Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Trump Tower - 24h Bên Trong Tòa Tháp Chọc Trời Đắt Tiền Nhất Của Tổng Thống Mỹ Donald Trump!

Xe sang Porsche độ thành ‘xe chiến’ cho chỉ huy Ukraine

Một chiếc xe sang Porsche đã được độ thành xe quân sự phục vụ chỉ huy lữ đoàn Ukraine đang chiến đấu tại Bakhmut.

Chiếc Porsche Cayenne 3.0 được "độ" lại trước khi bàn giao cho quân đội Ukraine - Ảnh: CAR FOR UKRAINE© Được Tuổi trẻ cung cấp

Theo báo Business Insider ngày 8-5, tổ chức từ thiện Car for Ukraine vừa bàn giao một chiếc SUV mẫu Porsche Cayenne 3.0 cho quân đội Ukraine.

Chiếc xe sang này được các nhà hảo tâm người Đức quyên góp cho tổ chức Car for Ukraine hồi tháng 3-2023. Trước khi giao xe cho quân đội Ukraine, tổ chức này đã "độ" chiếc xe thành xe chỉ huy chiến trường.
Một trong những thay đổi nổi bật là việc lắp thêm hệ thống camera nhìn đêm. Nhờ hệ thống này, người điều khiển xe có thể di chuyển dễ dàng qua các khu vực gần nơi đóng quân của lính Nga vào ban đêm mà không cần bật đèn.
Hệ thống Internet vệ tinh Starlink của Tập đoàn SpaceX cũng được lắp đặt, giúp chỉ huy trên xe có thể duy trì liên lạc liên tục với binh sĩ.
Bên cạnh đó, Car for Ukraine cũng biến một phần của chiếc xe thành chỗ chứa vũ khí, đồng thời nâng cấp hệ thống điều khiển để giúp chiếc xe có thể vượt nhiều loại địa hình hơn.
Chiếc Porsche hiện đã được phân về Lữ đoàn cơ giới 24 và sẽ sớm lăn bánh trên "chảo lửa" Bakhmut.

Tổ chức Car for Ukraine viết trong thông báo chính thức: "Chúng tôi quyết định trao chiếc xe cho chỉ huy Lữ đoàn cơ giới 24. Anh ấy là một chiến binh 26 tuổi với mật danh ‘Bò rừng’. ‘Bò rừng’ đã tham chiến từ năm 2014, được quý trọng bởi cả chỉ huy cấp cao và chiến sĩ dưới quyền".

Tổ chức chuyên "độ" xe cho quân đội Ukraine

Binh lính Ukraine vào vị trí chiến đấu trên một chiếc bán tải do tổ chức Car for Ukraine ủng hộ - Ảnh: CAR FOR UKRAINE© Được Tuổi trẻ cung cấp

Đến nay, Car for Ukraine đã tiếp nhận, hoán cải 244 phương tiện giao thông thành xe quân sự và chuyển giao cho quân đội Ukraine.

Những mẫu xe thường được quyên tặng là các mẫu bán tải như Toyota Hilux, Ford Ranger, Isuzu D-Max… Những chiếc này sẽ được trang bị giáp thép, lắp bục súng máy hoặc các dòng tên lửa chống tăng như Javelin, Stinger...

Đặc biệt, binh lính Ukraine rất thích các mẫu xe từ Anh. Với thiết kế ghế lái ở bên phải, những chiếc xe này đã cứu mạng nhiều binh sĩ khỏi các viên đạn bắn tỉa ngắm vào vị trí ghế lái bên trái thông thường.

Đảo đẹp nhất vùng lõi vịnh Hạ Long bị xâm hại

Đảo Mắt Rồng nằm trong vùng lõi của vịnh Hạ Long bị một số cá nhân xây dựng công trình, tổ chức hoạt động du lịch trái phép.

Đảo Mắt Rồng rộng khoảng 30 ha, cách hang Sửng Sốt 12 km, có cảnh quan hoang sơ. Giữa đảo là hồ nước lớn chứa nhiều san hô, bao quanh là núi đá. Nhìn từ trên cao, đảo giống như đầu rồng, hồ nước là mắt rồng, được đánh giá là đẹp nhất vịnh Hạ Long.

