai vợ chồng xin chuyển đến Bệnh viện Triều An (quận Bình Tân) cách đó hơn 5 km bằng xe cấp cứu vào tối cùng ngày. Đi cùng xe có một người bạn và tài xế. Tại bệnh viện mới, họ tiếp xúc với bảy nhân viên y tế, ba bảo vệ, một hộ lý và một kế toán.

Một tiếng sau đó, cả hai tiếp tục chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quốc tế City cách đó hơn 2 km. Họ tiếp xúc 12 nhân viên. Nam võ sư được chuyển lên phòng ICU, điều trị tại phòng áp lực âm và tiếp xúc 22 nhân viên. Sau đó, ông được chuyển qua khoa Nội, điều trị phòng cách ly áp lực âm đặc biệt với triệu chứng ho nhiều, đau ngực khi ho. Tại đây, bệnh nhân tiếp xúc với 13 nhân viên.

Trong khi đó, sau khi đưa chồng nhập viện, ngày 22/7, người vợ quay lại khách sạn bằng Grab cùng bạn để lấy đồ và trả phòng. Trưa hôm sau, người phụ nữ này được em trai 25 tuổi đón từ Bệnh viện Quốc tế City về nhà ở con hẻm đường Hoàng Ngân, phường 16, quận 8. Sau khi cậu em đi làm ở quán ốc, bà lấy xe máy rời khỏi nhà.

Ngày 26/7, bà có triệu chứng sổ mũi, mỏi cơ, mệt mỏi. Hôm sau, nữ bệnh nhân đi Grab về nhà lấy đồ, uống cà phê trước nhà trong khoảng một tiếng rưỡi. Ngày 28/7, trước khi nhận kết quả dương tính nCoV cùng với chồng, bà đi xe máy quanh thành phố, có ghé ăn tại tiệm bánh ướt trên đường Ba Tháng Hai. Cả ngày, bà tắt điện thoại, bệnh viện cũng như cơ quan chức năng không liên lạc được.

Ngoài hành trình trên, ngày 21-27/7, hàng ngày "bệnh nhân 450" còn đi bộ đến Aeon Mall Bình Tân 1-2 lần mua đồ ăn. Trong thời gian họ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế City, có 6 người bạn đến thăm khoảng 20 phút.

Bệnh viện Quốc tế City trưa 28/7, sau khi thông bao ngừng tiếp nhận bệnh nhân trong ba ngày. Ảnh: Đinh Văn.

Bệnh viện Quốc tế City trưa 28/7, sau khi thông bao ngừng tiếp nhận bệnh nhân trong ba ngày. Ảnh: Đinh Văn.

Tại buổi họp báo tối qua, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết "bệnh nhân 450" đi theo chồng để chăm sóc và xuất hiện triệu chứng nên được bệnh viện lấy mẫu, gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. "Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm thì bà này tự đi khỏi bệnh viện, lúc đó chưa bị cách ly", ông Dũng nói và cho biết, sau đó công an vào cuộc mới tìm được bệnh nhân.

Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Việt (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh Viện Chợ Rẫy) cho biết, khi tiếp nhận "bệnh nhân 449", các bác sĩ đã có sự cảnh giác ngay từ đầu nên người này được chuyển thẳng vào trong khoa Cấp cứu và cho nằm phòng cách ly. Trong 10 tiếng bệnh nhân nằm ở bệnh viện, nhân viên y tế khi thăm khám đều mặc đồ phòng hộ như tiếp xúc với ca mắc Covid-19.

"Thời điểm bệnh nhân nhập viện vào Chợ Rẫy, Đà Nẵng không phải là vùng dịch, dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân, chúng tôi nghĩ nhiều đến bệnh nhân bị viêm phổi do nhiễm trùng nên có chỉ định cho nhập Khoa Nội hô hấp. Tuy nhiên bệnh nhân muốn đi nơi khác", ông Việt nói về lý do Bệnh viện Chợ Rẫy chưa thực hiện xét nghiệm Covid-19 với bệnh nhân.

