Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Ví điện tử sắp có đối thủ mới?

Ví điện tử sắp có đối thủ mới?

Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt với sự xuất hiện của tiền di động có thể cạnh tranh với các ví điện tử. Đại diện các đơn vị quản lý ví điện tử lo ngại về việc định danh tài khoản khiến việc mở rộng tệp khách hàng khó khăn. Các ngân hàng ủng hộ sự xuất hiện của tiền di động và không cạnh tranh ở dịch vụ thanh toán.

Sau khi dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012 được lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây công bố không đưa tỷ lệ giới hạn nhà đầu tư nước ngoài 49% vào dự thảo trình Chính phủ.
NHNN cũng nhấn mạnh điểm mới về quy định hoạt động đại lý thanh toán. Các ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ... Quy định này sẽ mở ra sự phát triển cho tiền di động, một loại hình mới được nêu trong dự thảo.
Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Loại hình này mở ra cơ hội tham gia vào thị trường thanh toán với các doanh nghiệp viễn thông như Vietel, MobiFone, VNPT… Sau khi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt chính thức được thông qua, 100% thuê bao di động có thể tham gia thanh toán điện tử và có thể nộp/rút tiền qua các đại lý thanh toán.
Với hơn 126 triệu thuê bao di động phát sinh lưu lượng, theo số liệu của Bộ Thông tin & Truyền thông, tính đến cuối năm 2019, các công ty viễn thông có thể đưa dịch vụ thanh toán tiếp cận lượng khách hàng tại khắp cả nước, tới cả những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, ở vùng sâu, vùng xa…
Đây cũng là mục tiêu của NHNN khi chấp thuận loại hình tiền di động và cho phép các công ty viễn thông tham gia vào thị trường thanh toán, hướng đến phổ cập tài chính sâu rộng tới người dân.
Ví điện tử "lo"
Sự xuất hiện của tiền di động được cho là sẽ cạnh tranh với ví điện tử, một phương thức thanh toán mới phát triển mạnh tại Việt Nam trong 2 năm gần đây. Theo báo cáo của J.P.Morgan, 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử được thực hiện qua ví điện tử tại Việt Nam. Con số này ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%).
Việt Nam có hơn 62,6 triệu thuê bao sử dụng dữ liệu (truy cập 3G, 4G...), kết hợp với dân số trẻ cao, được cho là thị trường tiềm năng để ví điện tử phát triển. Tuy nhiên, những đối tượng trên cũng là “tập con” khách hàng của các đơn vị viễn thông và chính điều đó đặt ra thách thức đối với các nhà điều hành ví điện tử.
Ví điện tử sắp có đối thủ mới? - Ảnh 1.
Ví điện tử lo ngại về việc phát triển khách hàng khi tiền di động được chấp thuận. Ảnh: Trí Thức Trẻ. 
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra cuối năm 2019, bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch HĐQT Zion, đơn vị quản lý ZaloPay, đã bày tỏ sự lo ngại về việc mở rộng thị phần và phát triển khách hàng của ví điện tử khi nghị định được thông qua.
