Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Góc khuất bán chéo bảo hiểm tại ngân hàng

 Sau hai năm liền trong top "nhân viên bán chạy bảo hiểm nhất hệ thống", Huyền nghỉ việc vì lo "phải xử lý hậu quả về sau".

Trần Như Huyền là cựu nhân viên của một nhà băng tư nhân trong top 3 bán chạy bảo hiểm trong 2022. Hai năm liền cô được tuyên dương danh hiệu "Top FYP bancassurance 2019-2020", nghĩa là thuộc top nhân viên bán chéo bảo hiểm xuất sắc nhất.

Trước việc hàng loạt người dân phản ánh về những hợp đồng bảo hiểm mua qua ngân hàng bị tư vấn sai sự thật, Huyền và một số nhân viên bancassurance từng trực tiếp giới thiệu hoặc tư vấn bảo hiểm, quyết định chia sẻ với VnExpress về cách họ đã chốt các hợp đồng.

Một hợp đồng bảo hiểm được bán qua ngân hàng. Ảnh: Quỳnh Trang

Một hợp đồng bảo hiểm được bán qua ngân hàng. Ảnh: Quỳnh Trang

Kịch bản chốt đơn bảo hiểm gọn lẹ

Bán chéo bảo hiểm (bancas) qua ngân hàng "nở rộ" trong gần chục năm trở lại đây, đóng góp tới 40% doanh thu khai thác mới của ngành bảo hiểm tại Việt Nam. Để bán bảo hiểm, nhiều nhà băng áp dụng mô hình nhân viên ngân hàng giới thiệu. Tức ngân hàng và nhân viên của họ chỉ đơn thuần là người giới thiệu còn khâu tư vấn được thực hiện bởi người của hãng bảo hiểm có mặt tại nhà băng.

Một mô hình khác là nhân viên của nhà băng trực tiếp tham gia vào tất cả khâu, từ giới thiệu cho đến tư vấn, hoàn tất thủ tục hợp đồng. Từ năm 2019, ngân hàng nơi Trần Như Huyền làm việc áp dụng mô hình này, bắt buộc nhân viên nhà băng trực tiếp tư vấn bảo hiểm thay thế cho người của hãng bảo hiểm. Từ một chuyên viên mở thẻ và tiết kiệm, cô được đề cử sang làm bảo hiểm.

Kể từ đó, Huyền có vai trò hoàn tất thủ tục hợp đồng và tư vấn thêm cho những khách hàng được người giới thiệu đưa sang. Người giới thiệu này cũng là nhân viên của nhà băng, chuyên nhận gửi tiền và có quan hệ thân thiết với khách hàng tại chi nhánh.

Là nhân viên chuyên về bảo hiểm tại ngân hàng nhưng Huyền thừa nhận mình không hề am hiểu cũng không hề yêu thích bảo hiểm và cũng không được đào tạo bài bản.

Cô cho rằng cách đào tạo "hời hợt", mỗi nhân viên được học 1-2 ngày để cấp mã đại lý hành nghề; được tham gia một số workshop đào tạo nghiệp vụ nhưng không đi sâu vào sản phẩm ngân hàng đang bán.

"Cách tư vấn thì luôn nói tiết kiệm và được tặng thêm quyền lợi sức khoẻ, không hề nói bảo hiểm. Còn khách hàng nghe thấy được tặng tiền, tặng vali, tặng quà... là mọi thứ xong xuôi hết", Huyền kể.

Cô còn thừa nhận mình "học vẹt về sản phẩm", không rõ bản chất sản phẩm nhưng đã phóng đại lên cho khách. Để hợp đồng được cấp một cách dễ dàng, việc kê khai sức khoẻ của khách cũng hoàn toàn bị bỏ qua. Nhiều hợp đồng được thiết kế với đối tượng được bảo hiểm là trẻ con để hợp đồng được cấp nhanh (do trẻ con ít bệnh tật). Trong khi đó, theo nguyên tắc bảo hiểm, ưu tiên phải phòng rủi ro cho người trụ cột tạo thu nhập chính trong gia đình.

Được người giới thiệu liên tục đưa khách về, mỗi ngày Huyền hoàn tất 3-4 hợp đồng bảo hiểm, mỗi hợp đồng có mức phí bảo hiểm từ 50 triệu đến 100 triệu đồng một năm. Thời điểm đó, 9h sáng Huyền đến ngân hàng, 3h chiều đi về. Thu nhập từ bán bảo hiểm có lúc lên tới 60-80 triệu đồng một tháng.

Hai năm liền, cô cùng với người giới thiệu luôn thuộc top bán hàng giỏi nhất của kênh bancassurance. Người bạn cùng chi nhánh của Huyền, theo lời kể của cô, trở thành "hình mẫu" bán bảo hiểm, thường xuyên được lãnh đạo đề cử chia sẻ lại kinh nghiệm cho những nhân viên khác.

Tuy nhiên, cũng trong hai năm làm ở vị trí này, Huyền vấp phải nhiều tình huống khiến bản thân áy náy.

