Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Bắc Giang: Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

 

Sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của mỗi quốc gia, thể hiện ở chỗ:

- Là nhân tố mang lại sự phát triển đột phá của mỗi quốc gia, địa phương. Thực tế đã chứng minh quốc gia nào có nhiều sáng chế độc quyền thì càng phát triển.

- Là công cụ cạnh tranh biểu hiện cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

- Là phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia (dựa vào tài sản trí tuệ).

- Là cách thức để các nước đang phát triển tiếp cận bền vững với các hoạt động như đầu tư, chuyển giao công nghệ, hội nhập hiệu quả.

- Là yếu tố quan trọng để chống lại các nguy cơ tụt hậu.

Tuy nhiên, hiện nay số phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Điều đó có nghĩa là quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ sở hữu trí tuệ và đây là đại diện lớn cho phát triển tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo.

Chủ đề ngày sở hữu trí tuệ thế giới là “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ  - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm tôn vinh phụ nữ tài năng; Hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ; Giải phóng sự khéo léo và sáng tạo của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tìm hiểu và sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ.

Với thông điệp đó, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai nhiều hoạt động để phụ nữ có thể tiếp cận, tham gia sở hữu trí tuệ- khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như:

- Phối hợp tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của phụ nữ.

- Phát hiện, giới thiệu các cá nhân, nhóm cá nhân là nữ có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi từ Kế hoạch số 564/KH-UBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh về việc Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho cán bộ nữ tham gia quản lý doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu cho phụ nữ khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo. Tư vấn, kết nối với các cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, phát minh, sáng chế và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường./.

Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở

Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông.

Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để tiếp tục phát triển công tác khuyến nông trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo củng cố và phát triển các mô hình khuyến nông cộng đồng để trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở, gắn với phát triển các vùng nguyên liệu nông - lâm - thủy sản quy mô lớn, đạt chuẩn.

Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Tập trung nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật cho nông dân, đồng hành với nông dân. Hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp ở địa phương, bao gồm cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tư vấn, dịch vụ, thương mại nông sản, kết nối thị trường, cung cấp thông tin thị trường, giá cả cho nông dân. Tư vấn tổ chức lại sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tư vấn về chính sách, trực tiếp chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống.

Đối với các tỉnh thuộc Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện theo nội dung Đề án đã phê duyệt. Đối với những tỉnh không thuộc Đề án, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm 01 năm triển khai Đề án thí điểm để vận dụng, áp dụng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đa dạng hóa các hình thức hoạt động khuyến nông, phát triển hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở cơ sở, mở rộng hệ thống khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông hợp tác xã, khuyến nông cộng đồng,… đáp ứng nhu cầu của sản xuất, thị trường.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức thị trường, tổ chức sản xuất, công nghệ số,… cho lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cán bộ khuyến nông cơ sở, hỗ trợ các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông công tác lâu dài, gắn bó với nghề. Tăng cường kết nối hệ thống khuyến nông theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Nguyễn Miền

Phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị

 Bắc Giang là một tỉnh miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng khí hậu thổ nhưỡng phì nhiêu rất thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp. Không những thế, Bắc Giang còn được biết đến với nhiều làng nghề với nhiều sản vật tinh xảo, văn hóa ẩm thực phong phú; hệ thống sông suối, hồ, các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. 

Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Ảnh: BGP/An Nhiên

Với diện tích tự nhiên hơn 382,2 nghìn ha, trong đó có 123 nghìn ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, 110 nghìn ha đất lâm nghiệp, 119,6 nghìn ha đất ở, đất chuyên dùng và đồi núi trọc, Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là thế mạnh của tỉnh trong việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Với điều kiện tự nhiên ưu đãi và con người cần cù, sáng tạo, tỉnh Bắc Giang đã tạo ra các vùng sản xuất nông nghiệp khá đa dạng, với nhiều sản phẩm phong phú. Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển ổn định và khá toàn diện. Tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất cây, con tập trung, chuyên canh có hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là một lợi thế để phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Vải thiều là một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/An Nhiên

Bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, được nhiều người biết đến của tỉnh như: vải thiều, bưởi, cam Lục Ngạn, na Lục Nam, ổi, vú sữa Tân Yên, lúa thơm Yên Dũng, gà đồi Yên Thế, lợn sạch Tân Yên…, Bắc Giang còn được biết đến với các sản vật tinh xảo, văn hóa ẩm thực phong phú của các làng nghề, là cái nôi lưu giữ những giá trị truyền thống vô cùng độc đáo. Các sản phẩm được kể đến là: mây tre đan, gốm sứ, rượu, mỳ, bánh đa… Tất cả đều được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo, với bí quyết nghề gia truyền độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác, kết tinh trong mỗi sản phẩm làng nghề và làm nên nét rất riêng, đặc trưng của Bắc Giang, được người tiêu dùng mến mộ, vinh danh, ưa chuộng không chỉ thị trường trong nước mà có mặt tại các thị trường nước ngoài.

Không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp, Bắc Giang còn được biết đến với nhiều làng nghề. Ảnh: BGP/An Nhiên

Để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (cấp xã, huyện) theo chuỗi giá trị, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Điển hình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, xác định nhóm sản phẩm chủ lực có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương (sản phẩm OCOP) phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 70 loại sản phẩm OCOP, trong đó có 03 sản phẩm đạt 5 sao (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế), bao gồm: vải thiều Lục Ngạn, rượu làng Vân, mỳ Chũ và khoảng 30 - 40% hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Đến năm 2030, phấn đấu toàn tỉnh có khoảng 170 loại sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm đạt 5 sao và khoảng 60 - 70% hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020, triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; phát triển ít nhất 3 sản phẩm OCOP (vải thiều Lục Ngạn, Mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế…) đạt hạng 5 sao cấp quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế); phát triển mới ít nhất 10 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.

Mỳ Chũ Lục Ngạn là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ảnh: BGP/An Nhiên

Giai đoạn 2021 - 2030, phát triển thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế); triển khai thực hiện từ 1 - 3 mô hình làng văn hóa du lịch (tại khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, huyện Sơn Động; khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam; khu du lịch sinh thái Xuân Lung Thác Ngà huyện Yên Thế); triển khai phát triển 06 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên…

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam. Ảnh: BGP/An Nhiên

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang xây dựng Chuyên trang “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại địa chỉ: https://bacgiang.gov.vn/web/ocop/trang-chu nhằm giới thiệu, quảng bá một cách hệ thống, bao quát các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, đặc trưng thế mạnh của tỉnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế./.

An Nhiên

 

Sâm Nam núi Dành Tân Yên

 

Hiện nay, Sâm Nam núi Dành Tân Yên là một trong những cây dược liệu quý được UBND huyện Tân Yên chỉ đạo phát triển, nâng cao giá trị và xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Người dân xã Liên Chung chăm sóc cây sâm Nam núi Dành.

Sâm Nam núi Dành từ lâu được coi như một loại thần dược, đã có cách đây khoảng hơn nghìn năm. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, có ghi “Sâm Nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cỏ thi cũng có ở đỉnh Chung Sơn”. Núi Chung Sơn được nhắc tới đó là núi Dành ngày nay, thuộc địa phận xã Liên Chung và xã Việt Lập, huyện Tân Yên.

Cây sâm Nam núi Dành được tìm thấy tại khu vực ven sườn núi Dành, có nhiều công dụng dược liệu, bồi bổ cơ thể nên được một số hộ dân mang về trồng và tự nhân giống tại địa bàn xã Liên Chung và Việt Lập chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng tại gia đình.

Hiện nay, giống sâm Nam núi Dành có loại gồm loại 3 lá chét và 5 lá chét nhưng đều có các hoạt chất và công dụng tương đương nhau. Chất lượng của sâm Nam núi Dành phụ thuộc vào độ tuổi của cây và một số hoạt chất chính trong cây.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Di truyền Nông nghiệp năm 2018 và Trung tâm Giống cây ăn quả Bắc Giang năm 2020 về phân tích một số nhóm chất chính trong mẫu củ và hoa sâm có chứa các chất gồm: Saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid. Hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các chất này càng cao, cho giá trị kinh tế cao hơn.