Đảo Mắt Rồng rộng khoảng 30 ha, nằm trong vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Ảnh: Xuân Hoa

Đảo Mắt Rồng rộng khoảng 30 ha, nằm trong vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Ảnh: Xuân Hoa

Nhiều năm qua, một số người tổ chức hoạt động du lịch, xây dựng công trình trái phép trên đảo Mắt Rồng. Tour du lịch ra đảo được quảng cáo trên mạng. Cơ quan chức năng đã phát hiện từ những năm 2018 nhưng chưa xử lý dứt điểm.

Cuối tuần qua, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh Quảng Ninh, đi kiểm tra hòn đảo Mắt Rồng, ghi nhận một nhà sàn xây trái phép, có nhiều đồ ăn, đồ dùng cho thấy dấu hiệu tổ chức ăn uống đông người.

Khẳng định những tồn tại trên đảo Mắt Rồng do sự lỏng lẻo trong quản lý của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, ông Ký đã yêu cầu TP Hạ Long rà soát tổng thể, đề xuất phương án xử lý và "xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Hoạt động du lịch trái phép trên đảo Mặt Rồng được ghi nhận vào năm 2021. Ảnh: Xuân Hoa

Hoạt động du lịch trái phép trên đảo Mắt Rồng được ghi nhận vào năm 2021. Ảnh: Xuân Hoa

Vịnh Hạ Long rộng 1.553 km2, gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi. Trong đó vùng lõi của vịnh là 335 km2 quần tụ 775 hòn đảo. Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ hai với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo vào năm 2000.

Theo Quyết định năm 2016 về quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh quy định 17 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có cấm xây dựng công trình trên khu vực di sản vịnh Hạ Long chưa được cấp thẩm quyền cho phép; cư trú trái phép trong khu vực di sản vịnh Hạ Long.

Lê Tân

Lọc dầu Dung Quất nộp ngân sách hơn 200.000 tỷ đồng

Sau 15 năm hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 44.000 tỷ, nộp ngân sách 207.000 tỷ đồng.

Thông tin trên được ông Bùi Ngọc Dương - Giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) - nêu tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập đơn vị vận hành nhà máy, ngày 9/5.

Ông Dương cho biết riêng năm ngoái, BSR sản xuất và bán hơn 7 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 169 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách trên 19.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 14.700 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành.

Con số này đóng góp đến 56% ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi năm ngoái, đưa tỉnh này vào top hai trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 18 trong 63 tỉnh thành, nằm trong top 10 tỉnh thành có số thu nội địa trên 20.000 tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng 26 năm trước để đảm bảo an ninh năng lượng, tạo động lực phát triển cho tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung.

Nhà máy có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn một năm, dùng nguyên liệu chính là dầu thô từ mỏ Bạch Hổ. Giai đoạn đầu xây dựng, Việt Nam hợp tác với Nga. Từ 2003, liên doanh Vietross (công ty Liên doanh Nhà máy lọc dầu Việt Nga) giải thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lập Ban Quản lý dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất để quản lý và triển khai dự án theo hình thức Việt Nam tự đầu tư.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: BSR

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: BSR

Năm 2005, Ban Quản lý Dự án nhà máy lọc dầu đã ký hợp đồng với Tổ hợp nhà thầu quốc tế Tecnip để xây dựng nhà máy lọc dầu. Công trình vận hành chạy thử từ năm 2008. Tháng 2/2009, dòng sản phẩm thương mại đầu tiên của nhà máy xuất xưởng. Đến nay, sau 15 năm, công ty đã chế biến hơn 94 triệu tấn dầu thô, xuất bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm. Hiện BSR có hơn 1.500 nhân sự có trình độ kỹ thuật cao.

Công ty này sản xuất các sản phẩm truyền thống như xăng RON A92/95, dầu Diesel ôtô, khí Propylene và hạt nhựa Polypropylene, khí hóa lỏng (LPG), dầu hỏa, nhiên liệu phản lực Jet A1 và dầu nhiên liệu (FO). Ngoài ra, BSR đã nghiên cứu sản xuất thêm nhiều chủng loại sản phẩm mới, trong đó có nhiên liệu phản lực Jet A-1K, dầu diesel L-62 sử dụng cho các thiết bị quân sự chiến lược của Bộ Quốc phòng.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi đánh giá Khu Kinh tế Dung Quất là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh với trái tim là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. "Nhà máy này đã đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, ngân sách phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung ương trở thành tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách", ông Minh nói.