"Có lúc tôi làm hồ sơ cho một chị bán vé số, phải đóng phí bảo hiểm 50 triệu đồng một năm. Tôi hỏi lại bạn giới thiệu, làm vậy có quá hay không?", Huyền kể về một trường hợp mà bản thân cô không hề muốn làm hồ sơ. Tuy nhiên, khách hàng này tin tưởng lời người giới thiệu, Huyền cũng ở thế khó xử vì không thể đứng ở góc độ phản bác khi đang là người của ngân hàng.

Trường hợp thứ hai là một khách hàng lớn tuổi, mua bảo hiểm nhưng vẫn nghĩ đó là gửi tiết kiệm. Sau đó, khách hàng tới nói muốn ngừng tham gia và rút tiền về nhưng không thể được. "Cô nói đây là tiền của quý phật tử đóng góp để cúng chùa, cô không có tiền đóng tiếp các năm sau đâu và cũng không biết làm sao để rút ra. Cô ngồi khóc tại chỗ luôn", Huyền kể lại.

Một lần khác, một khách hàng nữ bị ung thư cầm hợp đồng bảo hiểm tới hỏi ngân hàng, rằng cô có được chi trả tiền chữa trị hay không. Nhưng Huyền kể, oái oăm thay đối tượng bảo hiểm trên hợp đồng lại là con của khách hàng. Có nghĩa là, chỉ khi con của người này gặp vấn đề sức khoẻ hoặc tử vong, chị mới được bồi thường. Kể cả khi chị qua đời, hợp đồng này vẫn cần phải có người đóng tiếp. Chị gần như gục ngã ngay tại đó, Huyền nhớ lại.

Ba vụ việc này là giọt nước tràn ly khiến Huyền quyết tâm nghỉ việc. Cô nhận ra, lúc đó mình làm chỉ vì tiền chứ không cảm thấy đang giúp ai, không thấy hạnh phúc vì những gì mình nói là sai sự thật.

Ngoài những trường hợp tự mua, một số khách hàng không hề biết họ đang tham gia bảo hiểm nhân thọ. Theo quy định, khách hàng có 21 ngày để cân nhắc hợp đồng sau khi đã ký. Với những nhân viên như Huyền, đây là 21 ngày "sợ sệt nhất". Đôi khi khách hàng nhắn tin, gọi điện, họ không dám bắt máy.

"Qua nhiều sự vụ, tôi thấy mình không ngủ ngon khi nhận những đồng tiền này. Nhiều khách hàng họ hiền lắm. Khi nghe rằng không rút tiền ra được, họ đi về một cách sợ sệt và hoang mang, không hề làm lớn chuyện. Huyền nhớ lại ánh mắt của họ. Họ càng hiền, mình càng cảm thấy có lỗi", cô nói.

Công thức chung: dồn tiền phí bảo hiểm năm đầu

Loại sản phẩm thịnh hành mà các hãng bảo hiểm đẩy mạnh bán chéo qua kênh ngân hàng và đại lý gần đây là bảo hiểm liên kết đầu tư. Tiền bỏ vào theo đó, được chia thành hai rổ gồm phí bảo hiểm và đầu tư sinh lời.

Công thức phổ biến được nhiều nhân viên ngân hàng, tư vấn bảo hiểm phân bổ tiền đóng của khách hàng là dồn phí vào năm đầu tiên. Tới năm thứ hai, phí hợp đồng bảo hiểm sẽ giảm và chuyển phần lớn tiền khách hàng sang phần đầu tư. Tuy nhiên, cách làm này sẽ gây thiệt hại cho khách hàng do việc giảm phí bảo hiểm đột ngột chưa bao giờ được khuyến khích, trừ khi xảy ra sự cố bắt đắc dĩ.

Không làm cùng ngân hàng với Huyền, Phan Anh, cựu tư vấn viên bancassurance tại một nhà băng khác, cũng sử dụng công thức dồn phí bảo hiểm vào năm đầu này.

Phan Anh kể, khi làm việc năm 2021, người này được hướng dẫn tư vấn quyền lợi đầu tư sinh lời dựa vào dữ liệu quá khứ. Chủ trương chung là khi làm hợp đồng cho khách hàng, tiền trong năm đầu được dồn đóng phí bảo hiểm và từ năm thứ hai giảm phí, dồn 90% tiền vào đầu tư. Với kịch bản này, nhiều khách hàng trước đây đã có lãi.

"Theo tính toán, khách hàng có thể huề vốn trong 5 năm. Hợp đồng năm thứ hai thay đổi cơ cấu, dồn tiền vào đầu tư thì tiền sinh lời 3-5 năm bù lại phần phí ở bảo hiểm năm đầu", Huyền nói về dự tính phân bổ dòng tiền cho khách hàng.

Tuy nhiên, chính Huyền và các bạn nhân viên khác cũng không lường được kịch bản chứng chỉ quỹ giảm giá mạnh, dẫn đến danh mục đầu tư của khách hàng cũng lỗ theo.

