Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Gần 600 mã giảm trên toàn thị trường, VN-Index thủng mốc 830 điểm

Gần 600 mã giảm trên toàn thị trường, VN-Index thủng mốc 830 điểm

Thông tin GDP quý 2 tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua đã tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư, dù rằng con số này tích cực hơn nhiều dự báo có thể tăng trưởng âm trước đó được đưa ra.

Áp lực bán tiếp tục tăng mạnh ngay từ những phút đầu phiên chiều. Tại thời điểm 13h25’, chỉ số VN-Index giảm 24,4 điểm (2,86%) xuống 827,58 điểm; HNX-Index giảm 2,96% xuống 110,09 điểm và UPCom-Index giảm 1,43% xuống 55,6 điểm.
Số mã giảm trên toàn thị trường lên tới 591 mã, áp đảo hoàn toàn so với 126 mã giảm. Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hiện chỉ có CTD, VGC là những cái tên hiếm hoi giữ được sắc xanh.
==================================
Phiên giao dịch sáng diễn ra với áp lực bán mạnh trên toàn thị trường. Lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trên Thế giới cùng số liệu GDP Việt Nam quý 2 đạt 0,36%, thấp nhất trong vòng 10 năm dù cao hơn so với kỳ vọng đã tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư.
Hàng loạt cổ phiếu lớnn hư BVH, FPT, GAS, MSN, VIC, VNM, VHM, VRE, MWG…cùng các cổ phiếu ngân hàng ACB, CTG, BID, VCB, MBB, VPB…đồng loạt giảm khiến thị trường thiếu đi lực đỡ và dễ dàng giảm sâu.
Đà giảm không chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa lớn mà lan tỏa hầu hết các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, khu công nghiệp, dệt may, hàng không…
Ở chiều ngược lại, HAG, BHN, CTD, VGC là những cổ phiếu lớn hiếm hoi tăng điểm trong sáng nay. Trong khi đó, THD của Thaiholdings tiếp tục chuỗi phiên tăng trần lên 34.200 đồng.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 18,67 điểm (2,19%) xuống 833,31 điểm; HNX-Index giảm 2% xuống 111,18 điểm và UPCom-Index giảm 0,99% xuống 55,85 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 120 tỷ đồng, lực bán tập trung vào các cổ phiếu như VNM, SSI, HDB.
======================================
Áp lực bán càng lúc càng mạnh trên tất cả nhóm ngành. Thông tin GDP quý 2 tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua đã tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư, dù rằng con số này tích cực hơn nhiều dự báo có thể tăng trưởng âm trước đó được đưa ra.
Tại thời điểm 10h45’, chỉ số VN-Index giảm 19,26 điểm (2,26%) xuống 832,72 điểm; HNX-Index giảm 2,11% xuống 111,05 điểm và UPCom-Index giảm 1,1% xuống 55,79 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 2.500 tỷ đồng.
==================================
Lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trên Thế giới đã khiến nhiều thị trường chứng khoán Châu Á "đỏ lửa" trong sáng đầu tuần và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Áp lực bán tăng mạnh ngay từ những phút mở cửa khiến các chỉ số chìm sâu trong sắc đỏ và VN-Index mau chóng mất hơn 10 điểm sau ít phút giao dịch.
Trong nhóm Bluechips, hầu hết các cổ phiếu lớn như BVH, FPT, GAS, HPG, MSN, VIC, VNM, VRE, VHM, MWG…cùng với các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, VCB, ACB, MBB…đều giảm điểm đã tác động tiêu cực tới thị trường.
Đà giảm diễn ra trên hầu hết các nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, hàng không, khu công nghiệp…
Ở chiều ngược lại, EIB, VJC, CTD, VGC là một trong số ít cổ phiếu lớn tăng điểm, dù rằng mức tăng là không quá mạnh.
Tại thời điểm 9h50’, chỉ số VN-Index giảm 8,64 điểm (1,01%) xuống 843,34 điểm; HNX-Index giảm 1,2% xuống 112,09 điểm và UPCom-Index giảm 0,75% xuống 55,99 điểm. Thanh khoản thị trường đạt 1.000 tỷ đồng.