Saponin trong sâm có tác dụng cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như: Axit amin, vitamin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa; làm long đờm, chữa ho; làm tăng tính thấm của tế bào trong cơ thể, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất; chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus; một số saponin có mặt trong sâm có tác dụng chống lại các tế bào ung thư…

Theo UBND huyện Tân Yên, diện tích trồng sâm Nam núi Dành đã được mở rộng lên 24 ha tại các xã Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến. Trong đó diện tích cho thu hoạch củ là 2,5 ha, cho thu hoạch hoa 15 ha. Sản phẩm chủ yếu để tiêu dùng tại địa phương, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 5 tỷ đồng/ha/chu kỳ khai thác 5 năm.

Sản phẩm sâm Nam đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” trên 2 địa bàn xã Liên Chung, Việt Lập. Năm 2022, sản phẩm nụ hoa sâm Nam núi Dành khô của HTX sản xuất sâm Nam núi Dành Liên Chung được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Ngày 14/4/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (đợt 2). Trong đó, có mô hình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ, du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên.

Nhằm bảo tồn, phát triển nâng cao giá trị và xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến dưới dạng sản phẩm tinh… huyện Tân Yên xây dựng Đề án “phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027”. Mục tiêu của Đề án xây dựng, mở rộng diện tích sâm Nam núi Dành tại một số xã gồm Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến, Thị trấn Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung, Liên Sơn, Hợp Đức… Đến năm 2027, diện tích sâm trồng mới 100 ha và phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 150 ha; hoàn thiện quy trình sản xuất, nhân giống sâm Nam núi Dành tại địa bàn để quản lý nguồn giống chất lượng, phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại huyện; đồng thời từng bước hình thành mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh…

Để cây sâm phát triển nhanh, hiệu quả bền vững, trong thời gian tới, huyện Tân Yên tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống để tạo ra cây giống có chất lượng, đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu nguồn giống để mở rộng vùng nguyên liệu. Áp dụng các quy trình sản xuất an toàn theo chuỗi khép kín, hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất.

Đẩy mạnh, khuyến khích sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư về liên kết trồng, thu mua chế biến nâng cao giá trị cây sâm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời bảo vệ, phát triển và quản lý nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, mở rộng quảng bá, hướng tới sản phẩm sâm Nam là một trong số sản phẩm Quốc gia được đông đảo khách trong nước và quốc tế biết đến./.

Nguyễn Miền

Bắc Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án hơn 130 triệu USD

 

Chiều 04/5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án với tổng số vốn đăng ký 132 triệu USD. Dự hội nghị có đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
cho các nhà đầu tư.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án “Sản xuất cung ứng vật liệu ứng dụng HIUV” cho nhà đầu tư Hiuv Applied Material Technology Investment Pte.Ltd và dự án “Nhà máy đầu tư Yonz Technology (Việt Nam)” cho nhà đầu tư Yonz Technology Singapore Pte.Ltd.

Dự án “Sản xuất cung ứng vật liệu ứng dụng HIUV” tập trung sản xuất màng bảo vệ tự dính PET, màng EAV, màng Silicon, vật liệu film, các chế phẩm và nguyên vật liệu từ plastic phục vụ cho các ngành năng lượng mặt trời, với quy mô 200 triệu msản phẩm/năm. Địa điểm thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Việt - Hàn (huyện Việt Yên), quy mô 52.803 m, tổng vốn đầu tư 90 triệu USD.

Tiến độ thực hiện dự án 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sử dụng khoảng 300 lao động với thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Khi đi vào hoạt động ổn định, dự án sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 44,5 tỷ đồng/năm.

Dự án “Nhà máy đầu tư Yonz Technology (Việt Nam)” của nhà đầu tư Yonz Technology Singapore Pte.Ltd tập trung sản xuất, gia công khung nhôm phục vụ cho ngành sản xuất, lắp ráp pin năng lượng mặt trời, với quy mô khoảng 110.000 tấn/năm. Địa điểm thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Yên Lư (huyện Yên Dũng), quy mô 100.000 m, tổng vốn đầu tư 42 triệu USD.

Tiến độ thực hiện dự án 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sử dụng khoảng 1.085 lao động với thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Dự án khi đi vào hoạt động ổn định, sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 187 tỷ đồng/năm.