Phó tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng thời gian tới BSR cần nghiên cứu tối ưu hóa quy trình, đa dạng hóa sản phẩm, thích nghi để đáp ứng việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực từ năm 2024. Đồng thời, công ty cần triển khai thành công Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Hiện Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu là nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, vận hành với tổng công suất 14 triệu tấn xăng dầu một năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước. Trong đó, Lọc dầu Dung Quất đóng góp khoảng 35%.

Phạm Linh

Chàng trai trồng hoa súng thu 50 triệu đồng mỗi tháng

Anh Võ Văn Thạnh, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên nghỉ công việc kỹ sư địa chất về quê trồng hơn 20 loại hoa súng, mỗi tháng thu 50 triệu đồng.

Sáng đầu tháng 5, anh Võ Văn Thạnh, 28 tuổi, ra hồ hoa súng trong vườn ngắt lá già để có khoảng trống cho cây phát triển và vệ sinh hồ sạch sẽ. Đây là công việc hai năm qua anh gắn bó.
Tốt nghiệp ngành địa chất Trường Đại học Khoa học Huế năm 2017, anh Thạnh làm việc cho một công ty ở TP Đà Nẵng lương tháng 15 triệu đồng. Năm 2020, dịch Covid-19 nên anh ở nhà, tìm ý tưởng kinh doanh.
Học theo một người ở Thừa Thiên Huế, anh Thạnh đầu từ hơn 100 triệu đồng mua bạt về lót trong vườn nhà rộng 600 m2 trồng hoa súng. Anh chia làm nhiều hồ nước, mỗi hồ rộng khoảng 30-50 m2.
Anh Thạnh mua các loại cây giống từ Thái Lan và Australia. Súng Thái Lan ra hoa quanh năm, còn súng Australia phát triển từ tháng 3 đến 11.
Hành trình của anh Thạnh với cây súng chưa bao giờ dễ dàng. "Có lần tôi mua hoa Thái Lan hơn 10 triệu đồng, nhưng vận chuyển mất 2 tuần nên bị chết", Thạnh kể. Hay lần anh lấy nước ao hồ bị nhiễm phèn, hoa súng trồng xuống bị chết. Để khắc phục, anh khoan giếng hơn 30 m lấy nước.
Một giống súng nhập về được ươm trong chậu. Mỗi củ súng sẽ nảy 2-10 mầm cây. Khoảng nửa tháng, anh Thạnh sẽ tách cây, lúc này cây cao 20 cm, có rễ, lá đứng.
Ban đầu, cây được trồng trong chậu đường kính 10 cm, sau 2 tuần sẽ chuyển sang chậu lớn đường kính 50 cm. Trung bình sau 1,5 tháng, súng sẽ ra hoa.
Ngoài các loại giống nhập về, anh Thạnh còn tự lai tạo. Anh lấy phấn bông hoa hòa vào nước, sau đó phết vào hoa cây khác.
Cây súng giống hassabadin giá bán 15 triệu đồng, riêng củ giá 5 triệu đồng. Loại này đắt nhất trong vườn của anh Thạnh.
Ngoài việc bán hoa giống, anh Thạnh còn bán hoa 5.000 đồng mỗi bông. Hiện anh Thạnh sở hữu vườn súng rộng 1.000 m2 với 20 loại nhập ngoại, hơn 30 loại tự lai tạo.
Những cây súng được nhổ lên đem bán. "Mỗi tháng tôi bán cả nghìn cây, giá dao động 150.000 đồng đến 15 triệu đồng, trừ chi phí mỗi tháng lãi bình quân 50 triệu đồng", chủ vườn nói.
Giống hoa súng được cho vào thùng xốp đưa đến nơi chuyển phát nhanh, gửi tới khách hàng. "Hàng hóa được tôi bán online, ngoài thị trường trong nước thì nhiều người nước ngoài đến tận vườn mua", chủ vườn nói. Anh đang liên hệ chính quyền xã thuê 2.000 m2 đất để mở rộng diện tích.

Cô gái gốc Việt kiếm hơn 3,5 tỷ đồng/năm, chỉ làm tối đa 6 tiếng mỗi ngày

 Với nghề công chứng viên, cô gái gốc Việt Angelina Nguyễn kiếm được khoảng 150.000 USD (hơn 3,5 tỷ đồng) trong năm 2022, dù mỗi ngày chỉ làm tối đa 6 tiếng.