Nhận định thị trường tuần I/7/2020, tâm lý thận trọng, dòng tiền suy yếu

Cổ phiếu quan tâm tuần 29.06

5 Phương pháp Kinh Doanh Mới

Những phương pháp kinh doanh ngày càng đổi cùng với sự phát triển của công nghệ , Thông tin truyền thông tạo nên những cách thức mới trong kinh doanh, tiếp thị, bán hàng….. khiến cho đời sống xã hội ngày càng thêm phong phú và mỗi con người ngày càng có thêm nhiều sự lựa chọn cùng những cơ hội mới.
1.Tiếp thị mới trên Internet
Internet là một trong những công cụ truyền thông miễn phí hoặc chỉ cần chi phí rất thấp. Gửi email giới thiệu công ty của mình tới các khách hàng tương lai là một cách thức hay được áp dụng bởi cách thức này không yêu cầu chi phí. Email cũng là phương tiện duy trì mối liên lạc của một số tổ chức, doanh nghiệp với khách hàng.
So với cách thức tiếp thị truyền thống là thuê nhân viên tiếp thị mang thông tin sản phẩm tới từng khách hàng thì sử dụng các phương tiện thông tin và truyền thông là cơ hội rộng lớn hơn rất nhiều để quảng bá hình ảnh của tổ chức, doanh nghiệp của mình.
Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng người nhận sẽ đọc mà không xoá ngay những email kiểu này trong hộp thư của họ. Vì vậy, đối với cách tiếp thị qua email, điều cần thiết là cách trình bày email như thế nào để gây được ấn tượng tốt đẹp với người nhận.
2. Phương pháp Bán hàng kiểu mới
Nhiều công ty bị hạn chế về vị trí cửa hàng, mặt bằng và diện tích trưng bày sản phẩm, nhưng nếu phát huy tốt việc giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin truyền thông thì vẫn đạt được doanh số bán hàng cao.
Bán hàng qua kênh truyền hình, qua điện thoại, qua Internet đang trở thành xu hướng kinh doanh phát đạt hiện nay. Cùng với xu hướng kinh doanh này, các hình thức thanh toán qua mạng đang phát triển, củng cố và hoàn thiện các yếu tố điều kiện và dần dần khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội, đặc biệt là hình thành những thói quen mới trong việc mua sắm, thanh toán chi phí tiêu dùng của các bạn trẻ, những thế hệ khách hàng mới đầy tiềm năng. Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển.
Nắm vững yêu cầu của thị trường và tạo nên hình ảnh tốt đẹp về doanh nghiệp (DN) và sản phẩm là yếu tố quyết định để thành công trong việc bán hàng hóa hay dịch vụ. Môt điều vô cùng quan trọng là lựa chọn những phương tiện thông tin và truyền thông thích hợp để góp phần tạo nên thành công.
3.Những cơ hội quảng bá mới
Thông tin truyền thông với các công nghệ mới đang tạo ra những cơ hội mới để các DN, tổ chức tiếp xúc với khách hàng, đồng thời cũng cần lắng nghe khách hàng nói về sản phẩm và DN của mình, tạo nên những cơ hội trao đổi, truyền đạt tạo lập ấn tượng với các hoạt động hướng về công chúng, nhằm tạo ra một hình ảnh đẹp, nổi bật và rộng khắp về bản thân tổ chức hoặc cá nhân với mong muốn thông qua những hình ảnh đó công chúng sẽ trở nên gần gũi và dành nhiều thiện cảm, quan tâm hơn tới họ.
Trong môi trường cạnh tranh, hầu hết các đối thủ đều muốn có được vị trí tin cậy đối với các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng để xây dựng và bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của mình nhằm nắm giữ số lượng lớn các khách hàng, đặc biệt là những khách hàng lớn, những người mua chính. Am hiểu các phương tiện truyền thông là cơ sở để tạo nên hình ảnh tốt đẹp và kinh doanh thành công.
Để sự đầu tư gặt hái lợi ích tối đa, phải chắc chắn rằng sự nỗ lực là phù hợp với họat động thực tiễn của phương tiện truyền thông đại chúng, tạo ra hình ảnh, tiếng vang, sự tín nhiệm và những ấn tượng tốt nhất để gặt hái thành công.
4.Vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông trong kinh doanh mới
Thông tin quảng bá sản phẩm là cơ hội để công chúng biết đến sản phẩm của bạn.
Trong thời đại thông tin hiện nay, các doanh nhân đều hiểu rằng truyền thông đóng một vai trò quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của sản phẩm, của DN, của tổ chức hay thậm chí là đối với sự thành công hay thất bại của cá nhân.
Một cách thức tốt để các DN, tổ chức giữ mối quan hệ lâu dài với các cơ quan thông tin truyền thông là họ cần có nhân viên phụ trách quan hệ công chúng (PR) hoặc ký hợp đồng với nhà đại diện.
Khái niệm về PR được hình thành vài năm gần đây, có thể gọi đây là một ngành nghề mới và gắn bó gần gũi với thông tin truyền thông. PR (Public Relations) là việc một cơ quan, tổ chức, DN …chủ động quản lý các quan hệ giao tiếp cộng đồng để tạo dựng và giữ gìn một hình ảnh tích cực của mình. Các hoạt động quan hệ công chúng bao gồm các việc quảng bá thành công, giảm nhẹ ảnh hưởng của các thất bại, công bố các thay đổi, và nhiều hoạt động khác. PR còn là một trong những công cụ hỗ trợ bán hàng hữu hiệu đối với tất cả các DN.
Những người làm công tác quan hệ công chúng cho các tổ chức, cơ quan, DN cần phải có kiến thức về thông tin và truyền thông để hoàn thành tốt được công việc của mình; đồng thời cần giữ mối quan hệ tin cậy và thân thiết với các cơ quan báo chí, các nhà biên tập, có kỹ năng khi tiếp xúc hay ứng xử với giới truyền thông và có những phương cách riêng để tạo dựng lòng tin cũng như xây dựng và gắn kết quan hệ.
Sau đây là một số nguyên tắc chung đã được đúc kết trong quan hệ với báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông:
– Sự trung thực và chính xác là hai điều quan trọng đầu tiên khi làm việc với giới báo chí. Bởi hơn ai hết họ là những người có đủ khả năng để kiểm chứng thông tin và hơn nữa uy tín cũng như hình ảnh công ty sẽ phụ thuộc vào điều này.
– Cần thận trọng cân nhắc trước mỗi phát ngôn đưa ra. Cần tránh sử dụng biệt ngữ hoặc những từ ngữ quá chuyên môn, thay vào đó hãy nói bằng ngôn ngữ thông thường dễ hiểu. Tuy nhiên không vì vậy mà tỏ ra dè dặt, thái độ cởi mở cùng khiếu hài hước sẽ gây được cảm tình và sự thoải mái.
– Cố gắng cung cấp những thông tin các báo cần ngay cả khi điều đó đòi hỏi phải bỏ thêm công sức hoặc phải đi giao tài liệu. Những điều này sẽ có lợi cho việc truyền đạt thông tin và hình ảnh DN ra bên ngoài thuận lợi hơn. Nếu chưa có câu trả lời ngay thì không nên nói mà hãy hẹn lại và phản hồi sớm nhất có thể.
– Hãy tìm cách thông báo ngay nếu thông tin nhận được có vẻ không chính xác, lịch sự chỉ ra những điều không đúng và chứng minh điều đó.
– Cần lưu giữ và cập nhật thường xuyên danh sách các công việc đã hoàn thành và những sự kiện mà công ty đã tham gia để bất cứ lúc nào cần đều có thể truy xuất kịp thời.
Cung cấp thông tin mới
Thông tin mới luôn luôn có sức hấp dẫn với người đọc, nghe, xem.
Làm thế nào để có được những thông tin mới là vấn đề thường trực đặt ra với các nhà báo, với các phương tiện thông tin truyền thông.
Những người làm công tác quan hệ công chúng thường khéo léo chủ động tạo chủ đề mới cho nhà báo khai thác. Họ không để không khí rơi vào khoảng lặng quá lâu, ngay cả trong trường hợp sản phẩm hay chủ đề không gây được chú ý cao đối với giới truyền thông là những người luôn thích sự nóng hổi và mới mẻ. Đối khi thông tin mới được khai thác từ một khía cạnh của chủ đề cũ, một sản phẩm mới muốn thu hút người tiêu dùng cần chứng tỏ được những tính năng mới có nhiều ưu điểm hơn sản phẩm cũ. Cách thức khai thác và thể hiện chủ đề như thế nào là rất quan trọng để thông tin cung cấp luôn được xem là mới mẻ và hấp dẫn.
Họp báo là loại sự kiện tuy dễ tổ chức về mặt hình thức (tổ chức, trang trí), nhưng lại rất quan trọng về mặt nội dung. Một cuộc họp báo thành công tạo nên hình ảnh tốt đẹp hơn về DN cũng như thu hút được quan tâm của giới truyền thông theo chiều hướng tích cực. Một số vần đề cần lưu ý khi họp báo và cung cấp thông tin
– Thông cáo báo chí cần được chuẩn bị kỹ càng với những thông tin đầy đủ.
– Điều quan trọng nhất là: các thông tin trả lời phải trung thực, rõ ràng và nhất quán.
– Cẩn trọng với những câu trả lời, nếu trả lời không gãy gọn và gây hiểu lầm sẽ dẫn đến thông tin lệch lạc, có khi còn ảnh hưởng đến hình ảnh công ty sau này.
– Người chịu trách nhiệm thuyết trình phải thật am hiểu về sản phẩm hay dịch vụ. Nếu gặp câu hỏi mà bạn không chắc có thể trả lời chính xác hãy chuyển câu hỏi này cho người nào đủ khả năng trả lời, hoặc ghi nhận lại và có phản hồi sớm nhất.
– Cần phân chia phần trả lời câu hỏi cho từng người phụ trách, ví dụ CEO nên nói nhiều về định hướng công ty và các quyết định mang tính chiến lược, còn Giám đốc sản phẩm sẽ thuyết trình chi tiết sản phẩm.
– Với những câu hỏi khó, câu trả lời không nên là “Chúng tôi không thể…” mà hãy hướng sang một câu trả lời khác, đại loại như “Chúng tôi ước tính…” hoặc “Cho đến bây giờ, chúng tôi chưa có con số chính xác, chúng tôi sẽ cung cấp ngay khi có thể…” hoặc đưa ra con số tương đối mà không ảnh hưởng đến bí mật thông tin của công ty. Bố trí phiên dịch viên trong trường hợp người trả lời của DN là người nước ngoài. Hãy giữ không khí thoải mái như một cuộc trò chuyện
5.Và sự khác biệt trong kinh doanh kiểu mới
Các phương tiện thông tin đại chúng bản thân nó đã có sự khác biệt. Đó là sự khác biệt về số lượng độc giả, tính chất độc giả và các vấn đề liên quan đến công việc biên tập. Các loại báo chí có các đối tượng người đọc khác nhau, vì vậy cách biên tập cũng sẽ có khác biệt lớn.
Ví dụ, một số ấn phẩm xuất bản tập trung vào cách đưa những câu chuyện, bài viết, phỏng vấn, hoặc nhận xét của chuyên gia lên trang bìa để gây ấn tượng người xem. Một số báo chí khác lại chú trọng đến nhận xét của các chuyên gia, xuất bản phẩm khác nữa lại chọn các bài tường thuật sự kiện…
Để đạt được hiệu quả nhanh nhất và tốt nhất, điều quan trọng là bài báo giới thiệu sản phẩm hay giới thiệu DN cần được biên tập dựa trên mục đích cụ thể và phù hợp với thể loại báo chí dự định sẽ đăng tải. Ví dụ, một số tạp chí về kinh tế thường sử dụng nhiều bài báo về nhận xét của các chuyên gia, nhưng không chú trọng đến những bài tình huống. Tuy nhiên, báo khác lại ưa thích cách viết tình huống đã qua trải nghiệm như là những ví dụ minh hoạ dễ hiểu và dễ nhớ. Biết được sự khác biệt đó sẽ có lợi rất nhiều trong việc lựa chọn chủ đề và cách trình bày nội dung trong bài viết.
Việc lựa chọn loại tài liệu nào để xuất bản là rất quan trọng. Sự thành công được quyết định bởi khả năng sử dụng kỹ thuật viết báo. Một yếu tố khác cũng rất quan trọng là xuất bản chủ đề nào có thể gây hứng thú cho người đọc. Yếu tố chung nhất và quan trọng nhất để thành công là phải tìm được chủ đề hấp dẫn người đọc.
Kỷ nguyên bùng nổ Internet và các phương tiện thông tin trực tuyến đang tạo ra những cơ hội mới, những cách thức mới và cũng đòi hỏi những nỗ lực mới.