Liên quan đến hai ca bệnh này, hôm qua con hẻm đường Hoàng Ngân, quận 8 bị phong tỏa. Nhà chức trách cách ly 50 hộ dân với khoảng 190 nhân khẩu. Trước đó, ngành chức năng cũng phong tỏa khách sạn 9 tầng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Bệnh viện Quốc tế City đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân ba ngày để có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.

Bệnh nhân 449 và 450 lưu trú nhiều nơi, điều trị nhiều bệnh viện trước khi được xác định nhiễm Covid-19. Ảnh: Hà An.

Công an, dân quân phong tỏa khách sạn 9 tầng trên đường Nguyễn Chí Thanh, nơi "bệnh nhân 450" ở khi chăm sóc chồng ở Bệnh viện Chợ Rẫy đối diện, trưa 29/7. Ảnh: Hà An.

Theo Sở Y tế TP HCM, 121 nhân viên y tế của ba bệnh viện trên địa bàn đã tiếp xúc với hai bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và đều âm tính nCoV. Nhiều người khác đã được cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà.

Bộ Y tế sáng 30/7 công bố 9 ca nhiễm nCoV, gồm 8 người Đà Nẵng, một Hà Nội. Như vậy, sáu ngày qua ghi nhận 43 ca nhiễm cộng đồng. Trong đó, Đà Nẵng 34 ca, Quảng Ngãi một ca, Quảng Nam ba ca, Hà Nội hai ca, Đăk Lăk một ca, TP HCM hai ca. Các bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.

Tổng số ca nhiễm lên 459, trong đó 369 người đã khỏi, còn 90 bệnh nhân đang điều trị.

Đốn bỏ sầu riêng

Hơn 3.500 ha tại "thủ phủ sầu riêng" bị thiệt hại gần như hoàn toàn sau hạn mặn, chủ vườn phải đốn bỏ, hoặc cưa thân với hy vọng cây hồi sinh.

Buổi trưa, ông Lê Văn Thôi (62 tuổi, ấp Mỹ Lợi B, xã Long Tiên, thị xã Cai Lậy) lội bộ ra vườn sầu riêng Mỏn Thon (giống Thái Lan) 17 năm tuổi, rộng 6.500 m2. Như nhiều nhà vườn tại địa phương, ông Thôi làm sầu riêng trái vụ, mỗi năm thu hoạch một đợt quả, trừ chi phí thu lợi nhuận từ 600 đến 800 triệu đồng. Nhờ trồng sầu riêng, ông Thôi vừa xây được căn nhà mới khang trang.

Một góc vườn sầu riêng 6.500 m2 của ông Lê Văn Thôi cây rụng lá chết hết, cành bạc trắng. Ảnh: Hoàng Nam

Một góc vườn sầu riêng 6.500 m2 của ông Lê Văn Thôi cây rụng lá, cành bạc trắng. Ảnh: Hoàng Nam

Cùng lúc này năm ngoái, vườn sầu riêng của ông bắt đầu giai đoạn trổ bông, sẽ kịp thu hoạch để gia đình có tiền chơi Tết. Còn năm nay, khu vườn cỏ mọc um tùm vì nhiều ngày không ai chăm sóc. Quanh gốc cây, các đoạn ống nước được tháo rời nằm chỏng chơ. Những mô đất vun quanh gốc khô nứt nẻ, phía trên là thân cây đã chết ngả màu đen xỉn, lá rụng hết, cành bạc trắng, nhiều đoạn mục ruỗng, gãy rơi đầy vườn.

Ảnh hưởng của đợt hạn mặn "kỷ lục" kéo dài gần 6 tháng, như nhiều nhà nông, ông Thôi phải mua nước từ các sà lan tưới vườn với giá 70.000 đồng mỗi khối. "Chỉ dám tưới cầm chừng cho cây sống mà từ đầu vụ đến giờ tốn gần 200 triệu tiền nước, vậy mà vẫn không cứu được cây nào", ông Thôi buồn bã nói.