Ông Lý Dân - Đại diện nhà đầu tư HIUV Applied Material Technology Investment Pte.Ltd đánh giá cao sự quyết tâm,
đồng hành của tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Dân - Đại diện nhà đầu tư HIUV Applied Material Technology Investment Pte.Ltd và ông Vương Quân - Đại diện nhà đầu tư Yonz Technology Singapore Pte.Ltd bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự quyết tâm, đồng hành của UBND tỉnh Bắc Giang cũng như các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Các nhà đầu tư tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bắc Giang sẽ luôn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi thời gian qua, chính quyền tỉnh luôn nỗ lực trong việc xúc tiến và hỗ trợ cho các dự án triển khai đúng tiến độ. Các nhà đầu tư cam kết không ngừng nỗ lực làm việc hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động, sản xuất gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và gắn với trách nhiệm xã hội. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và đi vào hoạt động; tập trung ưu tiên các nguồn lực để giải quyết các nội dung, công việc với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí mong muốn các nhà đầu tư kịp thời thông tin cho tỉnh những khó khăn, vướng mắc để được hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang luôn cầu thị, lắng nghe và coi khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là vướng mắc của tỉnh để có trách nhiệm cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ.

Đồng chí đề nghị các nhà đầu tư đảm bảo thực hiện dự án  nội dung đã đăng ký đúng tiến độ. Trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đặc biệt quan tâm chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tiến bộ. Cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển chuyên môn, tay nghề và thụ hưởng môi trường lao động an toàn, được tôn trọng.

Đồng thời gắn bó chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh để được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời trong việc chấp hành pháp luật của Việt Nam, các quy định chính sách của tỉnh cũng như tiếp cận được đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi đầu tư, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp.

Đồng chí tin tưởng sự hợp tác giữa Bắc Giang và các nhà đầu tư sẽ đạt kết quả tốt đẹp, lâu dài và bền vững trong tương lai./.

Thảo My

Bắc Giang trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” cho 15 nghệ nhân

 

Sáng 26/4, UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 cho 15 nghệ nhân.

Dự buổi lễ có các đồng chí: Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL); Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ trao tặng; đại diện lãnh đạo Bộ VHTT&DL; một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh, trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tỉnh Bắc Giang rất coi trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.

Đến nay, Bắc Giang có Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESSCO vinh danh; 15 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các lễ hội truyền thống được quan tâm bảo tồn, nhiều nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian được gìn giữ và phát huy.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bắc Giang triển khai 3 đợt xét tặng nghệ nhân (đợt 1 năm 2015, có 17 nghệ nhân được phong tặng NNƯT; đợt 2 năm 2017, có 16 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng, trong đó có 2 NNND, 14 NNƯT). Trong đợt phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT lần thứ 3 năm 2022, tỉnh Bắc Giang vinh dự có 15 nghệ nhân được phong tặng, trong đó có 3 NNND, 12 NNƯT. Đây là các nghệ nhân tiêu biểu có tài năng nghề nghiệp xuất sắc, nắm giữ, truyền dạy và có những cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho hàng nghìn nghệ nhân trong tỉnh.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL Nông Quốc Thành mong muốn các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước NNND, NNƯT sẽ lan tỏa giá trị di sản đến cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL Nông Quốc Thành ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong việc giữ gìn di sản quý báu của cha ông trong những năm qua.

Để nâng cao việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng chí đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục có những việc làm cụ thể, thiết thực trong việc gìn giữ và phổ biến những giá trị đặc sắc của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, cần triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động với các di sản đã được UNESCO vinh danh. Quan tâm những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tri ân, tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân, chủ thể của di sản; có biện pháp tích cực đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các đồng chí: Mai Sơn, Nông Quốc Thành trao Danh hiệu NNND cho Nghệ nhân trình diễn dân gian Nguyễn Phú Hiệp (huyện Việt Yên).

Đồng chí mong muốn các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước NNND, NNƯT tiếp tục lan tỏa giá trị di sản đến cộng đồng bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả, trở thành hạt nhân trong trong việc nâng cao năng lực của cộng đồng với di sản, làm cho di sản thực sự có ý nghĩa với đời sống xã hội. Tiếp tục tận tụy với công việc và phát huy giá trị đã được nhà nước, xã hội công nhận, được quần chúng Nhân dân mến mộ, tin tưởng.