Theo bà Thanh, quy định trong dự thảo cho phép các doanh nghiệp viễn thông định danh tài khoản tiền di động thông qua tài khoản viễn thông mà không cần tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, ví điện tử bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng là không công bằng với ví điện tử. “Nếu vậy chúng tôi sẽ mở rộng tệp khách hàng như thế nào?”, bà Thanh đặt vấn đề. Vị này cũng đề xuất nếu người dùng chỉ sử dụng tiền điện tử trong ví điện tử để giao dịch mà không có hoạt động rút tiền thì không cần liên kết tài khoản ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch đồng sáng lập Ví MoMo đặt vấn đề liệu có sự không công bằng giữa tiền di động hoặc ví điện tử trong việc định danh tài khoản. Điều này sẽ bó hẹp sự phát triển của ví điện tử khi đối tượng khách hàng hướng đến chỉ khoảng 20-30% dân số, trong khi dư địa còn lại lớn. 
Theo số liệu Vụ Thanh toán NHNN công bố tại Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) vào đầu tháng 11/2019, Việt Nam có 43 triệu người trên 15 tuổi, tương đương 63% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Trước đó, một số tổ chức quốc tế, các chuyên gia thường lấy số liệu từ WB cho biết có 31% người Việt có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, đây là thông tin không chính xác bởi số liệu này từ năm 2014.
Ngân hàng ủng hộ
Trong khi các ví điện tử lo lắng về nghị định mới với sự xuất hiện của tiền di động thì một số lãnh đạo ngân hàng, dù đang phát triển mạnh mô hình ngân hàng số, lại có phần ủng hộ loại hình này.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết ủng hộ tiền di động. Theo vị này, mục tiêu cuối cùng vẫn là để người dân thanh toán mọi lúc mọi nơi. Ông lấy ví dụ, khi tiền di động được chấp thuận, nạp 1 triệu đồng vào tài khoản di động có thể chi ngay 300.000 đồng tiền điện, 200.000 đồng tiền nước. “Cùng tài khoản viễn thông, người dân có thể thanh toán nhiều khoản nhỏ khác. Điều này rất thuận lợi”, ông Thắng nói.
Ông cũng cho rằng mục tiêu ngân hàng không cạnh tranh ở lĩnh vực dịch vụ thanh toán mà quan trọng là với các cổng thanh toán bằng dịch vụ ngân hàng số. Các ngân hàng sẽ hướng đến những giao dịch lớn, khách hàng lớn. Mỗi bên sẽ có một đối tượng khác nhau để phục vụ. Đích đến cuối cùng, theo ông, là để người dân thuận tiện giao dịch, thanh toán dịch vụ.
Đồng quan điểm này, ông Từ Tiền Phát, Phó Tổng giám đốc ACB nhận định lĩnh vực ngân hàng và viễn thông là 2 phân khúc khác nhau. Ngân hàng chủ yếu phục vụ người dân thành thị là nhiều, còn tiền di động phục vụ cho phân khúc những người ở khu vực xa, Điều này sẽ tạo nên hệ sinh thái đầy đủ cho lĩnh vực tài chính, không tạo nên cạnh tranh.
Trong công bố gần đây, NHNN cũng cho rằng sự đời của tiền di động và đại lý thanh toán sẽ giúp các ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trước vấn đề mà các đơn vị làm ví điện tử kiến nghị, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), nhận định không có sự phân biệt đối xử giữa ví điện tử và tiền di động. Các ví điện tử, trung gian thanh toán đã phát triển trước rất sớm. Cạnh tranh sẽ có nhưng là cơ hội cho cả hai bên. Việc chấp thuận tiền di động là nhằm cung cấp cho người dân ở các vùng sâu, biên giới hải đảo thêm phương tiện thanh toán mới. Hiện nay ở thành thị, các ngân hàng có thể tiếp cận tương đối người dân nhưng ở vùng sâu khó vươn tới được. NHNN đánh giá mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn.