Tiền điện tăng cao do sản lượng điện tiêu thụ nhiều

Nắng nóng gay gắt kéo dài, mức sử dụng điện nhiều hơn. Với cách tính giá điện bậc thang như hiện nay, tiền điện của người dân đã tăng cao trong thời gian vừa qua.
Trước việc người dân phản ánh tiền điện phải trả trong tháng 5 và 6-2020 tăng cao, bà Đỗ Thị Kiều Trang, Phòng Giá và phí, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện tiêu thụ nhiều hơn.
Thống kê của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho thấy, lượng khách hàng có sản lượng điện sử dụng tăng từ 30% chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt, lượng khách hàng sử dụng điện từ trên 500kWh đến trên 1.000kWh tăng mạnh. Thậm chí, khách hàng sử dụng trên 1.000kWh tăng từ 1,06% của tháng 5-2020 lên 4,7% tính đến ngày 22-6.

Với mức sử dụng điện tăng cao, khi tính tiền điện, khách hàng phải trả ở những bậc thang cao nhất (bậc thang càng cao, số tiền phải trả càng lớn), dẫn đến tổng thể hóa đơn tiền điện cao hơn nhiều so với những tháng trước.

Khảo sát tại Công ty Điện lực Thanh Xuân (Hà Nội) cho thấy, theo quy định, trước khi in hóa đơn cho khách hàng, những công tơ có sản lượng điện tiêu thụ tăng 30% trở lên đều phải phúc tra. Và nếu như trong tháng 4 và tháng 5-2020, công ty chỉ phúc tra gần 3.000 công tơ điện mỗi tháng thì đến tháng 6-2020, số công tơ phải phúc tra tăng đến hơn 63.600 chiếc.

Theo bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh EVNHANOI, tất cả công tơ đều được kiểm định, dán tem, kẹp chì. Trường hợp khách hàng có thắc mắc về độ chính xác, công tơ sẽ được mang đi kiểm định tại đơn vị được cấp phép theo quy định.
Về ý kiến lo ngại việc dịch chuyển ngày ghi chỉ số công tơ có thể ảnh hưởng đến tiền điện, bà Đỗ Thị Kiều Trang giải thích, theo quy định, việc ghi chỉ số công tơ điện thực hiện mỗi tháng 1 lần và cho phép dịch chuyển ngày ghi trước và sau 1 ngày. Do đó, nguyên nhân dịch chuyển ngày ghi chỉ số công tơ không ảnh hưởng lớn đến việc tính tiền điện.
Tại trang web chăm sóc khách hàng của EVNHANOI, người dân có thể tự tra cứu thông tin cũng như ngày giờ ghi chỉ số công tơ của gia đình mình, trong đó có bản chụp thời gian cụ thể ghi chỉ số công tơ hằng tháng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc gia tăng sản lượng điện sử dụng, dẫn tới tiền điện phải trả tính theo bậc thang cao nhất là nguyên nhân dẫn tới hóa đơn tiền điện tăng cao. Điện năng không phải là loại hàng hóa khuyến khích sử dụng nhiều, vì vậy, càng sử dụng nhiều, số tiền phải trả càng cao.
Theo bà Đỗ Thị Kiều Trang, xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao thì độ rộng của bậc thang tính giá điện và khoảng cách chênh lệch về giá giữa các bậc cũng là bài toán mà hiện nay Bộ Công Thương đang nghiên cứu để sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Năm 2019, EVN đã thuê tư vấn để nghiên cứu đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nói chung và cải tiến cơ cấu trên mặt bậc thang nói riêng. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và người sử dụng điện.
Bậc thang tính tiền điện

Ví dụ: Một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4-2020 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Nếu sang tháng 5-2020, gia đình này tiêu thụ điện tăng 20%, nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh, số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.
Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng - tiền điện tăng 68,69% so với tháng 4-2020. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng - tăng 138,87% so với tháng 4-2020.

Hóa đơn tiền điện tăng sốc, EVN nói do thời tiết!

Trước những phản ảnh của người dân về việc tiền điện tăng đột biến, ngành điện vẫn chỉ giải thích là do thời tiết. Trong khi đó, biểu giá bán lẻ điện bậc thang vốn được nhìn nhận là có nhiều bất cập nhưng vẫn chậm được sửa đổi.