Tại buổi lễ, 3 nghệ nhân nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian gồm NNƯT Nguyễn Văn An (huyện Lục Ngạn); NNƯT Nguyễn Phú Hiệp (huyện Việt Yên); NNƯT Đỗ Thị Khoa (huyện Việt Yên) được trao tặng danh hiệu NNND và 12 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu NNƯT.

* Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Các đồng chí: Mai Sơn, Nông Quốc Thành trao Danh hiệu NNND cho Nghệ nhân dân ca Sán Dìu Nguyễn Văn An (huyện Lục Ngạn).
Các đồng chí: Mai Sơn, Nông Quốc Thành trao Danh hiệu NNND cho Nghệ nhân trình diễn dân gian Đỗ Thị Khoa (huyện Việt Yên)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn và đại diện lãnh đạo Bộ VHTT&DL trao Danh hiệu NNƯT cho các nghệ nhân.
 NNƯT Lục Văn Tích (huyện Lục Ngạn) trình diễn tiết mục Then cổ Xình An (Cầu an) tại buổi lễ.

 

Thu Hằng

Đại tá Phạm Văn Tạo giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang

 

Chiều 04/5, tại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bắc Giang, Quân khu 1 tổ chức hội nghị bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Hồng Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1; Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Hà Quang Vinh - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1; Đại tá Vũ Đức Hiền - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị.

Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Đại tá Lê Văn Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang nghỉ hưu theo chế độ. Đại tá Phạm Văn Tạo (SN 1974) - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang. 

Hội nghị đã tiến hành các thủ tục bàn giao về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, tổ chức đảng, đảng viên, chất lượng đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ; công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, hệ thống doanh trại,... theo đúng nguyên tắc, quy định của cấp trên.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái ghi nhận, biểu dương những cống hiến, đóng góp của Đại tá Lê Văn Thắng. Đồng chí mong muốn Đại tá Lê Văn Thắng tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Đồng thời tiếp tục quan tâm động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chúc mừng Đại tá Phạm Văn Tạo được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, đồng chí đề nghị Đại tá Phạm Văn Tạo tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống, thành tích, kết quả mà các thế hệ lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh đã đạt được; tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. 

Trung tướng Nguyễn Hồng Thái - Tư lệnh Quân khu 1 phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại đây, Trung tướng Nguyễn Hồng Thái - Tư lệnh Quân khu 1 ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả của Đại tá Lê Văn Thắng trong suốt thời gian qua. Đồng thời cảm ơn những đóng góp tích cực của Đại tá Lê Văn Thắng trong quá trình công tác, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang ngày càng vững mạnh.

Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Trung tướng Nguyễn Hồng Thái chúc mừng Đại tá Phạm Văn Tạo được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang. Đồng chí mong muốn và tin tưởng Đại tá Phạm Văn Tạo sẽ nhanh chóng nắm bắt tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng mối đoàn kết thống nhất cao, cùng tập thể Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh trong sạch vững mạnh, lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt thực hiện tốt công tác tham mưu, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện năm 2023.

Đại tá Phạm Văn Tạo phát biểu nhận nhiệm vụ 

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Đại tá Phạm Văn Tạo cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 1, cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang đã tin tưởng. Đồng chí hứa luôn tích cực, chủ động, phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, nỗ lực hết mình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, đề cao trách nhiệm cá nhân, đem hết khả năng, trí tuệ, chung sức, đồng lòng cùng tập thể Đảng uỷ, thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả nhiệm vụ Quốc phòng, quân sự địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo Quân khu 1 và Tỉnh ủy Bắc Giang chứng kiến ký kết văn bản bàn giao chức vụ
Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang.

Tại hội nghị, các đại biểu chứng kiến ký kết văn bản bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang; tặng hoa chúc mừng Đại tá Lê Văn Thắng nghỉ công tác theo chế độ và Đại tá Phạm Văn Tạo được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang.

Trung tướng Nguyễn Hồng Thái tặng hoa chúc mừng Đại tá Lê Văn Thắng và Đại tá Phạm Văn Tạo.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tặng hoa chúc mừng
Đại tá Lê Văn Thắng và Đại tá Phạm Văn Tạo.