Mức giá dữ liệu di động của các quốc gia trên thế giới: Ấn Độ rẻ nhất chỉ với 2000 đồng/GB trong khi nơi đắt nhất lên đến 635.000 đồng/GB

Mức giá dữ liệu di động của các quốc gia trên thế giới: Ấn Độ rẻ nhất chỉ với 2000 đồng/GB trong khi nơi đắt nhất lên đến 635.000 đồng/GB

Mức giá để sử dụng các gói dữ liệu di động của các quốc gia trên thế giới ít nhiều cũng có sự chênh lệch do khác biệt về mặt cơ sở hạ tầng và số lượng nhà mạng.

Ngày nay, điện thoại di động nói chung và smartphone nói riêng đã trở thành 1 phần không thể thiếu trong đời sống của hàng tỉ người dân trên toàn thế giới. Ngay cả tại những thị trường nhỏ, mạng di động cũng đóng 1 vai trò quan trọng và đang không ngừng phát triển, mở rộng hơn nữa. Theo thống kê của Visual Capitalist, chỉ trong vòng 5 năm qua, đã có thêm 1 tỉ người có cơ hội tiếp xúc và sử dụng các dịch vụ dữ liệu di động để truy cập Internet ở bất kỳ đâu.
Mặc dù đều sở hữu tốc độ phát triển như vũ bão, nhưng mạng di động tại các khu vực, quốc gia khác nhau ít nhiều cũng có nhiều điểm khác nhau, đặc biệt là về phần chi phí dịch vụ. Mới đây, Cable.co.uk đã đưa ra 1 biểu đồ so sánh trực quan về mức giá dành cho 1GB dữ liệu di động tại 155 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế mới thấy, được phủ sóng là 1 chuyện, còn có thể truy cập được mạng hay không lại là chuyện khác. Bởi không phải ai cũng có thu nhập giống nhau, trong khi tại nhiều nước, đặc biệt là ở Châu Phi, mức giá dành cho chỉ 1GB dữ liệu di động cũng đã khá “chát” rồi.
Mức giá dữ liệu di động của các quốc gia trên thế giới: Ấn Độ rẻ nhất chỉ với 2000 đồng/GB trong khi nơi đắt nhất lên đến 635.000 đồng/GB - Ảnh 1.
Chi phí cho dữ liệu di động tại các quốc gia khác nhau ít nhiều cũng có sự chênh lệch nhất định.
Để lý giải cho sự chênh lệch giá này, đội ngũ nghiên cứu đã đưa ra 5 yếu tố quan trọng nhất:
Cơ sở hạ tầng: Nghe thì có vẻ hơi ngược đời 1 chút về mặt ngữ nghĩa, nhưng đa số mạng di động hiện nay lại dựa vào kết nối cố định. Vì vậy, những quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt, ví dụ như Ấn Độ hay Italy, có thể cung cấp các gói dịch vụ với nhiều dữ liệu hơn cùng mức giá rẻ hơn. Trái lại, những khu vực không có cơ sở hạ tầng ổn định thì phải dựa vào những kết nối thay thế khác tốn kém hơn, ví dụ như kết nối vệ tinh.
Mức độ cạnh tranh giữa các nhà mạng: Khi dữ liệu di động trở thành công cụ truy cập Internet chính tại 1 khu vực, đương nhiên nhu cầu sử dụng tại đó sẽ rất cao. Điều này sẽ đẩy các nhà cung cấp mạng vào 1 cuộc cạnh tranh khốc liệt, khi mà giờ đây ai cũng cần phải dùng dữ liệu di động. Và bên cạnh tốc độ, thì mức giá càng rẻ càng tốt chính là 1 tiêu chí quan trọng mà họ sẽ cân nhắc lựa chọn.
Mức độ sử dụng dữ liệu di động quá thấp: Những quốc gia có cơ sở hạ tầng kém thường có xu hướng sử dụng ít dữ liệu hơn. Với các gói di động cung cấp giới hạn dữ liệu thấp hơn, mức chi phí trung bình dành cho mỗi GB lại cao hơn.
Thu nhập trung bình của người dùng: Với những quốc gia giàu có như Canada hay Đức thường có xu hướng tính giá dữ liệu di động cao hơn, nhưng vẫn rất phù hợp với túi tiền người dùng. Ngoài ra, 1 lý do khác là chi phí vận hành mạng di động tại những quốc gia này cũng khá đắt đỏ.
