Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh - kỳ vọng trong tương lai không xa, mỗi học sinh sẽ là một sứ giả văn hóa của Quảng Ninh.
Cũng theo bà Thúy, việc đưa môn Giáo dục địa phương vào dạy chính thức ở tất cả cấp học sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Nhưng với Quảng Ninh, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, sẽ có rất nhiều câu chuyện, sự kiện cần được nghiên cứu, biên soạn đưa vào sách.
Lâu nay nhiều địa phương cũng đưa lịch sử, văn hóa… địa phương mình vào dạy trong trường. Vậy, chương trình Giáo dục địa phương lần này có gì đổi mới không, thưa bà?
- Lâu nay, các trường chỉ lồng ghép một số nội dung của địa phương vào trong các tiết học, nhưng từ năm học tới thì khác. Trước hết, đây là môn học bắt buộc và mỗi lớp sẽ có một bộ sách giáo khoa khác nhau. Cấp 1 mỗi năm học 35 tiết, thay vì 2-3 tiết như trước đây và được tích hợp vào các hoạt động trải nghiệm. Với học sinh từ cấp 2 trở lên, mỗi năm cũng có 35 tiết, nhưng đây sẽ là môn độc lập, được tính điểm như các môn học khác.
Việc xây dựng các bộ sách Giáo dục địa phương Quảng Ninh đến đâu rồi, thưa bà?
- Sở GDĐT Quảng Ninh được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các chuyên gia đã hoàn thành khung tổng thể nội dung dự kiến đưa vào giảng dạy. Tiếp đó, sở sẽ đi khảo sát thực hiện các địa điểm dự kiến đưa vào sách để đánh giá, có thể bớt hoặc bổ sung thêm các địa danh khác nếu cần thiết. Sau khi trình UBND tỉnh xem xét, Hội đồng thẩm định sẽ tiến hành thẩm định nội dung bộ khung và bắt đầu viết sách.
Vậy thì đầu năm học tới đưa sách vào giảng dạy liệu có kịp không, thưa bà?
- Lộ trình đưa Giáo dục địa phương vào dạy kéo dài đến hết năm học 2024-2025. Năm học 2020-2021, chỉ có khối lớp 1 mới học môn này và với những kiến thức hết sức cơ bản, nên sẽ kịp. Theo lộ trình, năm học 2021-2022 sẽ có thêm khối lớp 2 và lớp 6. Các khối lớp 3, 7, 10 sẽ học Giáo dục địa phương vào năm học 2022-2023. Tiếp đó là các khối lớp 4, 8, 11 vào năm học 2023-2024 và các khối lớp 5, 9, 12 vào năm học 2024-2025. Chúng tôi có 2 năm để hoàn thành các bộ sách cho tất cả khối, cấp.
Hầu hết các tỉnh, thành được giao quyền chủ động trong việc xây dựng các bộ sách này. Bà có thể chia sẻ những thách thức, khó khăn trong việc xây dựng các bộ sách?
- Quảng Ninh được ví là một “Việt Nam thu nhỏ”, có biển, đảo, rừng núi, biên giới, nhiều dân tộc cùng chung sống. Ngoài Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới, Yên Tử linh thiêng, Bạch Đằng hùng tráng thì Quảng Ninh còn có hàng trăm di tích gắn với lịch sử, văn hóa đặc sắc của cả dân tộc. Quảng Ninh còn là trung tâm khai thác than và hiện là một trong những cực tăng trưởng của cả nước. Chúng tôi sẽ cố gắng lựa chọn, tinh lọc những vấn đề cốt lõi nhất từ văn hóa, lịch sử, kinh tế, địa lý, chính trị, xã hội.
Quảng Ninh kỳ vọng gì khi đưa bộ môn Giáo dục địa phương Quảng Ninh vào trường học?
- Chúng tôi mong muốn môn học mới này góp phần trang bị cho con em Quảng Ninh hiểu biết hơn về địa phương trên các lĩnh vực, qua đó bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, có ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để tham gia giải quyết những vấn đề của địa phương. Hy vọng học hết lớp 12, học sinh sẽ có kiến thức vững vàng về quê hương mình và mỗi em sẽ trở thành những sứ giả văn hóa của Quảng Ninh.