Yêu thiên nhiên và mong muốn mọi người hòa mình với thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường, chàng trai trẻ Nguyễn Trí Tâm (27 tuổi, Lâm Đồng) đã thực hiện dự án du lịch trekking trải nghiệm kết hợp trồng rừng.
Là một người yêu thiên nhiên, Trí Tâm mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường - Ảnh: NVCC
Tận mắt nhìn thấy các loài chim, thú có nguồn thức ăn, mình vui lắm. Mình cũng chỉ làm một chút gì đó cho môi trường thôi.
NGUYỄN TRÍ TÂM
Với dự án này, Tâm tuyên truyền cho mọi người về tác hại của phá rừng, ý nghĩa việc bảo vệ rừng và môi trường sống của các loài động vật.
Trồng chuối gọi chim về
Là người con vùng đất Bảo Lộc (Lâm Đồng), sau một thời gian xuống TP.HCM học tập, Tâm nhận ra mình thích sống bình dị, gắn bó với thiên nhiên. Bảo Lộc là vùng đất hội tụ những yếu tố ấy. Tâm quyết định trở về nhà, ấp ủ phát triển du lịch địa phương.
Anh thường rong ruổi mọi ngõ phố để chụp ảnh thiên nhiên, cây cối. Bảo Lộc chỗ nào đẹp, chỗ nào hay, chàng nhiếp ảnh gia đều nắm trong lòng bàn tay. Một lần lên núi Đại Bình (núi Spung) - ngọn núi cao hơn 1.000m, từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn TP Bảo Lộc, Tâm nhen nhóm làm tour trekking lên núi cắm trại, đêm nghe dế kêu và ngắm sao trời, sáng sớm đi săn mây.
"Mấy năm gần đây, Bảo Lộc mới được nhiều người biết đến. Trước đây, nhắc đến Lâm Đồng mọi người chỉ nhớ đến Đà Lạt, trong khi Bảo Lộc cũng là thành phố rất bình yên, cảnh vật hoang sơ, thiên nhiên hữu tình" - Tâm cho biết.
Núi Đại Bình giờ đây đã bị khai phá phần lớn để trồng cà phê. Rừng chỉ còn lại một chóp trên đỉnh núi và Tâm hay so sánh với kiểu tóc "under cut". Tâm mua lại miếng đất rộng 3ha sát mép rừng. Miếng đất khi mua trơ trọi, cây cối lèo tèo, khô cằn, trơ sỏi đá.
"Ở sát rừng, mình nhận thấy chim chóc, thú rừng bị săn bắn không dám về. Mình quyết định trồng chuối để cải tạo đất, phủ xanh, tạo môi trường sống cho muôn loài" - Tâm kể lại.
Trước giờ chưa từng làm nông nên khi cầm cuốc đào đất, Tâm tốn nhiều công sức. Cuối cùng, 3ha chuối cũng trồng xong. Đến lúc chuối chín, chàng trai này để lại toàn bộ chuối trên vườn. Có nguồn thức ăn, chim chóc, các loại thú kéo về.
Tâm kể thời gian đầu, nhiều người thấy vườn chuối chín vàng còn phụ giúp anh thu hoạch chuối. Nghe nói trồng cho chim thú ăn, nhiều người còn tưởng Tâm "ấm đầu". Tuy nhiên, khi được giải thích, mọi người cũng hiểu ra.
Gặp người lên rừng săn bắn chim, thú, Tâm nỗ lực khuyên họ dừng việc săn bắn. "Mình nói để người ta hiểu, đừng săn bắn thú nữa. Khi không còn tiếng súng, chim chóc cũng về nhiều hơn" - Tâm nói.
Lên núi trồng cây
Để mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, Tâm đã tổ chức tour trekking đi bộ lên núi Đại Bình.
15h chiều, mọi người gửi xe và tập trung tại chân núi rồi đi bộ lên. 17h tới nơi, sẽ cùng nhau dựng lều, đốt lửa trại (tại mảnh đất của Tâm), hát mộc với đàn guitar, không dùng loa kẹo kéo để tránh ồn ào. Sau cùng, các thành viên sẽ ngắm sao đêm và thành phố về đêm.
"Những lúc được trở về với thiên nhiên trọn vẹn, ai cũng thấy thư thả, hạnh phúc. Hiểu được giá trị mà thiên nhiên mang lại, mọi người sẽ dần thay đổi nhận thức về môi trường và chung tay giữ gìn" - Tâm kỳ vọng.
Và hành động nhỏ để thay đổi nhận thức đầu tiên là chung tay trồng rừng. Mỗi người lên núi sẽ mang theo một cây xanh để trồng. Buổi sáng sau khi ngắm bình minh, mọi người sẽ được hướng dẫn đi trồng cây.
Tâm bảo: "Rừng trên núi Đại Bình hiện nay còn một chóp nhỏ nhìn rất xót xa. Rừng thì mình không được đụng vào, mình sẽ nối dài rừng bằng cách hướng dẫn mọi người trồng ở sát mép rừng - trên mảnh đất của mình. Mỗi cây trồng xuống tức có một người được tuyên truyền về môi trường. Mình sẽ tiếp tục duy trì đến khi cây phủ hết mảnh đất này".
Thấy việc làm của Tâm ý nghĩa, một người bạn có mảnh đất 2ha sát đấy cũng sẵn sàng tham gia dự án, để mọi người cùng lên đây trồng cây, phủ xanh ngọn núi Đại Bình.
Bùi Kim Ngân (27 tuổi) đã cùng bạn bè leo núi Đại Bình vào tháng 7 vừa qua. Ngân cho biết cô làm việc ở TP.HCM - nơi cuộc sống vốn vội vã, hối hả thì những chuyến về với thiên nhiên rất đáng trải nghiệm.
Điều khiến Ngân ấn tượng trong chuyến đi còn là "tour guide" Nguyễn Trí Tâm. "Bạn ấy rất có tâm khi hướng mọi người về du lịch bền vững, mỗi người tham gia tour sẽ góp sức trồng cây giữ rừng, đây là điều tôi rất ấn tượng mà ít tour nào làm được" - Ngân nói.
Phân loại rác trên núi
Khi mọi người leo núi, Tâm phát cho họ nước uống. Uống hết, mọi người giữ lại chai, sáng hôm sau rót nước xuống núi.
Chàng trai cũng tuyên truyền mọi người trên đường đi nếu gặp rác sẽ nhặt. Trên núi, Tâm đặt các thùng để phân loại rác. Kết thúc chuyến leo núi, rác hữu cơ sẽ làm phân bón cho cây, rác tái chế mang về các điểm tái chế, các loại rác còn lại tập kết ra xe rác.