Hóa đơn tiền điện tăng sốc, EVN nói do thời tiết! - Ảnh 1.
Công nhân Công ty Điện lực Gò Vấp ghi điện tại một nhà dân trên đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhiều hộ sử dụng điện liên tục phản ảnh tình trạng tiền điện tăng đột biến mà "không hiểu lý do vì sao". Anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết từ ngày 15-4 đến 14-5, gia đình anh sử dụng 623 kWh với tổng số tiền thanh toán 1,6 triệu đồng. Thế nhưng từ ngày 15-5 đến 14-6, lượng tiêu thụ điện của gia đình anh đột ngột tăng lên tới 1.111 kWh, tổng số tiền thanh toán là 3,2 triệu đồng.
Đóng cửa hàng 20 ngày, tiền điện vẫn tăng!
Anh Nam (Thanh Hóa) đang kinh doanh hàng ăn cho biết liên tiếp nhận bất ngờ khi cầm hóa đơn tiền điện. Trong tháng 4 khi thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 15-4, anh Nam phải đóng cửa hàng ăn uống tới 20 ngày, dừng hết hoạt động. Thế nhưng khi kiểm tra hóa đơn, số tiền điện anh phải thanh toán của tháng (được tính vào tháng 5) cũng tương đương với tháng trước.
Cụ thể, lượng điện tiêu thụ trong tháng 5 của hai côngtơ là 567 kWh và 456 kWh với tổng số tiền điện phải thanh toán lên tới 2,8 triệu đồng. Đây là số không có nhiều chênh lệch so với tháng trước là 555 kWh và 379 kWh, với tổng số tiền phải thanh toán là hơn 2,7 triệu đồng. 
"Tôi băn khoăn là nghỉ tới 20 ngày mà tiền điện vẫn không thay đổi, trong khi các thiết bị tiêu tốn điện như tủ lạnh, điều hòa, tủ mát... đều không sử dụng" - anh Nam nói và nêu thêm bất ngờ là vừa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng gấp đôi so với tháng 5.
Trước những bức xúc của người dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài. "Đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao. Đó là chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao nên tiền điện tăng" - EVN giải thích.
Không đồng tình với EVN
Phần lớn người dân không đồng tình với phản hồi, giải thích của EVN. Anh Tuấn cho rằng nếu so sánh với cùng kỳ thời gian năm trước (cũng là lúc nắng nóng kỷ lục), gia đình anh sử dụng hết 567 kWh điện với tổng số tiền thanh toán 1,8 triệu đồng. Trong khi năm nay số tiền phải thanh toán tăng gấp đôi. Đó là chưa kể việc gia đình anh Tuấn cũng được giảm tiền điện và con anh vẫn đi học hằng ngày ở trường do dịch COVID-19. 
"Chúng tôi có 2 côngtơ điện, trong đó 1 côngtơ chỉ dùng cho điều hòa, thời gian này chỉ bật buổi tối, chưa bao giờ lên tới 1.000 số. Do đó tôi rất thắc mắc không hiểu vì lý do gì mà tiền điện tăng cao như vậy" - anh Tuấn bức xúc.
Một chuyên gia trong ngành điện cho hay việc khách hàng bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng sốc có nguyên nhân từ việc ngành điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Đó là cách tính không còn phù hợp. Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh).
"Do đó nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh. Chính bởi điều này mà hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho việc sửa biểu giá tính tiền điện" - vị chuyên gia giải thích.
Cùng chung ý kiến, GS Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng cần phải sửa ngay biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Bởi biểu giá này đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Ông dẫn chứng: hiện EVN đang áp dụng biểu giá 6 bậc, trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, thì sự khác biệt không có nhiều. Số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không lớn. 
Ngoài ra việc EVN áp dụng biểu giá bán lẻ điện đến 6 bậc thang là rất phức tạp. Chưa kể, mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Bùi Xuân Hồi - Đại học Bách Khoa, người thực hiện việc xây dựng đề án sửa biểu giá điện - cho hay cần phải sửa biểu giá điện ngay vì nó bộc lộ rõ nhiều bất cập. Theo ông Hồi, các bậc sử dụng điện liên tục thay đổi theo nhu cầu và quy mô của người tiêu dùng, nên trong xây dựng chính sách giá điện thì việc hoàn thiện cơ cấu biểu giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng là trách nhiệm người ban hành giá.
"Đề án sửa biểu giá điện đã được công bố từ tháng 10-2019. Thế nhưng mãi sau đó Bộ Công thương mới xây dựng, trình Chính phủ và lại tiếp tục xin hoãn vì dịch COVID-19. Tôi cho rằng việc sửa đổi biểu giá điện cần phải thực hiện sớm hơn và phù hợp hơn" - ông Hồi nói.
3,1 triệu khách hàng có mức dùng điện tăng 30%
Theo EVN, có tới hơn hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4-2020.
Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Tiền điện tăng đột biến, vì sao?

Tháng 6 vừa qua,nhiều gia đình phải trả gấp đôi, thậm chí gấp ba, bốn lần tiền điện sinh hoạt so với tháng trước. Nhiều chuyên gia cho rằng, do nắng nóng, người dân dùng điện tăng và biểu giá điện bậc thang lỗi thời khiến giá điện tăng cao.
Chị Liên Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tiền điện tháng 6 nhà chị tăng gấp 4 lần so với tháng trước. Cụ thể, tháng 5 là 1.060.000 đồng (359kw/h) nhưng tháng 6 hóa đơn ghi 4.162.000 đồng (1.314kw/h).
Tiền điện tăng đột biến, vì sao? - ảnh 1
Căn phòng thuộc “hạng sang” trong khu trọ ngốn 600-700 nghìn tiền điện/tháng  Ảnh: Việt Linh
Chị Liên nói: “Gia đình tôi 4 người nhưng đi làm và học cả ngày, chỉ sinh hoạt vào buổi tối. Các thiết bị điện trong nhà gồm 2 điều hòa, ti vi, tủ lạnh, bếp từ và không gia tăng thiết bị điện nào trong nhiều tháng nay. Dù có lý giải rằng do tháng này nắng nóng hơn tháng trước nên lượng điện tiêu thụ tăng nhưng tôi vẫn không thể tin là gia đình tôi tăng gấp 4 lần so với bình thường”.
Chị Liên cho biết thêm: “Chưa bao giờ tiền điện nhà tôi lại tăng đột biến như thế vào tháng hè. Hè năm ngoái, tiền điện cao nhất gia đình trả hơn 2 triệu. Tôi không thể hiểu nổi cách tính giá điện như hiện nay”.
Chị Nguyễn Thanh (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc khi tiền điện gia đình tháng 6 cũng tăng gấp 3 lần so với tháng trước, từ hơn 1 triệu đồng lên hơn 3 triệu đồng. “Căn nhà tôi có 3 tầng, mỗi tầng một điều hòa và chỉ sử dụng vào buổi tối khi gia đình đi làm về, điều hòa luôn bật ở chế độ 28 độ C. Thậm chí, gia đình còn dùng thiết bị thông minh nên không có chuyện quên tắt các thiết bị điện khiến giá điện tăng cao đột biến”, chị Thanh nói.
Giá điện bậc thang: lỗi thời
Hiện nay giá điện được tính theo 6 bậc. Bậc 1 (từ 50kWh trở xuống) có mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, còn bậc 6 (từ 401kWh trở lên) là bậc cao nhất có mức giá 2.927 đồng. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, điểm bất hợp lý của giá điện hiện nay nằm ở cách chia bậc thang. EVN cho rằng, chia nhỏ bậc thang để phù hợp với đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, cách tính công suất tiêu thụ điện của hộ nghèo hiện nay đã khác trước rất nhiều. Mức bậc thang dưới 50 kwh và dưới 100 kwh không còn phù hợp. “Người nghèo nhất hiện nay cũng đã có các thiết bị tối thiểu phục vụ cho gia đình như nồi cơm điện, tủ lạnh, bếp điện. Người dân nghèo đã có khả năng sắm các thiết bị thiết yếu này, chứ không chỉ cần dùng điện để chiếu sáng và quạt mát”, ông Thịnh nói.
“Về phương diện kinh tế mà nói, giá điện mức bậc thang  cực kỳ bất hợp lý và chỉ làm lợi cho EVN. Trong 6 mức giá hiện nay chỉ có 2 mức ở dưới trung bình. Trong khi đó, tiêu thụ 300-400 kWh ở các hộ gia đình hiện nay là bình thường, nhưng ở mức đó giá điện rất cao”, ông Thịnh nói.
PGS.TS Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh (ÐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ thì tiêu thụ điện tăng từ 2 - 3% tùy từng loại điều hòa sử dụng. Nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Thời tiết càng nóng, càng dùng nhiều điều hòa thì tiền điện càng cao. Bên cạnh đó, nhiệt độ ngoài trời tăng, đương nhiên sử dụng thiết bị điện quạt máy, điều hòa, tăng. Ðây là những thiết bị chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Theo nghiên cứu, tiêu thụ điện của điều hòa chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Từ tháng 4, cả nước bước vào mùa khô, nắng nóng nên lượng tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao. 