Minh Thuỷ, một nhân viên ngân hàng đã nghỉ việc, phải đối mặt với những cuộc gọi từ khách hàng, họ chất vấn cô lừa gạt họ. Qua đầu dây điện thoại, nhân viên này thừa nhận đã vô tâm khi giới thiệu khách hàng lên bộ phận bảo hiểm và cũng tư vấn rằng khoản tiền bỏ vào sau 3 năm có thể rút đủ gốc và lãi.

Chưa có thống kê cụ thể về những khiếu kiện thời gian qua, tuy nhiên, những sự việc này đang làm ảnh hưởng trầm trọng đến hình ảnh của bảo hiểm nhân thọ và kênh bancassurance. Một số doanh nghiệp, ngân hàng vẫn khẳng định đào tạo nhân viên bài bản và làm theo đúng quy trình. Các sự vụ tiêu cực gần đây, vô hình chung khiến những người làm chuẩn chỉ, bị vạ lây.

Để đánh giá sự hài lòng thực tế của khách hàng với bancassurance, tỷ lệ duy trì hợp đồng qua những năm đầu tiên là một thước đo hiệu quả. Nhưng con số này chưa bao giờ được các nhà bảo hiểm và ngân hàng công khai.

Theo nguồn tin của VnExpress, việc bắt buộc công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng từng được giới chuyên môn bàn luận để đưa vào dự thảo quy định về kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó không được ủng hộ.

Để cải thiện chất lượng tư vấn của kênh bancassurance, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm gợi ý doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng nên thống nhất cơ chế kỷ luật, xử lý những nhân viên bancassurance sai phạm. "Cơ chế xử lý vi phạm trước đây chưa được hai bên thực sự chú trọng. Nhiều doanh nghiệp dù được phản ánh có sự sai phạm trong khâu tư vấn ở kênh bancassurance nhưng lâu nay cũng không can thiệp được", ông nói.

Dài hơi hơn, theo ông Dũng, doanh nghiệp bảo hiểm nên đưa điều kiện ràng buộc về tỷ lệ duy trì hợp đồng từ năm thứ hai vào điều khoản hợp tác với ngân hàng, nhằm kiểm soát chất lượng khâu tư vấn.

Về mặt pháp lý, dự thảo sửa đổi Nghị định chi tiết Luật kinh doanh bảo hiểm cũng một số nội dung mới nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng tư vấn nói chung. Theo đó, với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư, các ngân hàng dự kiến phải có quầy tư vấn tách biệt so với quầy giao dịch thông thường. Bên cạnh đó, các đại lý bảo hiểm bao gồm ngân hàng sẽ phải ghi âm nội dung khi tư vấn.

Gói 120.000 tỷ sẽ tác động gì đến thị trường địa ốc?

 Gói 120.000 tỷ đồng được dự báo thúc đẩy doanh nghiệp ồ ạt xây nhà xã hội để tiếp cận vốn rẻ (lãi suất 8,7% một năm), hứa hẹn cải thiện nguồn cung nhà giá thấp.

Đầu tháng 4, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030 (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Ngân hàng Nhà nước cũng hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Theo đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.

Theo các chuyên gia, gói tín dụng này sẽ có những tác động tích cực đến các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội nhờ mức lãi suất khá cạnh tranh. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu dự báo gói 120.000 tỷ có thể thổi bùng xu hướng các doanh nghiệp địa ốc chạy đua làm nhà ở xã hội nhằm tranh thủ cơ hội tiếp cận dòng vốn vay rẻ này.

Ông phân tích, hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại phân khúc bình dân, sản phẩm có giá vừa túi tiền với chỉ số rủi ro thấp (so với nhà ở cao cấp và hạng sang) cũng chỉ tiếp cận được lãi suất tốt khoảng 11-11,5% một năm. Trong khi đó, với mức lãi suất 8,7% mỗi năm kéo dài trong 3 năm, cho thấy doanh nghiệp chuyển sang phân khúc này sẽ được hưởng lợi thế vốn rẻ (trên dưới 3%).

Đối với quá trình xây dựng nhà ở cao tầng (không tính khâu chuẩn bị thủ tục pháp lý), thời gian hoàn thành dự án phổ biến từ 18 đến 36 tháng, tùy vào việc chuẩn bị dòng tiền đến đâu. Do đó, việc doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất ưu đãi như trên khá thuận lợi cho các chủ đầu tư chuyển sang làm nhà ở xã hội.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở lệch pha cung cầu, thừa nhà giá cao thiếu nhà giá thấp, ông Châu cho rằng việc các doanh nghiệp đăng ký xây nhiều nhà ở xã hội có thể giúp cân bằng lại cán cân cung cầu nhà ở. Nếu các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội về đích như số liệu công bố sẽ mở ra cơ hội an cư cho người có thu nhập trung bình thấp lẫn người yếu thế trong xã hội.

Chủ tịch HoREA nói thêm, ngoài việc tranh thủ dòng vốn rẻ, nhiều doanh nghiệp nhảy vào phân khúc này cũng là giải pháp giúp họ cơ cấu lại sản phẩm, giảm hàng giá cao, tăng hàng giá vừa túi tiền, cải thiện thanh khoản đang bế tắc.

Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, đánh giá gói 120.000 tỷ đồng có thể giúp lưu thông nhanh tiền tệ trong nền kinh tế nếu các dự án nhà ở xã hội được duyệt pháp lý kịp mốc 30/6 tới đây. Tuy nhiên thực tế cho thấy để duyệt xong pháp lý các dự án nhà ở xã hội với tốc độ nhanh nhất phải mất 12 tháng, tức phải đến năm 2024 mới có dự án nhà ở xã hội đạt chuẩn được giải ngân theo gói này và bước vào quá trình xây dựng, sau đó tạo ra thành phẩm.

Vì vậy, để thúc đẩy lưu thông tiền tệ, tăng tốc giải ngân gói tín dụng trên, cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết nhanh thủ tục hành chính và duyệt cấp phép cho dự án nhà ở xã hội sớm. Song song đó, nên cho phép các doanh nghiệp làm nhà xã hội đã vay thương mại trước đó được chuyển đổi sang gói 120.000 tỷ đồng, giúp chủ đầu tư loại hình này tiếp cận mức lãi suất tốt.

Khi đã có dự án nhà xã hội đầy đủ pháp lý, sẵn sàng xây dựng, bán hàng, dòng vốn rẻ giải ngân từ gói 120.000 tỷ đồng sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Trước mắt gói tín dụng này sẽ có tác động cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội, sau đó mới tính đến việc người có thu nhập thấp cân nhắc mua nhà.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, mức lãi suất 8,7% dành cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội khá cạnh tranh (tương đương với lãi vay kinh doanh sản xuất hiện nay), mức lãi vay 8,2% dành cho người mua nhà xã hội vẫn còn cao. Nếu người thu nhập thấp chần chừ không mua vì lo ngại nặng gánh lãi vay (chỉ duy trì trong 5 năm, sau đó người mua và ngân hàng tự thương lượng lãi suất), có thể làm gián đoạn giải ngân đầu ra gói tín dụng này.

Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lãi suất 8,2% một năm cho người mua nhà ở xã hội xuống thấp hơn, lý tưởng nhất là 5% với cơ chế Nhà nước cấp bù lãi suất trong thời gian dài 20-25 năm, có thể tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát cũng nhìn nhận nếu Nhà nước điều chỉnh lãi vay dành cho người thu nhập thấp xuống mức hợp lý, có thể thúc đẩy dòng tiền từ gói tín dụng này luân chuyển mạnh mẽ trên thị trường, từ đó tạo ra cú hích tích cực trong vòng 6-12 tháng tới ở phân khúc nhà ở này.

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế, lãi suất 8,2% vẫn chưa hỗ trợ được cho người mua là đối tượng thu nhập thấp. Vì vậy, gói tín dụng này có vai trò "chữa cháy", tức giải quyết được một phần khó khăn trong toàn cảnh bức tranh nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc.

"Gói tín dụng này không phải là cây đũa thần, đây là vốn của ngân hàng thương mại mang ra kinh doanh, mức lãi suất đưa ra mang tính chất nhà băng chia sẻ khó khăn với khách hàng, nên khó có thể đòi hỏi nhiều hơn", ông Châu đánh giá.

Chia sẻ tại hội thảo về nguồn vốn trong nước và vốn FDI cho thị trường bất động sản, Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh nhà ở xã hội không đơn giản chỉ là vấn đề chỗ ở cho người lao động. Nhà nước cần xem đây là một hệ sinh thái quan trọng của thị trường bất động sản nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Ông Mại đồng tình gói 120.000 tỷ đồng là vốn các ngân hàng thương mại, không phải vốn ngân sách nên không thể bắt các nhà băng phải chịu lỗ hay bù lỗ khi cho vay gói tín dụng này. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ ngành, cơ quan giúp việc cho Chính phủ nỗ lực thực thi thể chế (thiết kế một gói tín dụng riêng dành cho nhà ở xã hội) mới có thể giúp mục tiêu nhà ở xã hội về đích.

"Nếu không có cách tiếp cận nhà ở xã hội bằng chính sách đặc thù, nổi trội sẽ không bao giờ có thể làm được", ông Mại nói.

Vũ Lê

Nhà ở xã hội - 'chiếc phao' của doanh nghiệp bất động sản

 Mỗi khi thị trường bất động sản gặp khó, doanh nghiệp lại tìm đến nhà ở xã hội, nhà giá rẻ như phao cứu sinh.

Nhà ở xã hội - một phân khúc luôn được nhận định là nhu cầu cao, song nguồn cung luôn thiếu hụt. Thậm chí, từ 2 năm trước, các đơn vị nghiên cứu thị trường đã nhắc đi nhắc lại về sự "tuyệt chủng" của nhà giá rẻ ở các thành phố lớn, nhưng khi đó, các chủ đầu tư lớn vẫn đang "say sưa" với bất động sản cao cấp. Chỉ từ khi thị trường bắt đầu rơi vào khó khăn từ cuối năm ngoái đến nay, các vấn đề về phát triển nhà ở xã hội được bàn đến nhiều hơn, kể cả những chủ đầu tư vốn có thương hiệu làm bất động sản cao cấp.