Dương Thủy

Vài nghìn đồng một kg mận cơm Sơn La

Mận cơm (mận cherry) Sơn La đang vào vụ thu hoạch nên được các nhà vườn rao bán giá chỉ 6.000 - 8.000 đồng một kg, bằng một phần ba loại mận khác.

Mận cơm có hình dáng gần giống quả cherry nhập khẩu nên được dân buôn gọi là "mận cherry". Ông Hoàng, một hộ dân trồng mận tại xã Chiềng Cọ (Sơn La), cho biết năm nay mận rớt giá nhẹ, song vẫn có lời. Các năm trước, nhà vườn thường bán mận cơm khi trái còn xanh, ba năm nay dịch Covid-19 kéo dài, ế ẩm nên họ để chín đỏ cả vườn. Từ đó, nhu cầu mận chín tăng cao, nhiều khách hàng ưa chuộng hàng chín vì chúng ngọt và có hình dáng giống như trái cherry.

"Trái xanh ăn giòn, còn quả chín có vỏ màu đỏ, ruột vàng và ngọt đậm. Ngoài ăn trực tiếp, nhiều khách còn mua về làm mứt hoặc ngâm thành nước trái cây", ông Hoàng nói.

Trên chợ mạng, mận cherry cũng được bán với giá rất rẻ, khoảng 9.000-15.000 đồng một kg.

Chị Loan, đầu mối bán trái cây ở Sơn La cho biết, giá bán lẻ loại mận này hiện là 13.000 đồng một kg. Nếu khách mua sỉ 10 kg giá là 90.000 đồng, tức 9.000 đồng một kg. Mua nhiều trên 1 tạ, giá giảm còn 8.000 đồng một kg.

"Loại này giá siêu rẻ nên khá hút khách. Mỗi ngày tôi bán hết cả tạ", chị Loan nói.

Mận cơm chín tại nhà vườn ở Sơn La. Ảnh: Lê Vân

Mận cơm chín tại nhà vườn ở Sơn La. Ảnh: Lê Vân

Tương tự, anh Thành ở Hà Nội cho biết, mỗi ngày bán vài tạ mận cơm. Mận này tuy chín đỏ nhưng trái cứng và giòn chứ không bị nhũn như hàng nhập từ Trung Quốc.

Theo người dân địa phương, so với mận hậu, mận cơm có giá trị kinh tế không cao. Sở dĩ người dân vẫn duy trì loại cây này vì chúng dễ trồng. Ngoài thu quả, vài năm gần đây nhiều nhà vườn còn tỉa cành bán hoa nên loại này cho lợi nhuận ổn định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La cho hay, giá mận cơm thấp nhưng loại này có năng suất cao hơn các loại mận khác. Chúng được trồng tập trung tại các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan... Mùa thu hoạch của giống mận cơm kéo dài khoảng 2 tháng (tháng 4 và 5). So với trước dịch, giá bán loại này giảm 3-4 lần.

Theo thống kê, Sơn La hiện có khoảng hơn 1.000 ha diện tích mận cơm với sản lượng mỗi năm 3.000-4.000 tấn.

Hồng Châu

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Tôi yêu Vissan

Thắng cảnh quốc gia đồi cát Bàu Trắng bị sạt lở

Chân đồi Trinh Nữ thuộc điểm du lịch nổi tiếng Bàu Trắng bị sạt lở hơn 70 m, mép nước lấn vào đồi cát khoảng 25 m, ngày 3/5.

Khu vực chân đồi Trinh Nữ bị sạt lở nằm kề mặt nước Bàu Trắng, sáng 3/5. Ảnh: Ban quản lý du lịch Bàu Trắng

Chân đồi Trinh Nữ bị sạt lở nằm kề mặt nước Bàu Trắng, sáng 3/5. Ảnh: Ban quản lý du lịch Bàu Trắng

Sạt lở xảy ra khoảng 10h30 ở đoạn tiếp giáp mặt nước hồ Bàu Trắng với đồi cát rộng hàng trăm m2. Đây là nơi du khách thường dừng xe địa hình để check in, chụp ảnh, song may mắn lúc sự cố xảy ra không có người.

Nguyên nhân ban đầu được cho là do mạch nước theo dòng chảy ăn sâu vào bề mặt dưới đồi cát, tích tụ lâu ngày làm lỏng chân cát, dẫn đến sụp lún.

Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng đã cắm cọc bêtông, giăng dây cảnh báo nguy hiểm. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trong khu vực được thông báo không đưa khách đến chân đồi cát bị sạt lở để đảm bảo an toàn.

Cơ quan quản lý tại điểm du lịch này đã giăng giây, đóng cọc cảnh báo du khách đến khu vực sạt lở. Ảnh: Ban quản lý du lịch Bàu Trắng

Cơ quan chức năng giăng dây cảnh báo khu vực sạt lở. Ảnh: Ban quản lý du lịch Bàu Trắng

Thắng cảnh Bàu Trắng, ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 60 km về phía bắc. Đây là điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Thuận và được ví như "tiểu Sahara" nên thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Nơi đây có hai hồ nước Bàu Ông, Bàu Bà, cùng đồi cát có tên là Trinh Nữ và hệ sinh thái rừng bao quanh, tạo nên nét nên thơ, kỳ vĩ. Năm 2019, đồi cát Bàu trắng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia.

Việt Quốc

Đề xuất chi 250 tỷ đồng gom nước mưa cho đảo Lý Sơn

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi muốn đầu tư hệ thống thu gom một triệu m3 nước mưa trên đảo Lý Sơn với kinh phí 250 tỷ đồng để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt.

Thông tin được ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho biết, ngày 3/5. Hiện, các đơn vị liên quan khảo sát việc đầu tư hệ thống kênh mương quanh đảo Lý Sơn, để thu gom nước mưa vào các bể trữ tập trung. Phương án kỹ thuật sẽ được Sở trình UBND tỉnh trong vài tháng tới.

Hệ thống này có thể thu gom hơn một triệu m3 nước mưa mỗi năm. Trong đó, 600.000 m3 nước làm nông nghiệp, thủy sản; số còn lại dùng cho sinh hoạt và phục vụ du lịch.

Người dân đặt hàng chục motor hút nước ở giếng ông Lý trên đảo Lý Sơn vì các giếng nước khác nhiễm mặn. Ảnh: Phạm Linh

Người dân đặt hàng chục motor hút nước ở giếng ông Lý trên đảo Lý Sơn vì các giếng nước khác nhiễm mặn. Ảnh: Phạm Linh

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh đảo Lý Sơn nhiều năm qua thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là túi nước ngầm trên đảo bị khai thác quá mức để trồng hành, tỏi. Cụ thể đảo có 2.150 giếng nước trên diện tích chỉ 10 km2, tức mỗi km2 có hơn 200 giếng. Các giếng khai thác gần 22.000 m3 ngày đêm, chủ yếu vào mùa khô, dẫn đến sụt giảm nước ngọt, tạo điều kiện nước mặn xâm nhập.

Trên đảo hiện chỉ có hồ Thới Lới dung tích 271.000 m3 phục vụ tưới tiêu cho 120 ha đất trồng nông nghiệp (gần 1/3 tổng diện tích đất nông nghiệp trên đảo). Còn hai công trình cấp nước sinh hoạt đều không đạt công suất thiết kế.

Người dân Lý Sơn đào, khoan các giếng khủng để tưới hành, tỏi, dẫn đến sụt giảm nước ngầm. Ảnh: Phạm Linh

Người dân Lý Sơn đào, khoan các giếng "khủng" để tưới hành, tỏi, dẫn đến sụt giảm nước ngầm. Ảnh: Phạm Linh

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Quảng Ngãi cho biết, với diện tích hơn 10 km2, tổng lượng nước mưa hàng năm trên đảo Lý Sơn khoảng 9 triệu m3. Nếu trừ lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, còn khoảng 3 triệu m3 sẽ chảy tràn ra bề mặt, sau đó đổ ra biển. "Nếu dự án được triển khai sẽ thu gom được một triệu m3 nước tràn bề mặt", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, phương án này khả thi và ít tốn kém cho nhà nước và người dân hơn phương án biến nước biển thành nước ngọt. Tuy nhiên, hiện đảo Lý Sơn đã được quy hoạch nên cần phải giải quyết các vướng mắc về thủ tục, đất đai mới có thể xây các bể bêtông lớn chứa nước.