Tỏi cô đơn Việt giá cao gấp 10 lần hàng Trung Quốc, Myanmar

Tỏi cô đơn Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có giá cao gấp 4, thậm chí hơn 10 lần tỏi cô đơn nhập khẩu

Tỏi cô đơn Lý Sơn bán tại một hội chợ nông sản ở TP HCM. Tỏi có đặc điểm màu trắng sáng, chắc mẩy, kích cỡ từ ngón tay út đến ngón tay cái, hình bầu dục. 

Ngay từ đầu tháng 6, các cửa hàng chuyên bán đặc sản vùng miền tại TP HCM đã bắt đầu rao bán tỏi Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vụ 2018. Ngay đầu mùa, tỏi cô đơn Lý Sơn đã được treo giá cao ngất ngưởng từ 1 – 1,4 triệu đồng/kg (giá bán lẻ). Cụ thể, cửa hàng Đặc Sản Ngon (đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12) rao giá 1,3 triệu đồng/kg loại 1 kèm cam kết 100% xuất xứ từ Lý Sơn, nếu khách hàng phát hiện củ nào không đúng tỏi Lý Sơn, công ty sẽ tặng và bồi thường 100 lần giá trị sản phẩm.

Chủ một đại lý phân phối tỏi Lý Sơn tại TP HCM cho biết những năm gần đây, giá tỏi cô đơn Lý Sơn ngày càng tăng do nguồn cung hạn chế. Tỏi cô đơn còn gọi là tỏi 1 tép, tỏi 1, tỏi đơn do quá trình sinh trưởng không đẻ ra nhiều nhánh như thông thường. Ở phương thức canh tác truyền thống, tỉ lệ tỏi cô đơn dưới 5% nên sản lượng rất thấp. Do hiếm nên nhiều người chọn tỏi Lý Sơn để làm quà biếu đẩy giá sản phẩm lên cao. Nếu so với tỏi Lý Sơn bình thường, loại nhiều tép, giá tỏi cô đơn cao gấp 10 lần.
Trước nhu cầu của thị trường, những năm gần đây xuất hiện các loại tỏi cô đơn nhập khẩu với giá rẻ hơn rất nhiều. Đáng chú ý là tỏi cô đơn Myanmar, với người không sành có thể bị nhầm lẫn với tỏi Lý Sơn do kích cỡ tương tự. Tỏi cô đơn Myanmar có giá bán lẻ từ 300.000 – 600.000 đồng/kg, tùy chất lượng và tỉ lệ lẫn tỏi 2 tép. Theo nhân viên cửa hàng chuyên nông sản nhập khẩu trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP HCM) thì dòng sản phẩm này bán khá chạy nhờ chất lượng gần bằng sản phẩm cùng loại của Việt Nam nhưng giá lại rẻ hơn nhiều. 

Giá tỏi cô đơn rẻ nhất là loại nhập từ Trung Quốc. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM) hay chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP HCM), người mua sỉ đều biết xuất xứ hàng hóa do còn bao bì gốc, trong khi ở các chợ lẻ, tiểu thương thường gọi là "tỏi bắc". Loại tỏi này có giá lẻ chỉ 90.000 đồng/kg (gấp 1,5 lần giá tỏi Trung Quốc nhiều tép) và bán khá chạy do lột vỏ dễ hơn các loại tỏi nhiều tép.

Theo ông Trần Văn Son, chủ một cơ sở sản xuất tỏi đen ở quận Thủ Đức có sử dụng tỏi cô đơn Trung Quốc để làm nguyên liệu, thì nước này có giống tỏi cô đơn nên sản xuất đại trà, từ đó có giá thành rẻ.

Chủ một dự án khởi nghiệp về tỏi đen cho biết đã tìm hiểu nhiều năm về các vùng tỏi nguyên liệu Việt Nam nhận thấy nếu canh tác theo phương thức truyền thống thì nguồn cung tỏi cô đơn rất hạn hẹp. Ngoài tỏi cô đơn Lý Sơn đã nổi tiếng, Việt Nam còn có tỏi cô đơn từ Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận), Phù Yên (Vĩnh Phúc),… Trong đó, tỏi cô đơn Phan Rang, Phan Thiết được giới chuyên môn đánh giá cao về dược tính nhưng người tiêu dùng ít biết đến nên giá chỉ bằng 2/3 tỏi cô đơn Lý Sơn.

"Nguồn cung quá khan hiếm là yếu tố khiến tỏi cô đơn Lý Sơn có giá cao ngất. Hiện nay đã có một số nghiên cứu và ứng dụng sản xuất đại trà tỏi cô đơn ngay tại Lý Sơn. Với công nghệ mới, tỉ lệ thu hoạch tỏi cô đơn đạt đến 95%, cho ra sản lượng lớn thì giá tỏi cô đơn sẽ hạ xuống khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg, sẽ có nhiều người tiêu dùng có khả năng mua tỏi cô đơn Lý Sơn để dùng" – ông này cho hay.

Muối lạc làm từ nông sản Bắc Giang

Muối lạc Hapi được làm theo phương pháp thủ công từ muối hầm và củ lạc Bắc Giang.

Củ lạc có chứa vitamin E và vitamin B, B6 giúp bảo vệ tim mạch, tăng cường trí nhớ, giảm các nguy cơ bệnh về xương khớp và tái tạo làn da. 

Thành phần chính trong muối lạc Hapi là: muối hầm, lạc đỏ Bắc Giang, vừng trắng. Lạc, vừng được chế biến từ nguồn nguyên liệu canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu nên hạt lạc tròn, mẩy, thơm ngọt tự nhiên.
Muối lạc Hapi thơm ngon như món ăn mẹ làm.

Muối lạc Hapi được làm theo phương pháp thủ công để giữ nguyên vẹn hương vị truyền thống. Lạc, vừng chỉ rang chín tới, dậy mùi thơm để lúc giã nhỏ không có bị ra dầu, khi ăn không có mùi hôi hay nhanh ỉu.
Muối lạc có hạn sử dụng là 40 ngày kể từ ngày sản xuất.