Trong tài liệu đại hội cổ đông vừa công bố, Vinhomes - nhà phát triển bất động sản lớn nhất thị trường, cho biết thương hiệu nhà ở xã hội Happy Home sẽ là "một trong những trọng tâm phát triển" vào thời gian tới. Dù công bố chiến lược này từ năm ngoái, việc mở rộng quỹ đất cho phân khúc này và triển khai sẽ được Vinhomes tiến hành trong năm nay. Công ty dự kiến bổ sung dự án tại nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa. Riêng tại Khánh Hòa, chủ đầu tư này vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án 3.700 tỷ đồng tại phường Cam Nghĩa.

Theo Vinhomes, các dự án mang thương hiệu Happy Home dự kiến tại vùng ven các tỉnh, thành phố lớn, sẽ là mô hình nhà ở xã hội đầu tiên tại Việt Nam có tích hợp hệ sinh thái đầy đủ, gồm cả trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, công viên, khu thể thao.

Một dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào vận hành tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Một dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào vận hành tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại một hội nghị về nhà ở xã hội, những tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản, như Him Lam, Novaland hay Bitexco cũng cho biết sẵn sàng đưa ra thị trường hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội trong những năm tới trên quỹ đất hiện có hoặc mở rộng thêm. Gần đây, chủ đầu tư một loạt dự án căn hộ dát vàng là Hòa Bình Group cũng có kế hoạch phát triển 2 dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, dù chưa hoàn tất về mặt thủ tục.

Ở phía Nam, từ giữa năm 2022, Địa ốc Hoàng Quân (HQC) bắt đầu quay lại với phân khúc sở trường nhà ở xã hội. Tháng 8 năm ngoái, Hoàng Quân mua lại dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) với giá cao dù trước đó từng bán rẻ, là động thái chuẩn bị cho kịch bản săn dòng vốn vay ưu đãi. Ở kế hoạch năm 2023, đơn vị này đặt mục tiêu kinh doanh tăng 5-7 lần so với cùng kỳ, với "nắm đấm chủ lực" là nhà xã hội. Doanh nghiệp đi đầu phân khúc này ở khu vực phía Nam kỳ vọng doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, phần lớn đến từ các dự án nhà ở xã hội tại Trà Vinh, Tây Ninh. Cổ phiếu HQC trở thành cái tên được chú ý gần đây khi liên tục tăng kịch trần.

Nói với VnExpress, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest, cho rằng nhà ở xã hội là đường thoát tối ưu cho doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh các dự án bị ách tắc về pháp lý, thanh khoản thấp, thậm chí bằng 0. Tuy biên lợi nhuận với nhà ở xã hội thấp hơn và cũng không ít khó khăn bởi các điều kiện với người mua, thời điểm bán, chính sách vay song theo ông Hiệp, nếu các doanh nghiệp biết chắt chiu, đây vẫn là con đường lui có ánh sáng.

Dù nhiều kế hoạch chỉ là bước đầu, giới phân tích cho rằng việc xoay trục này cho thấy mỗi khi bế tắc, doanh nghiệp lại nghĩ đến nhà ở xã hội, nhà giá rẻ như phao cứu sinh. Trước đây, giữa lúc thị trường bất động sản đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2011, phân khúc nhà giá rẻ có thanh khoản tốt đã hâm nóng lại thị trường bị đóng băng suốt thời gian dài nhờ gói vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ (gói 30.000 tỷ đồng).

Vì thế, theo ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ ở giai đoạn này không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn có thể "rã đông" thị trường địa ốc. Chuyên gia này, cho rằng khi tham gia phân khúc này, các chủ đầu tư kỳ vọng vào 2 điểm sáng, về thanh khoản và nguồn tín dụng (cho cả chủ đầu tư và người mua).

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng đồng tình với quan điểm này này. Theo ông, hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại phân khúc bình dân, sản phẩm có giá vừa túi tiền với chỉ số rủi ro thấp (so với nhà ở cao cấp và hạng sang) cũng chỉ tiếp cận được lãi suất khoảng 11-11,5% một năm. Trong khi đó, lãi suất cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội là 8,7% mỗi năm từ nay đến hết 30/6 và kéo dài trong ba năm, cho thấy doanh nghiệp chuyển sang phân khúc này sẽ được hưởng lợi thế vốn rẻ (trên dưới 3%).

Dù vậy, ông Hoài Nam cho rằng làm nhà ở xã hội cũng là bước vào đường đua đầy thử thách do biên lãi không cao (giới hạn 10%), pháp lý khó tương đương nhà ở thương mại, giá bán và đối tượng bán phải theo quy định. Điều này lý giải vì sao trước đây số doanh nghiệp xây nhà ở xã hội đếm trên đầu ngón tay, ít có đơn vị nào mặn mà làm nhà ở xã hội khi thị trường nhà đất nóng sốt.