Mức giá dữ liệu di động của các quốc gia trên thế giới: Ấn Độ rẻ nhất chỉ với 2000 đồng/GB trong khi nơi đắt nhất lên đến 635.000 đồng/GB - Ảnh 2.
Top 5 quốc gia cho mức phí dữ liệu di động rẻ nhất.
Ngay cả trong nhóm những quốc gia có chi phí dữ liệu di động rẻ nhất cũng có sự chênh lệch rõ rệt. Ví dụ như tại Ấn Độ, người dùng chỉ cần bỏ ra 0.09 USD (hơn 2000 đồng) là đã có ngay 1GB dữ liệu để sử dụng, và con số này là đã giảm 65% so với năm ngoái. 1 trong những lý do giúp người dân tại đây có thể sử dụng mạng di động “hạt dẻ” như vậy chính là do mức độ cạnh tranh gay gắt giữa các nhà mạng, với sự xuất hiện của Reliance Jio.
Sau khi ra mắt vào năm 2016, Reliance Jio đã có 1 nước đi thông minh, cho phép khách hàng sử dụng thử miễn phí dịch vụ của mình trong 1 thời gian nhất định, và sau đó là tung ra gói cước chưa đến 1 USD/tháng. Điều này đã khiến các đối thủ khác buộc phải giảm giá dịch vụ khẩn cấp để duy trì sức cạnh tranh với họ. Tuy nhiên, vì những mức giá này thường không ổn định trong 1 thời gian dài nên có thể trong tương lai gần, các gói dịch vụ “rẻ như cho không” sẽ biến mất khỏi thị trường Ấn Độ.
Một trường hợp đáng chú ý khác là Kyrgyzstan, xếp thứ 3 trong danh sách này với chỉ 0.21 USD/GB (gần 5000 đồng), xếp trên cả Italy và Ukraine. Điểm bất ngờ nằm ở chỗ cơ sở hạ tầng tại Kyrgyzstan vẫn còn khá hạn chế, ít khu thành thị sầm uất mà chủ yếu là nông thôn. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng có thể do dữ liệu di động là nguồn cung cấp Internet chính tại quốc gia này nên mới có giá thấp như vậy, để phần lớn người dân đều được sử dụng thoải mái.
Dù không nằm trong Top 5 nhưng mức giá dịch vụ ở Việt Nam cũng khá dễ chịu, khoảng 0.57 USD/GB (hơn 13.000 đồng), đứng vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng chung.
Mức giá dữ liệu di động của các quốc gia trên thế giới: Ấn Độ rẻ nhất chỉ với 2000 đồng/GB trong khi nơi đắt nhất lên đến 635.000 đồng/GB - Ảnh 3.
Top 5 quốc gia cho mức phí dữ liệu di động đắt đỏ nhất.
Điểm đáng chú ý đầu tiên trong danh sách trên đây là có đến 4/5 quốc gia nằm ở khu vực Châu Phi Hạ Sahara (Sub-Saharan Africa - SSA). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là việc thiếu hụt cơ sở vật chất, mạng di động còn nhiều hạn chế khiến họ không thể cung cấp quá nhiều lưu lượng cho người dùng. Nguyên nhân thứ 2 là việc có quá ít các nhà cung cấp mạng tại SSA. Tại những quốc gia có sức cạnh tranh cao hơn như Nigeria, mức giá dịch vụ rõ ràng là thấp hơn rất nhiều.
Câu hỏi đặt ra là liệu trong tương lai, mạng di động có thể phủ sóng rộng rãi trên toàn thế giới với mức phí không quá chênh lệch hay không? Hay là khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia sẽ ngày 1 rộng hơn nữa? Hiện tại, các chuyên gia cho rằng mới chỉ có 7 quốc gia sẽ đầu tư, ứng dụng rộng rãi mạng 5G. Còn liệu công nghệ này có trở nên phổ biến hay không, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất.

EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam

EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam

Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này.

Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.
EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 56,39 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD). Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
Theo đánh giá của ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), từ khoảng những năm 90 đến nay, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt FTA, độ mở của nền kinh tế rất lớn. Với EVFTA, EU sẽ là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và thị trường này sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam - Ảnh 1.
Với EVFTA, EU sẽ là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam,
Ông Tùng nhận định, từ trước đến nay, chưa có một đối tác nào cam kết ở mức cao như trong EVFTA. Hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may... lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm với mức xóa bỏ dần hàng năm. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu. “Hiệp định này sẽ đem lại giá trị giá tăng về GDP cho nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng cũng có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu”, ông Tùng nói.
Chia sẻ những con số đong đếm cụ thể hơn, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Phân tích rõ hơn ở góc độ xuất khẩu, theo ông Khanh, mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế.
Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ,... là rất đáng kể.
"Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)", ông Khanh nhấn mạnh.
Gia tăng thu hút FDI từ EU
Riêng ở góc độ thu hút đầu tư, ông Ngô Chung Khanh nhận định, môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.
Hàng loạt lĩnh vực EU có thế mạnh như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến sẽ là những lĩnh vực EU đầu tư vào Việt Nam và đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần đầu tư và phát triển toàn diện.
Dù vậy, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, nên thận trọng khi nhìn nhận vấn đề này bởi trước đây với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh giá khi có hiệu lực sẽ làm tăng thu hút FDI nhưng sau một năm CPTPP có hiệu lực, tổng kết lại cho thấy thu hút đầu tư theo chiều giảm xuống.
"Việt Nam đang trong tâm thế “đón đại bàng làm tổ” nhưng đón được hay không, lan tỏa đầu tư đến đâu thì khó đưa ra nhận định chắc chắn. Tuy nhiên, tôi cảm nhận với EVFTA thu hút đầu tư sẽ tăng, khác với CPTPP", ông Khanh nhận định.
Liên quan tới vấn đề tăng thu hút FDI từ EU, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng, đầu tư FDI sẽ tăng hơn nhưng không diễn ra xu thế dịch chuyển thật nhanh, nhất là trong khối doanh nghiệp EU.
“Qua tiếp xúc tới cộng đồng doanh nghiệp lớn của EU đang hiện diện và chưa hiện diện tại Việt Nam, điều nhận thấy là họ đang tìm hiểu, nắm bắt xu hướng dịch chuyển, chỉ là họ sẽ lựa chọn điểm đến nào thôi. Trong ASEAN, họ sẽ cân nhắc Việt Nam, Indonesia, Thái Lan..., hoặc ngoài ASEAN là Ấn Độ. Có thể nói Việt Nam đang là mục tiêu lựa chọn hàng đầu nhưng dịch chuyển đầu tư sẽ mất thời gian", ông Minh lưu ý./.

Hàng loạt việc làm đã 'rơi' theo đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, sau nửa năm cắt giảm hàng loạt, lượng lao động bị thôi việc sắp tới vẫn tăng do đơn hàng ngày càng giảm.

Hoàng, một thợ mộc trong xưởng sản xuất gỗ ở Kon Tum hồi tháng 3, được thông báo nghỉ việc vì Covid-19. Chủ doanh nghiệp hứa tuyển dụng trở lại sau. Đến đầu tháng 7, Hoàng gọi lên hỏi thì được công ty trả lời "vẫn khó khăn do đơn hàng xuất khẩu chưa trở lại".

"Tôi tiếp tục viết đơn xin việc vào công ty chuyên làm ốc vít ở quận 7 (TP HCM) nhưng không đạt nên đành khăn gói về quê làm nông", anh Hoàng nói.

Ông Thắng, chủ một doanh nghiệp gỗ ở TP HCM rất thấu hiểu tình cảnh này của những người lao động như Hoàng. Ông kể, trước nay các đơn hàng xuất khẩu tại công ty mình chiếm 70%. Nhưng từ khi xuất hiện dịch, ông buộc phải ngưng xưởng làm hàng xuất khẩu và cho hơn 60% nhân viên công ty nghỉ việc, nhân viên còn lại sang xưởng sản xuất hàng nội địa.

"Thị trường nội địa hoạt động cũng còn cầm chừng nên doanh thu và lợi nhuận chỉ đủ trả chi phí cho người lao động có thu nhập", ông Thắng nói.

May mắn hơn Hoàng, Sang, quê ở Hà Tĩnh, quản lý ở bộ phận dán đế giày tại Công ty PouYuen (quận Bình Tân, TP HCM) vừa bị thông báo nghỉ việc dù đã gắn bó với doanh nghiệp này gần 10 năm.

"Trước đó, ban lãnh đạo công ty thông báo sẽ cho nghỉ hàng loạt nhưng tôi không nghĩ rơi vào mình vì đã làm tới cấp quản lý. Mặc dù được doanh nghiệp trợ cấp khoảng 70 triệu đồng và sắp tới nhận thêm 40 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp từ bảo hiểm, tôi vẫn thấy chật vật", anh Sang nói.

Không thể xin việc tại các doanh nghiệp cùng ngành khác vì họ cũng đang giảm nhân sự, Sang đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Những công việc không chuyên thì lương tuyển dụng chỉ ở mức 5-6 triệu đồng, theo Sang, không đủ chi phí cho gia đình có 2 con nhỏ.