Sản phẩm muối lạc chế biến từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng phụ gia và chất bảo quản. Muối lạc có màu vàng tươi, sánh mịn, béo ngậy và thơm. Sản phẩm có thể chế biến và ăn kèm với nhiều món ăn hấp dẫn: cơm, xôi, nộm,...

Các bà nội trợ nên đóng chặt nắp lọ muối lạc, tránh không khí vào bên trong, bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm thấp, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời để giữ nguyên vẹn chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm.

Mướp đắng nhồi thịt hấp

Vị đắng của mướp hài hòa cùng vị ngọt, thơm béo ngậy của thịt cho bữa ăn thêm đa dạng hương vị.

Mướp đắng (khổ qua) là loại quả giàu vitamin C và nhiều khoáng chất như protein, lipit, cacbon hydrat, canxi, kali, magie, sắt. Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, hỗ trợ điều trị các bệnh lý như đái tháo đường, viêm gan...

Mướp ban đầu có hơi đắng, sau vị ngọt hậu.
Nguyên liệu

- Mướp đắng
- Thịt nạc vai
- Hành hoa, hành củ, rau mùi
- Mộc nhĩ, nấm hương
- Dầu ăn, nước mắm, muối, tiêu

Sơ chế

- Mướp đắng chọn quả xanh, thẳng, cắt khúc khoảng 3 cm, khoét hết rột bên trong. Ngâm nước muối loãng 5 - 10 phút để giảm độ đắng.
- Mộc nhĩ, nấm hương, ngâm vào nước ấm, cắt chân, rửa sạch để ráo băm nhỏ.
- Hành củ bóc vỏ, rửa sạch băm nhỏ
- Hành hoa, rau mùi cắt bỏ gốc, lá úa, rửa sạch, cắt khúc nhỏ.
- Thịt nạc vai rửa sạch, để ráo, xay nhỏ, thêm muối, tiêu, mắm, nấm hương, mộc nhĩ, hành củ băm nhỏ đảo đều, ướp 15 - 20 phút.

Bát canh mướp đắng nhồi thịt giúp giải nhiệt cơ thể sau ngày Tết.

Chế biến

Bước 1: Lấy hỗn hợp thịt nhồi vào miếng mướp đắng.

Bước 2: Đặt lồng hấp lên bếp đun cho sôi nước. Cho mướp đắng đã nhồi vào hấp khoảng 10 phút, thêm hành, mùi để khoảng 3 giây là được.

Vị đắng của mướp đắng kết hợp với vị thơm, béo ngậy của thịt hòa quyện hấp dẫn.

Người đàn ông nặng nợ với voi

Bốn lần rời nhà để tránh đàn voi rừng về phá, nhưng ông Nguyễn Văn Bình không tức giận mà nỗ lực bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Căn nhà cấp bốn của ông Bình nằm dưới chân núi Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn, thôn Phước Hội, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn. Chủ nhà 67 tuổi cho biết, gần 40 năm qua ông bị voi rừng phá hỏng nhiều tài sản, nhà cửa nhưng không thù oán chúng.

Ông Nguyễn Văn Bình cùng chiếc máy ảnh được Khu bảo tồn voi cung cấp. Ảnh: Đắc Thành.

Đầu năm 1980, sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Bình vào khu vực Sầm Nưa, giữa cánh rừng tự nhiên sinh sống. Bốn năm sau, hai người bỏ công sức gây dựng được nương rẫy trồng lúa, sắn, cây trái mưu sinh. Hoa màu bắt đầu cho thu hoạch thì đàn voi hơn 10 con kéo về quậy phá, giẫm đạp.

Trong một đêm, voi đến ăn và phá hỏng nương rẫy. Bao công sức gây dựng bỗng chốc tan tành, ông Bình tức giận, nhưng cố kìm nén bởi biết voi là động vật quý hiếm, là tài sản của nhà nước nên không được gây hại đến chúng.

Năm 1984, vợ chồng ông Bình rời nhà ra khu vực Hồn Nứa, cách chỗ cũ 10 km. Được vài tháng, đàn voi rừng tiếp tục kéo đến. Hôm đó, phát hiện đàn voi về trong đêm, vợ chồng ông ôm đồ bỏ chạy. Đàn voi quật ngã căn nhà nhỏ vừa dựng lên và giẫm đạp xoong nồi.

Ông Bình cùng vợ tiếp tục dọn về khu vực Cán Dù - đây là bìa rừng, với hy vọng không xâm phạm nơi sinh sống của voi thì chúng không quấy phá. Thế nhưng ở được vài năm, voi rừng tiếp tục kéo về uy hiếp khiến ông Bình một lần nữa phải dọn nhà đi khu vực đông dân cư sinh sống.

"Lúc ở Cán Dù, voi về nhiều lần. Nhưng tôi nhớ nhất có lần ra rút rơm cho bò ăn, tôi rút bên này thì phát hiện bên kia cây rơm cũng có ai đó rút. Tôi trườn người qua xem thì thấy con voi dùng chiếc vòi rút rơm ăn. Hốt hoảng, tôi chạy vào nhà gọi chồng rời nhà ra khu vực Cấm La ở", bà Trần Thị Mẫn, vợ ông Bình kể.

Tưởng về khu vực Cấm La dân cư đông hơn, voi sẽ không tìm đến quậy phá. Thế nhưng cứ đều đặn mỗi tháng một lần, đàn voi kéo về uy hiếp, hôm về phá rẫy, hôm phá rừng gỗ keo trồng của mấy người dân. Hôm thì voi phá bể ống dẫn nước nên nhiều diện tích lúa của gia đình ông Bình bỏ hoang, không có nước sản xuất.

"Không biết tôi gây thù oán gì với đàn voi hay không, nhưng suốt 40 năm qua ở đâu cũng bị chúng về quậy phá. Từ Sầm Nưa, Hồn Nứa, Cán Dù rồi ra tận Cấm La cũng bị nó tìm đến", ông Bình nói và cho hay gần đây nhất cuối năm 2018, đàn voi về khu vực rẫy gần nhà giẫm đạp, quật ngã hơn 100 gốc chuối, nương ngô, hơn 1.000 m ống nước.

Hai đường ống nước kéo song song từ trong núi về, nhưng đường ống của ông Bình thì bị voi giẫm đạp, quật gãy hết. Đường ống nước của người dân trong làng nằm sát bên không bị phá. Mỗi lần voi đến, nương rẫy của ông Bình chẳng khác bãi chiến trường. Thứ chúng ăn, thứ chúng quật ngã.
Một con voi được ông Bình ghi lại khi về gần làng tìm kiếm thức ăn. Ảnh: Nguyễn Văn Bình.

Vợ chồng Bình đều cho rằng của cải làm ra bị voi phá rất xót xa, nhưng đành chấp nhận, có tức giận cũng không làm được gì. Họ luôn ý thức làm sao tránh động tổn hại đến đàn voi.