Nhìn vào thực tế nguồn cung nhà xã hội nhỏ giọt những năm qua, một số chuyên gia cũng nêu vấn đề, liệu các doanh nghiệp có hiện thực hóa được các kế hoạch khá tham vọng nói trên hay không. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, để nhận định về tính khả thi của các kế hoạch ở thời điểm này còn quá sớm, song khi một số chủ đầu tư tư nhân lớn đã tham gia vào đồng nghĩa với việc phân khúc này sẽ có sức sống hơn.

"Và một trong những vấn đề quan trọng nhất của việc phát triển phân khúc này không chỉ là vốn, mà còn vấn đề quỹ đất và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư. Hai mấu chốt trên nếu được mở sẽ trở thành động lực trong dài hạn cho nhà ở xã hội", ông Hiệp nói.

Trước đó, liên quan đến chính sách phát triển phân khúc này, Chính phủ công bố đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội từ nay cho đến năm 2030, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn. Trong đề án, tổng vốn dự kiến cho kế hoạch là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.

Các ngân hàng cũng vào cuộc thông qua việc triển khai chương trình cho vay ưu đãi với quy mô 120.000 tỷ đồng. Trong đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm. Sau thời gian này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất định kỳ 6 tháng một lần.

Lao động 'nắm đằng lưỡi' khi doanh nghiệp nợ BHXH

 

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), lao động bị ngưng nhiều quyền lợi về trợ cấp, ốm đau, thai sản, trong khi hàng tháng phải trừ lương để đóng bảo hiểm.

Sáu năm trước, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm rời Cần Thơ lên TP HCM, làm ở công ty may tại Gò Vấp. Hai năm sau công ty phá sản, nữ công nhân chuyển đến Công ty TNHH Asia Garment, chi nhánh quận 12. Trong 4 năm làm việc tại đây, hàng tháng chị đều bị công ty trích 10,5% lương, tức hơn 500.000 đồng để đóng BHXH bắt buộc.

Bị trừ một khoản khá lớn so với thu nhập, người phụ nữ 46 tuổi nói "rất xót ruột nhưng nghĩ đến lợi ích lâu dài nên chấp nhận". Tuy nhiên, khi bị ốm đi viện và cần thanh toán bảo hiểm y tế, chị bị bệnh viện từ chối do công ty nợ bảo hiểm đã hơn hai năm. Không chỉ chị Diễm, nhiều đồng nghiệp sinh con cũng không được hưởng chế độ thai sản với lý do tương tự. Công nhân nghỉ việc, khiếu nại khắp nơi nhưng mọi thứ gần như đi vào ngõ cụt.

Chị Diễm chưa biết làm gì với cuốn sổ BHXH bị nợ 2,5 năm đóng. Ảnh: Lê Tuyết

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm chưa biết làm gì với cuốn sổ BHXH bị nợ 2,5 năm đóng. Ảnh: Lê Tuyết

Khi thành phố bùng dịch, cuộc sống nữ công nhân lâm vào cảnh khốn khó. Không còn chỗ bấu víu, chị nghĩ đến khoản tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm và quyết định rút. Đến nay sau 4 lần lên xuống cơ quan BHXH quận Tân Bình, chị đều nhận được cái lắc đầu từ nhân viên. Lý do được đưa ra là công ty nợ bảo hiểm gần 9 tỷ đồng nên khoản trợ cấp của chị không được giải quyết.

"Lỗi không phải của tôi nhưng cuối cùng tôi lại gánh hậu quả", chị Diễm nói. Quá thất vọng nên khi xin vào làm việc ở chỗ mới, chị đề nghị công ty ký hợp đồng thời vụ, nhận lương tuần, từ chối tham gia bảo hiểm xã hội.

Từng tiếp nhận nhiều vụ việc tương tự, bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Long An, nói rằng có trường hợp làm việc gần chục năm nhưng đến khi làm trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thông báo có hai tháng không đóng BHXH nên không giải quyết. Theo bà, lao động có 10 năm làm việc, tức 120 tháng, nhưng chỉ vì bị nợ hai tháng mà không được hưởng chế độ là quá thiệt thòi.

"Doanh nghiệp để nợ nhưng cơ quan bảo hiểm không giải quyết quyền lợi cho người lao động là vô lý", bà Trang nói.

Ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ Liên đoàn lao động huyện Hóc Môn (TP HCM), nói trước đây trên địa bàn có doanh nghiệp để nợ BHXH, chủ bỏ trốn. Công nhân tứ tán khắp nơi. Mới đây nhiều lao động lớn tuổi không tìm được việc làm nên quay về đề nghị công đoàn hỗ trợ để nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên thủ tục gặp nhiều khó khăn, cơ quan BHXH yêu cầu phải có quyết định phá sản của doanh nghiệp mới giải quyết.

