Theo thống kê của EVN, nửa đầu năm nay, tổng công suất điện mặt trời áp mái nhà ở Việt Nam đã tăng khoảng 44%.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến tháng 6/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái ở Việt Nam đạt 763.555 kWP, tăng mạnh so với tổng công suất tháng 1/2020 là 428.612 kWP. Còn tính đến ngày 8/7, đã có 37.300 hệ thống điện mặt trời trên mái nhà được lắp đặt, với tổng công suất đạt khoảng 782 MWp.
EVN Miền Nam cho biết, chỉ riêng 21 tỉnh thành phía Nam (chiếm 50,73% công suất lắp đặt toàn hệ thống) đã có 17.148 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với 14.090 khách hàng là gia đình sử dụng sinh hoạt. Sản lượng điện dư được khách bán lại cho ngành điện 6 tháng qua là 87 triệu kWh, tương đương 195 tỷ đồng.
"Điện mặt trời áp mái thời gian qua nhờ có chính sách mới nên thu hút được quan tâm của nhiều hộ dân, đặc biệt ở miền Trung, miền Nam và các đô thị lớn", ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ tại hội thảo "Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà" ngày 9/7.
Theo một khảo sát của World Bank năm 2017, tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà ở Việt Nam khá cao. Ví dụ, tại TP HCM tổng diện tích mái nhà có thể lắp điện mặt trời là hơn 2 triệu km2, với công suất hơn 6.300 MW. Hay ở Đà Nẵng, tổng diện tích mái nhà tiềm năng khoảng 1,3 triêu km2, công suất hơn 1.100 MW.
EVN ước tính rằng, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà ở Việt Nam lắp điện mặt trời, với công suất 10 kW mỗi mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng 16 triệu tấn than mỗi năm do dùng nhiệt điện than. Chưa kể lợi ích kinh tế trực tiếp cho người lắp.
"Với điện mặt trời áp mái lắp để tiêu dùng đang hiệu quả hơn nhiều so với bán lại cho ngành điện. Nếu người lắp dùng điện từ hệ thống mặt trời vào giờ cao điểm thì tiết kiện hơn so với mua điện từ khung giờ đó của điện lưới", ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam phân tích.
Theo ông Lâm, mỗi năm Việt Nam cần thêm 6.000-7.000 MW công suất điện mới để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, các nguồn điện bổ sung truyền thống từ khí, than, thủy điện đang bị chậm tiến độ hơn 7.000 MW so với quy mô công suất theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Các nguồn năng lượng tái tạo đang được kỳ vọng phần nào bổ sung vào nhu cầu. Đầu tháng 2/2020, Bộ Chính trị đặt mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung nguồn năng lượng sơ cấp chiếm 15-20% vào năm 2030.
Điện mặt trời áp mái dù đang phát triển nhanh nhưng hiện còn nhiều vấn đề. Đầu tiên, điện mặt trời áp mái không theo kịp tiến độ của các dự án, dẫn đến quá trình nối lưới chậm.
Bên cạnh đó, thị trường cung cấp thiết bị hiện nay "thượng vàng hạ cám". Suất đầu tư cho mỗi kWp điện mặt trời áp mái dao động đến 50%, cụ thể là từ 11 đến 23 triệu đồng. Điều này dẫn đến hiệu suất phát điện và độ bền, an toàn của hệ thống lắp đặt cũng khác nhau.
"Hiệu suất điện mặt trời áp mái chuẩn là 16% nhưng giờ có một số đơn vị cung cấp giải pháp với hiệu suất trên 20%. Vì vậy, chúng tôi đề nghị mạnh dạn nâng tiêu chí kỹ thuật về hiệu suất lên 19-20% để các giải pháp được đầu tư ở Việt Nam nâng cao chất lượng hơn", ông Lâm nói.
Đồng tình vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Quân, Giám đốc công ty Sao Nam cho biết, 3 năm qua ngành điện mặt trời áp mái đã xuất hiện các vấn đề về an toàn và hiệu năng, cần được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành bộ tiêu chuẩn các thiết bị chính như pin quang điện, bộ chuyển đổi năng lượng cũng như công bố các thiết bị, nhà cung cấp đặt chất lượng liên quan. Việc kiểm định độc lập để xác nhận và công bố chất lượng thiết bị trước khi đấu nối lên lưới điện cũng thiếu các tổ chức có khả năng.
Ngoài ra, theo ông Hoàng Quốc Vượng, khung pháp lý cho điện mặt trời áp mái vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Tại một số địa phương, khi người dân muốn lắp điện mặt trời phải đi xin phép chính quyền. "Theo cơ chế hiện nay, nếu đầu tư điện mặt trời áp mái công suất dưới một MW thì không cần xin phép bổ sung vào quy hoạch nhưng trên một MW, thường là lắp trong các khu công nghiệp, việc cấp phép thế nào vẫn còn thiếu quy định", ông Vượng nói.