"Nếu muốn có công việc ổn định mới chắc phải chờ thời gian dài nữa", anh Sang nói.

Công nhân Công ty PouYuen sau giờ làm việc. Ảnh: Lê Tuyết.

Công nhân Công ty PouYuen sau giờ làm việc. Ảnh: Lê Tuyết.

Không chỉ những người lao động trên là "nạn nhân" của Covid-19, mà theo khảo sát của hầu hết hiệp hội ngành nghề, 6 tháng cuối năm tình trạng thất nghiệp sẽ còn gia tăng. Nhiều doanh nghiệp cho VnExpress biết phải cắt giảm 20-30% nhân sự trong nửa đầu năm. Riêng những doanh nghiệp lượng đơn hàng giảm tới 70% cũng đã "mạnh tay" cắt một nửa nhân sự để duy trì hoạt động. Một số nhỏ khác thì đã đóng cửa ngưng hoạt động.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), trong doanh nghiệp gỗ, mức giảm nhân sự bình quân 20-30%. Từ tháng 4 đến nay, các quốc gia là thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU đều thông báo hủy, giảm, hoãn vô thời hạn các đơn hàng đã ký. Nhóm doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nội thất là giường ngủ và sản phẩm nội thất đắt tiền chững lại. Do đó, ngoài việc cắt giảm nhân sự, nhiều doanh nghiệp còn cho nghỉ luân phiên và giãn cách để tránh cho thôi việc hàng loạt.

Cùng với ngành gỗ, nhóm dệt may, thêu đan đang chịu tổn thất và tác động nặng nề. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Thêu Đan TP HCM bộc bạch, các doanh nghiệp dệt may từ lớn cho đến nhỏ đang ngày càng "thấm đòn".

Nếu đầu tháng 2, lượng đơn hàng giảm 20-30% thì nay hầu hết giảm trên 50%. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang may khẩu trang nhưng cũng không "ăn thua" vì các sản phẩm làm ra bán không được như kỳ vọng và đang chững lại.

Với doanh nghiệp nhỏ, tình trạng hàng tồn khẩu trang đang là bài toán khó giải quyết vì trong nước sức tiêu thụ chậm còn trên thế giới thì các thị trường như Mỹ, châu Âu đang "đóng băng".

Ông Hồng nói, riêng thị trường Nhật Bản có khả quan hơn nhưng dự báo từ nay tới cuối năm cũng gặp khó. Tỷ lệ cho người lao động trong nhóm doanh nghiệp dệt may, thêu đan ở TP HCM nghỉ việc ở mức 25-30%. Mức này có thể sẽ còn tăng tới 40% vào cuối năm 2020.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, đơn hàng thủy sản đang dần được cải thiện nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho người lao động thôi việc trong ngành này chiếm khoảng 20%. Nhiều doanh nghiệp đang bị giảm sút doanh thu nghiêm trọng.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính hết quý II, số người thất nghiệp tăng lên ở mức khoảng 1,5 triệu người, tăng hơn 200.000 người so với quý trước.

Khi cắt giảm, một số doanh nghiệp có khoản trợ cấp đáng kể hỗ trợ. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ, lẻ, mức hỗ trợ này không nhiều và thậm chí không có vì bản thân công ty cũng "cạn kiệt". Theo ông Hòe, doanh nghiệp thủy sản vốn dĩ lợi nhuận thu được không cao nên hầu như khi cho người lao động nghỉ việc sẽ không có trợ cấp từ doanh nghiệp.

Để tạo việc làm cho người lao động và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước, giảm giá thành, sử dụng giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến...

Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, xây dựng thương hiệu gỗ Việt cho các sản phẩm gỗ và lâm sản được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để từng bước khẳng định uy tín, vị thế của sản phẩm gỗ Việt Nam tại các thị trường trong nước và quốc tế.