Do "nặng nợ" với đàn voi, ông Bình được Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn cấp cho một cái kẻng và máy ảnh kỹ thuật số để mỗi khi gặp chụp lại, đánh kẻng thông báo cho dân làng. Cuối năm 2018, ông đang làm việc sau nhà thì nghe tiếng voi rống ở bìa rừng. 7 con voi đang giẫm đạp, quật bể ống nước, bụi chuối ông trồng ven bờ suối. Ông đã dùng máy ảnh chụp được một số hình ảnh để phục vụ công tác bảo tồn.

Điều khiến ông Bình lo lắng là những năm trước khu vực Nà Lau có nhiều người đào vàng trái phép - nơi đây voi hay đến. Họ để lại những hố sâu hàng chục mét, gây mất an toàn cho voi. "Hiện các hố cỏ đã mọc, nếu voi vô tình đi tìm thức ăn bị rơi xuống thì không thể lên được", ông nói.

Ông Lương Quang Minh, Trưởng thôn Phước Hội, cho biết người dân làng Cấm La nhiều năm qua không còn xa lạ với đàn voi. Chúng ra tận bìa rừng để tìm thức ăn, tắm mát, vào rẫy của dân ăn hoa màu, cây cối. Từ ngày khu bảo tồn thành lập, cảm giác sợ sệt đã qua, voi và người đã thân thiện.

"Có đợt tôi chạy xe máy vào rừng thấy đàn voi đang ở bờ suối. Con đang tắm, con đứng trên bờ cảnh giới và thấy người không tấn công. Sau khi tắm mát, đùa giỡn với nhau thì chúng trở lại rừng", ông Minh kể.

Mỗi phát hiện voi về làng, ông Bình đánh kẻng để thông báo cho mọi người tránh. Ảnh: Đắc Thành.

Ngoài việc bảo vệ của khu bảo tồn, người dân xã Quế Lâm là lực lượng chủ chốt bảo vệ đàn voi. Mỗi khi bắt gặp người lạ vào khu vực rừng nơi voi sinh sống, họ đều báo ngay cho lực lượng chức năng ngăn chặn.
Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn Mai Văn Dưỡng đánh giá ông Bình gắn bó lâu năm với núi rừng nên am hiểu tường tận từng khu vực có đàn voi sinh sống, rất tâm huyết bảo vệ đàn voi. 
Mỗi khi có các đoàn khoa học về khảo sát, Ban quản lý đều nhờ ông dẫn đường vào khu vực voi ở. "Từ khi Khu bảo tồn voi được thành lập đến nay, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, phát triển đàn voi ở địa phương", ông Dưỡng nói.

Năm 2015, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn Quảng Nam nằm trong vùng dự án "khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam". Đoàn chuyên gia được cử đến phối hợp với kiểm lâm địa phương khảo sát voi trên địa bàn, ghi nhận ở Quế Lâm, huyện Nông Sơn có từ 6 đến 7 con.
Đây là những con voi châu Á được xếp vào loại Endangered - nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới IUCN, loại Critically Endangered - cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IB - loài nguy cấp quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt theo Nghị định 32.
Tháng 6/2017, UBND tỉnh Quảng Nam thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn với tổng diện tích gần 19.000 ha trên địa phận hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn. Từ tháng 7/2017 đến nay, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó tập trung vào các giải pháp giúp bảo vệ đàn voi.
Tháng 3/2020, thông qua điều tra đa dạng sinh học, cơ quan chức năng ghi nhận một cá thể con non một tuổi, nâng tổng đàn lên 8 con.

Mua sắm hàng ngoại qua mạng sao cho an toàn?

Người dùng nên tham khảo giá nhiều nguồn bán, chọn sàn giao dịch uy tín, tham khảo ý kiến người dùng thực tế và cân nhắc chính sách bảo hành.

Cuối năm là thời điểm thị trường mua sắm trở nên khá nhộn nhịp, không chỉ bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, mà còn đến từ những mùa ưu đãi lớn. Hai dịp lễ Giáng sinh và thứ Sáu đen tối (Black Friday) chính là lúc để người ưa thích mua sắm "thu hoạch" những món đồ yêu thích với mức giảm giá sâu, tốt nhất năm.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, ở những thị trường mua sắm hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật hay châu Âu, những chương trình giảm giá có phần hấp dẫn hơn so với Việt Nam. Ngày càng có nhiều người Việt chọn săn hàng trực tuyến từ nước ngoài trong các dịp lễ này, hơn là mua sắm tại Việt Nam.

"Những đất nước phương Tây này chính là nơi sản sinh và phát triển ra các ngày hội mua sắm. Đây là những dịp lễ được người dân các nước đó săn đón, chờ đợi để tậu về nhà càng nhiều sản phẩm càng tốt. Do đó lượng hàng, mức giảm tại các nước này đều có phần vượt trội so với các nhà bán lẻ trong nước, nhiều món hàng độc đáo", vị này chia sẻ.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn săn hàng ngoại nhập dịp cuối năm an toàn, tiện lợi và tránh khỏi những rủi ro về hàng nhái, giả và kém chất lượng.

Tham khảo giá nhiều nguồn

Hãy tìm hiểu kỹ và lựa chọn nhiều nguồn bán hàng nhất có thể, sau đó so sánh giá. Hàng ngoại nhập không được phân phối chính hãng trong nước, nên mức giá bán từ đó cũng được các "thương lái" bổ sung thêm lợi nhuận cho chi phí mua hàng, vận chuyển, bảo hành. Đối với những nhà phân phối nhỏ lẻ, nguồn hàng và lượng giao dịch tương đối thấp, họ sẵn sàng đội mức giá lên khá để tối ưu lợi nhuận. Nếu không tinh ý, bạn dễ dàng mua phải sản phẩm giảm giá nhưng thực chất lại không rẻ hơn bao nhiêu.

Bên cạnh đó, người mua cũng nên cẩn thận trước mức giá rẻ hơn quá nhiều so với mặt bằng chung hoặc mức ưu đãi sâu.

Chị Thu An (quận 7, TP HCM) thường xuyên săn mỹ phẩm trang điểm ngoại nhập cho biết, chị sẽ so sánh giá của nguồn bán hàng với các website thương mại điện tử lớn tại đất nước đó, như Amazon, Best Buy. “Mức giá nếu quá rẻ, mình sẽ lập tức đặt dấu hỏi cho nhà bán hàng chứ không vội vàng đưa ra quyết định”, chị Thu An chia sẻ.

Chọn sàn giao dịch uy tín

Khi mua hàng ngoại, bạn cần yêu cầu các đơn vị bán hàng trung gian cung cấp rõ địa chỉ làm việc, văn phòng giao dịch. Nếu chuyển khoản trước tiền cho món hàng, bạn cũng cần đòi hỏi các hoá đơn hợp lệ chứng thực giao dịch. Ngoài ra còn cần tìm hiểu kỹ các đặc điểm của hàng thật và yêu cầu người bán hàng xác nhận, tránh rủi ro việc trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nếu không có nhiều kinh nghiệm, người tiêu dùng còn có thêm lựa chọn mua hàng ngoại từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Các sàn là cầu nối đưa người dùng tiếp cận các sản phẩm phân phối trực tuyến tại Mỹ, Nhật... theo hình thức thương mại trực tuyến.

Đơn cử, Fado.vn là một trong những sàn thương mại điện tử xuyên biên giới dành cho người Việt, ra mắt từ 2014 và sở hữu 4 tỷ sản phẩm với mức giá tăng giảm đồng thời với thị trường bán ra.