"Không tìm được tung tích chủ doanh nghiệp thì làm thủ tục phá sản thế nào, quyền lợi của lao động bị treo đến bao giờ", ông Minh đặt câu hỏi.

tỷ đồngtriệu ngườiSố tiền và số lao động bị nợ bảo hiểm xã hội lũy kế đến hết năm 2022(số tiền cột trái, số người cột phải)2202208 .8888 .8884 .0484 .0482,132,130,440,440,210,21Tiền nợSố người1-3 thángTrên 3 thángKhó thu hồi02,5k5k7,5k10k00,61,21,82,4Nguồn: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến năm 2022, có gần 213.400 lao động chưa được giải quyết quyền lợi do doanh nghiệp để nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là những những khoản nợ "khó đòi" do công ty phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn. Ngoài việc cơ quan bảo hiểm phát sinh khoản nợ lớn, phần lớn hậu quả người lao động phải gánh chịu khi doanh nghiệp nợ BHXH.

Trước tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản của lao động đều tính trên thời gian thực đóng, không áp dụng thời gian bị nợ. Nếu sau này nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc nguồn tài chính khác bổ sung, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cộng thêm để tính lại mức hưởng. Riêng lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng bảo hiểm dưới 20 năm, trong đó có 10 năm thực đóng trở lên (không tính thời gian bị nợ), nếu có nguyện vọng sẽ tham gia bảo hiểm tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xem tăng thêm một số quyền cho người lao động, song hiện chỉ dừng lại ở giai đoạn doanh nghiệp không để nợ. Đại diện một số công đoàn cơ sở cho rằng nếu công bằng phải giải quyết đầy đủ tất cả quyền lợi cho lao động ngay khi phát sinh.

Công nhân tập trung trước Công ty cổ phần dệt may Gia Định ở quận 1 (TP HCM) để đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội vào ngày 11/4. Ảnh: Thanh Tùng

Công nhân tập trung trước Công ty cổ phần dệt may Gia Định ở quận 1 (TP HCM) để đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội vào ngày 11/4. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Dương Văn Thuận, cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho rằng trong tất cả tình huống phát sinh khi doanh nghiệp nợ BHXH, cơ quan chức năng phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động. Nguồn kinh phí có thể trích từ các khoản đầu tư sinh lời của quỹ. Với các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, quỹ cần áp dụng nguyên tắc sẻ chia để đảm bảo chính sách "không bỏ rơi ai".

Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, ở Hàn Quốc, lao động gặp sự cố như tai nạn, ốm đau, thai sản mà doanh nghiệp để nợ BHXH, ngay lập tức quỹ bảo hiểm đứng ra chi trả, thanh toán các chi phí điều trị. Khi xây dựng chính sách, cơ quan bảo hiểm nước này ý thức lao động khi tham gia BHXH tức là "người của mình", quỹ phải có trách nhiệm với họ, nhất là lúc ngặt nghèo.

"Người lao động là quan trọng nhất chứ không phải khoản nợ chưa thu hồi", ông Tiến nói. Do đó, chính sách phải có những thay đổi để lao động mong muốn được ở lại với hệ thống. Các quyết định đưa ra cần nghĩ đến lợi ích của người lao động trước tiên.

Xoài cát Hòa Lộc rớt giá một nửa

 Giá mỗi kg xoài cát Hoà Lộc loại 1 hiện là 70.000 đồng, giảm một nửa so với đầu năm và bằng một phần ba đợt sốt giá năm ngoái.

Khảo sát tại các cửa hàng trái cây và chợ truyền thống TP HCM cho thấy, xoài Hòa Lộc đang được bán với giá thấp nhất từ đầu năm, rẻ hơn xoài mút Trung Quốc.

Chị Thanh Hoa, tiểu thương tại chợ Căn Cứ (Gò Vấp) cho biết, trong khi các loại trái cây khác ồ ạt tăng giá, xoài cát Hòa Lộc lại giảm một nửa. Cụ thể, hàng loại 1 (hai trái một kg) giá 70.000 đồng một kg, loại 2 là 35.000-40.000 đồng. Trong khi đó, xoài mút Trung Quốc khoảng 65.000-70.000 đồng một kg.

Giá hạ sâu, chị Oanh, chủ cửa hàng trái cây trên đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) cho hay đã nhập gấp đôi số lượng loại 1 về bán. Theo chị, trước đây chỉ khách có thu nhập cao mới dám chi tiền mua hàng loại 1, nay giới bình dân cũng có thể mua.

Tại các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, giá bán sỉ xoài cát Hòa Lộc dao động 25.000-35.000 đồng một kg, tại vườn 18.000 - 25.000 đồng.

Ông Hà, nguời trồng ở Đồng Tháp, cho biết vừa bán 2 tấn xoài Hoà Lộc với giá xô 23.000 đồng một kg, giảm 50% so với cách đây ba tháng. "Chúng tôi không có lời với mức giá hiện tại vì chi phí sản xuất tăng, trong đó giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật luôn thay đổi", ông Hà chia sẻ.

Ngoài xoài Hoà Lộc, các loại khác như ba màu, xoài hạt lép, Cát Chu cũng giảm nửa giá, còn 3.000-13.000 đồng một kg. Các hộ trồng cho biết, từ khi bị mạo danh mã vùng trồng năm 2020, mặt hàng này khó xuất khẩu sang Trung Quốc. Ở trong nước, sức tiêu thụ loại quả này thấp nên giá rớt liên tục.