Với ngành dệt may, thủy sản, lãnh đạo hai hiệp hội trên cho rằng, doanh nghiệp cần tìm các thị trường thay thế. Với những thị trường trọng điểm, cần tạo sức cạnh tranh với các đối thủ bị tác động mạnh bởi Covid-19 mà chưa kiểm soát được để tăng thị phần.

Việt Nam có hai khách sạn mới đẹp nhất châu Á

Hai khách sạn ở Quảng Nam và Vũng Tàu vào danh sách 20 khách sạn cao cấp mới mở đẹp nhất khu vực châu Á năm 2020.
Shilla Monogram Danang là một khách sạn ven biển của Quảng Nam, gồm 309 phòng nằm giữa thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Địa chỉ lưu trú này mới khai trương đầu năm 2020, với giá phòng từ 200 USD/đêm.
Fusion Suites Vung Tau cũng vừa mở cửa tháng 1/2020 nằm ở Vũng Tàu, thành phố biển cách TP HCM chỉ 2 tiếng di chuyển. Khách sạn có 21 tầng với 171 phòng xây theo kiến trúc thuộc địa và nằm ven biển nên du khách có thể tiếp cận bằng cả đường bộ và đường thủy.
InterContinental Maldives là khách sạn kiêm khu nghỉ dưỡng đầu tiên thuộc hệ thống InterContinental đặt tại Maldives, gần đảo san hô vòng Baa, một khu dự trữ sinh quyển ở Ấn Độ Dương. Khách sạn có 81 căn villa trên bờ biển, trên biển và trong vùng vịnh.
Aman Kyoto là một khách sạn tối giản tại Nhật Bản, với các căn phòng nhiều ánh sáng và tận dụng triệt để không gian xung quanh. Cả trong và ngoài khách sạn đều có bể tắm onsen, suối nước nóng để phục vụ khách. Mỗi đêm nghỉ tại đây có giá từ 1.000 USD.
Khách sạn Risonare Nasu gồm 43 phòng nghỉ trang trí theo phong cách tao nhã nằm dưới chân núi Nasu cách Tokyo, Nhật Bản hơn 2 giờ đi tàu hoặc buýt. Hoạt động của khách sạn kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch nên du khách tới nghỉ sẽ được trải nghiệm cuộc sống nông dân cũng như thưởng thức nông sản tươi ngon của địa phương. Giá phòng một đêm từ 386 USD, đã bao gồm bữa sáng.
W Chengdu nằm ở Thành Đô, Tứ Xuyên, thành phố nổi tiếng với gấu trúc và những món ăn cay nồng của Trung Quốc. Khách sạn này có 297 phòng có trang trí đặc trưng theo văn hóa địa phương, trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Mỗi đêm nghỉ tại đây giá từ 195 USD.
Chedi Mumbai là khu nghỉ dưỡng có 316 phòng nằm ở thành phố Mumbai, thủ phủ thương mại của Ấn Độ. Du khách ở đây được tận hưởng các dịch vụ như bể bơi, spa, quán bar, nhà hàng Nhật, nhà hàng đồ chay. Một đêm nghỉ có giá từ 160 USD.
Rosewood Guangzhou ở Quảng Châu, Trung Quốc là khách sạn gồm 251 phòng với tầm nhìn ấn tượng. Tại đây có nhà hàng và quán bar cao nhất của Trung Quốc, nơi thực khách có thể vừa ngắm núi Bạch Vân vừa nhâm nhi đồ uống.
Bhutan dần dần trở thành một điểm du lịch cao cấp với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu nổi tiếng và sang trọng. Six Senses Bumthang là một khách sạn nằm giữa rừng thông và chỉ có 8 phòng suite và một căn villa hai giường ngủ xây kèm bể tắm nước nóng truyền thống của người Bhutan. Du khách phải trả từ 1.302 USD cho một đêm nghỉ tại đây.
Legian Sire ở Lombok, Indonesia chỉ cách Bali 40 phút bay nơi những bãi biển nguyên sơ và hướng về phía quần đảo Gili xinh đẹp. Khu nghỉ dưỡng này có 2 bể bơi vô cực dài 55 và 75 m, hướng mặt ra bờ biển dài với cát trắng mịn màng. Giá phòng một đêm từ 347 USD.