Trang chủ sàn thương mại điện tử www.fado.vn.

Trải nghiệm mua sắm tại Fado.vn tương tự các ứng dựng thương mại điện tử khác tại Việt Nam. Ở mỗi sản phẩm, toàn bộ thông tin về mức giá, hình thức thanh toán, thời gian vận chuyển đều được thể hiện rõ ràng. Ngoài ra, hệ thống mua sắm thông minh của Fado còn có tính năng "Thông báo khi giảm giá" giúp khách hàng có thể mua sản phẩm với mức giá mong muốn.

"Với tính năng này, khi giá sản phẩm giảm vào khung giá khách hàng lựa chọn, hệ thống sẽ tự động gởi email thông báo cho khách hàng để quay lại mua sắm ngay", đại diện Fado.vn cho biết.

Mức giá hiển thị bao gồm toàn bộ chi phí và thời gian dự kiến giao hàng.

Người mua hàng sẽ không phải mất thời gian tìm kiếm món hàng, gửi yêu cầu và chờ đợi người mua hộ ra mức giá. Giao diện website được thiết kế trực quan, tương tự các ứng dụng mua sắm khác, các chương trình ưu đãi tốt nhất theo Giáng sinh, Black Friday đều được Fado.vn thể hiện tại trang chủ. Nếu muốn mua một món hàng cụ thể, bạn chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm.

Đọc kỹ phản hồi của người dùng nước ngoài

Khi mua sắm hàng ngoại, bạn có thể tìm hiểu rõ chất lượng thông qua các phản hồi từ người dùng. Các nguồn tham khảo chủ yếu có thể thông qua các video đáng giá trên Youtube, các trang web đánh giá sản phẩm chuyên nghiệp. Công nghệ có Cnet, TrustedReviews; mỹ phẩm có Makup Alley hoặc Total Beauty.

Với số lượng người dùng lên đến 310 triệu, theo số liệu quý II/2018, sàn giao dịch Amazon cũng sẽ là nguồn tham khảo uy tín về sản phẩm ngoại, trước khi bạn quyết định xuống khoản tiền lớn.

Người mua hàng tại Mỹ thường có thói quen đánh giá sản phẩm khá kỹ lưỡng, nêu ưu khuyết điểm lẫn trải nghiệm cá nhân. Cùng một món hàng, có thể người này cảm thấy thích, người dùng khác cảm thấy khó chịu. Bạn có thể tìm thấy những người dùng thực tế có sở thích giống mình, từ đó cảm nhận liệu sản phẩm có thật sự phù hợp không.

Tìm hiểu thông tin bảo hành

Đừng bỏ qua các dịch vụ hậu mãi, vì món tiền bạn bỏ ra cho mỗi sản phẩm ngoại đã bao gồm chi phí cho các dịch vụ bảo hành, bảo trì.

Tuỳ theo các quy định ở mỗi dịch vụ mua hàng trung gian, mà sản phẩm của bạn khi gặp sự cố sẽ được xử lý cụ thể ra sao. Theo chuyên gia thị trường bán lẻ, một số dịch vụ mua hộ có chính sách bảo hành, nhưng chỉ là một sự rành buộc về trách nhiệm.

Theo đại diện sàn giao dịch xuyên biên giới Fado.vn, để tạo ra trải nghiệm an tâm khi khách hàng đã chi ra số tiền lớn để mua hàng ngoại. Fado.vn hiện hỗ trợ đại diện khách hàng đứng ra làm việc với nhà cung cấp khi có sự cố phát sinh. Tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ có chính sách để có thể bảo vệ quyền lợi người mua tốt nhất.

Thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 15 tỷ USD năm nay

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này có thể vượt 15 tỷ USD, theo dự đoán của VECOM.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố cho biết, năm 2019 tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử đạt trên 32%. Cả giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30%.

Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Một góc giao diện bán đồ công nghệ của một ứng dụng thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Ngô.

Cơ hội của thị thường nội địa

Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4/2020, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, thương mại nội địa và quốc tế gián đoạn. Tuy nhiên, theo VECOM, thương mại điện tử có thể phát triển lạc quan nhờ hai tín hiệu.

Trước hết, đại dịch là chất xúc tác làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Người Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.

Kế đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này gần như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch. Hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa năm còn lại. Họ cũng hiểu rõ cơ hội mới từ cộng đồng mua sắm đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. 

Xu hướng tại Việt Nam nằm trong diễn biến chung của khu vực. Visa cho biết, tại châu Á - Thái Bình Dương, 41% người tiêu dùng thực hiện hơn 5 giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử trong vòng 3 tháng qua.

"Thương mại khắp châu Á – Thái Bình Dương chuyển dịch mạnh sang kỹ thuật số trong giai đoạn dịch. Từ việc ngày càng có nhiều người đặt nhu yếu phẩm trực tuyến, đến người dùng tìm kiếm những phương thức thanh toán bảo mật, không tiếp xúc tại quầy," ông Chris Clark, Chủ tịch Visa khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói.

Bán hàng xuyên biên giới rộng mở

"Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế", báo cáo công bố gần đây bởi WTO, nhận định.

Hàng hóa bán qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng Amazon được vận chuyển lên một máy bay. Ảnh: AGS.

Ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand đánh giá, trong đại dịch, kênh trực tuyến là một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. "Tôi tin rằng việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai dài hạn", vị này nói.

Tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ, theo báo cáo của McKinsey & Company. Các khảo sát được thực hiện gần đây tại những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Singapore, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc. Nhà bán hàng Việt Nam có cơ hội trong đó.

Quyết định số 431 của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch và tăng tốc độ thông quan hàng hóa, cùng với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, theo ông Bernard Tay sẽ "củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào sự phát triển vượt bậc trong tương lai của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới".

Trong lúc Amazon cho biết vẫn thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn và đào tạo trực tuyến cho nhà bán hàng thì Alibaba.com đang thông báo tìm thêm đại lý ủy quyền tại Việt Nam. 

Năng lực nắm bắt cơ hội

Tính đến năm 2019, theo khảo sát của VECOM, 42% doanh nghiệp được hỏi đã xây dựng website, giảm nhẹ so với tỷ lệ 44% vào năm 2018. Tuy nhiên, 39% cho biết có bán hàng trên các mạng xã hội (tăng 3%); 17% có kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, tăng 5% và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm gần đây.

Đánh giá hiệu quả kinh doanh qua các nền tảng trực tuyến. Nguồn và đồ họa: VECOM.

Trong đó, mạng xã hội được đánh giá là công cụ hiệu quả nhất để bán hàng trực tuyến, với 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao. Tiếp đó là hiệu quả bán hàng thông qua website của doanh nghiệp (26%), ứng dụng di động (20%) và qua sàn thương mại điện tử (19%).

Tuy nhiên, VECOM chỉ ra rằng, vẫn còn trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về thương mại điện tử và công nghệ thông tin.

Ông Bernard Tay thì cho rằng, đã có nhiều nhà bán hàng vượt qua đại dịch thành công. "Nhưng để đạt được thành công bền vững hơn, họ cần có một tư duy toàn cầu, đồng thời chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm để nhận được sự tín nhiệm của khách hàng quốc tế", ông nói.