Dọc 20 km đường từ Long Tiên đến Phú Phong (Châu Thành), nhiều đống củi sầu riêng chất cao ven lộ, có cây đường kính thân đến 30 cm. Đây là những cây sầu riêng đã chết được nhà vườn cưa bỏ, sau đó cho hoặc bán rẻ lại các nhà xưởng làm chất đốt, gỗ công nghiệp.

Cách nhà ông Thôi 2 km, vườn sầu riêng 100 gốc, rộng 5.000 m2 của ông Nguyễn Văn Phước (50 tuổi) may mắn hơn, khi số cây chết hoàn toàn chỉ khoảng 50%. Năm ngoái, vườn sầu riêng 13 năm tuổi này cho năng suất 20 tấn mỗi ha, giá bình quân 60.000 đồng mỗi ký, trừ chi phí gia đình ông Phước lãi hơn 200 triệu đồng. Còn năm nay, sau khi kết thúc vụ thu hoạch một tháng trước, vườn chỉ bán được 30 triệu đồng, trong khi tiền nước tưới, phân thuốc đã bỏ ra gấp đôi.

Sầu riêng chết được người dân cưa, tập kết dọc đường. Ảnh: Hoàng Nam

Sầu riêng chết được người dân cưa, tập kết dọc đường. Ảnh: Hoàng Nam

Những cây còn "trụ" được qua mùa khắc nghiệt tại vườn cũng lâm vào cảnh èo uột, chậm phục hồi. Ông Phước học theo kinh nghiệm dân gian của người trồng sầu riêng, dùng cưa cắt nhánh, thân rồi bôi vôi sống lên bề mặt gốc cây, với hy vọng các chồi non sẽ sớm hồi sinh.

"Đợt rồi tưởng đâu chết hết, tui sẽ dọn vườn trồng mít, nay còn sống bao nhiêu là mừng rồi, vì giờ có trồng mới lại cũng 5, 6 năm mới thu hoạch, lấy vốn", ông Phước nói.

Xã Tiên Long chỉ trồng chủ yếu cây sầu riêng, có tổng diện tích hơn 1.100 ha. Trong đợt cao điểm mùa hạn mặn, xã đã nhận hỗ trợ hơn 100.000 m3 nước, tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, do hạn mặn kéo dài, đến nay đã có hơn 530 ha cây chết hoàn toàn.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết, tổng diện tích cây sầu riêng chuyên canh trên địa bàn tỉnh hơn 14.000 ha, có trên 3.500 ha cây hiện chết gần như hoàn toàn. Với các vườn thiệt hại, người dân sẽ nhận được hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ năm 2017 về hỗ trợ thiên tai. Cụ thể, định mức cây ăn trái thiệt hại trên 70%, người dân sẽ nhận hỗ trợ 4 triệu đồng mỗi ha, thiệt hại 30-70% là 2 triệu đồng mỗi ha.

Chi cục cho hay, qua khảo sát, dù diện tích cây chết khá lớn, và tình hình hạn mặn được dự báo diễn biến phức tạp năm sau, đa số người dân vẫn đồng ý sẽ tiếp tục trồng lại sầu riêng, vì đây là cây trồng truyền thống và cho lợi nhuận khá cao.

"Chúng tôi đang hướng dẫn người dân rửa mặn, phục hồi cây, xử lý đất. Về lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt và vận động người dân chủ động trữ nước sớm từ đầu vụ để ứng phó cho mùa sau", ông Men nói.

Ông Nguyễn Văn Phước dùng vôi bôi bề mặt một gốc sầu riêng mới cưa, hy vọng các chồi non sẽ hồi sinh. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Nguyễn Văn Phước dùng vôi bôi bề mặt một gốc sầu riêng mới cưa, hy vọng các chồi non sẽ hồi sinh. Ảnh: Hoàng Nam

Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.

Tại "thủ phủ sầu riêng" của miền Tây, UBND Tiền Giang đã hỗ trợ 1,3 triệu m3 nước ngọt, tổng chi phí 37 tỷ đồng để giải khát cho cây, nhưng hàng nghìn ha vẫn chịu cảnh chết khô. Tỉnh Bến Tre ghi nhận 12.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.