Xoài cát Hòa Lộc bán tại hệ thống siêu thị ở TP HCM. Ảnh: Hồng Châu

Xoài cát Hòa Lộc bán tại hệ thống siêu thị ở TP HCM. Ảnh: Hồng Châu

Nguyên nhân xoài rớt giá, theo chị Hạnh, thương lái thu mua buôn trái cây từ Đồng Tháp, An Giang là xoài bắt đầu rộ vụ, sản lượng cung ứng ra thị trường tăng cao nhưng tiêu thụ chậm. Hàng xuất đi Trung Quốc chậm hơn mọi năm do nước này đòi hỏi phải có mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, trái cây nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào thị trường đã khiến hàng trong nước bị cạnh tranh.

"Năm nay, sức mua tại thị trường nội địa giảm 20-30% so với cùng kỳ. Hàng bán chậm, đẩy giá đi xuống", cô Hạnh, tiểu thương chợ Bà Chiểu (TP HCM) nói.

Là một trong những "vựa" trái cây của miền Tây, Đồng Tháp hiện có hơn 14.000 ha trồng xoài, sản lượng gần 137.000 tấn một năm. Để thúc đẩy tiêu thụ trong bối cảnh rớt giá, tỉnh này cho biết đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến tại thị trường trong nước, xuất khẩu thông qua lễ hội xoài.

Tỉnh cũng chủ động trong đăng ký mã số vùng trồng và mở rộng diện tích đạt chứng nhận VietGAP. Đến nay, Đồng Tháp có 296 vùng trồng xoài với diện tích hơn 8.200 ha được cấp mã số vùng trồng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu Trung Quốc, Australia, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Xoài cát Hòa Lộc loại trái cây đặc sản của miền Tây, nổi tiếng trong nước và nhiều năm trong top đầu xuất khẩu. Đây là sản phẩm trái cây đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Hồng Châu

Doanh nghiệp sản xuất 'gồng' lỗ, cắt giảm lao động

Các doanh nghiệp sản xuất đang phải gồng lỗ khi đơn đặt hàng sụt giảm, hàng bán ra không có người mua, phải ký gửi.

Sở hữu nhà xưởng quy mô 150 công nhân ở TP Thủ Đức (TP HCM), chị Phạm Thị Oanh, Giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép cho thị trường nội địa cho biết, từ đầu năm đến nay sụt giảm 60% doanh số so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, 3 tháng nay công ty đã lỗ hàng tỷ đồng. Công nợ từ đối tác, đại lý cũng đang bủa vây.

"Chưa khi nào sức mua ì ạch như năm nay. Các doanh nghiệp cùng ngành với tôi đang có nguy cơ phá sản vì đơn đặt hàng nhỏ giọt, giảm tới 90%. Hàng bán ra không có người mua", chị Oanh cho biết.

"Gồng lỗ" từ quý IV/2022 đến nay, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ Việt Âu Mỹ cho biết, sức mua nội địa èo uột, các đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường chính là Anh, Mỹ ngày càng teo tóp. Trong khi đó, đối tác nhập khẩu của công ty ông tại Anh liên tục gặp khó và đã phá sản trong quý I năm nay.

"Từ đầu năm đến nay có lúc chúng tôi cũng phải dừng hoạt động 7-10 ngày vì các công đoạn sản xuất không đủ nguyên liệu đầu vào hoặc thiếu đơn hàng", ông Tuấn bộc bạch.

Ngoài đơn hàng giảm, theo ông Tuấn, doanh nghiệp còn gặp hàng loạt khó khăn vì dòng tiền tắc nghẽn. Các ngân hàng siết room tín dụng, giải ngân chậm, lãi suất tăng cao. Còn hoạt động sản xuất bị tác động dây chuyền.

"Chúng tôi đang gặp khó ở nhiều phía. Trong đó, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công ty lại cạn vốn nên họ ưu tiên thu hồi công nợ. Còn đối tác mua hàng thì xin giãn nợ vì sức mua yếu", ông Tuấn chia sẻ.

Xưởng sản xuất đồ Jeans của Việt Thắng Jeans. Ảnh: VitaJean

Xưởng sản xuất đồ Jeans của Việt Thắng Jeans. Ảnh: VitaJean

Bớt khó khăn hơn so với 2 doanh nghiệp trên, nhưng tại Việt Thắng Jeans, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Văn Việt cũng đang chịu áp lực lớn khi những khoản nợ cũ đã đến hạn hoặc chuẩn bị đáo hạn.

Là đơn vị tự phát triển sản phẩm rồi tự bán hàng nên công ty ông đang phải bán ký gửi tại các đối tác chứ không thể "mua đứt bán đoạn" như trước. Trong khi đó, sức mua nội địa và quốc tế yếu khiến tồn kho cao.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, có 8 ngành nghề kinh doanh đang trong vòng vây khó khăn. Ngoài bị thua lỗ, giảm đơn hàng, nhiều đơn vị đang đứng trước nguy cơ phá sản.