Kiếm 150 USD chỉ trong 5 phút

Tới giờ, vẫn có những ngày Angelina Nguyễn ngạc nhiên với công việc mang lại mức thu nhập như hiện tại.

Chia sẻ với CNBC, cô gái gốc Việt 25 tuổi cho biết, với nghề công chứng viên, cô kiếm được 150.000 USD (hơn 3,5 tỷ đồng) trong năm 2022 dù chỉ làm tối đa 6 tiếng mỗi ngày. Thậm chí, có lúc cô thu về 150 USD chỉ trong 5 phút, "dễ" tới mức khiến cô kinh ngạc.

Trước khi trở thành công chứng viên 7 năm trước, chỉ vài tuần sau ngày sinh nhật 18 tuổi của mình, Nguyễn vẫn nghĩ đó chỉ là việc tạm thời để phụ trợ thêm thu nhập.

Cô gái gốc Việt từng hối tiếc vì không kinh doanh sớm hơn (Ảnh: Coriginal).
Cô gái gốc Việt từng hối tiếc vì không kinh doanh sớm hơn (Ảnh: Coriginal).© Tiền Phong

Cô gái gốc Việt từng hối tiếc vì không kinh doanh sớm hơn (Ảnh: Coriginal).

Tại Mỹ, công chứng viên là người chứng kiến và cho phép các bên ký tài liệu quan trọng như đơn xin cấp hộ chiếu hay hợp đồng bất động sản. Mức phí được tính tùy theo từng đại lý chuyên về tài sản hay cho vay. Hầu hết các công chứng viên sẽ tính phí theo quy định của bang nơi họ sinh sống.

Nguyễn từng nghĩ rằng, công việc của mình chủ yếu để xác minh chữ ký và giải thích tài liệu cho khách hàng. Nhưng càng làm, cô gái gốc Việt càng thấy nghề này mang lại nhiều cảm xúc hơn tưởng tượng. Cô cùng khách hàng chứng kiến nhiều khoảnh khắc vui - buồn nhất trong cuộc sống của họ.

"Tôi từng nhìn thấy cảnh người mua hạnh phúc có được căn nhà đầu tiên, hay buồn khi thấy họ phải bán nơi ở quen thuộc mà bản thân không muốn. Từ điều này, tôi muốn mình trở thành điểm tựa để họ được lắng nghe, quan tâm và thấu hiểu trong khoảnh khắc quan trọng đó", cô tâm sự.

Hai năm trước, Nguyễn quyết định biến nghề công chứng viên thành công việc toàn thời gian, mở công ty riêng tại San Jose, California. Đây cũng là bước ngoặt mới trong cuộc đời cô gái trẻ.

"Không nhất thiết phải vào đại học để thành công"

Động lực khiến Nguyễn khởi nghiệp chính từ phía cha mình. Ông Chau Nguyễn vốn là một nhà môi giới bất động sản.

Suốt quãng thời gian Nguyễn còn trên ghế nhà trường, khi bạn bè cô đang hoang mang về điểm số và tìm hoạt động ngoại khóa phù hợp để "làm đẹp" hồ sơ, ông Chau từng khuyên con gái "không nhất thiết phải vào đại học mới thành công".

Trong quá trình làm nghề môi giới bất động sản, ông Chau nhận thấy nhu cầu việc công chứng giấy tờ bất động sản khá cao. Hầu hết các tiểu bang ở Mỹ, muốn trở thành công chứng viên, ứng viên cần nộp đơn đăng ký và hoàn thành bài kiểm tra lý lịch.

Nhưng tại California, các ứng viên cần tham gia khóa đào tạo 6 giờ, vượt qua bài thi. Chi phí học nghề dao động từ 275 USD đến 442 USD (6,4 triệu đồng - 10,3 triệu đồng).

Ông Chau gợi ý con gái nên mở đại lý công chứng chuyên biệt. Nguyễn mất khoảng 3 tháng để hoàn thành quy trình, thêm một tháng đào tạo vào năm 2021.

Nguyễn cùng các cộng sự (Ảnh: Instagram).
Nguyễn cùng các cộng sự (Ảnh: Instagram).© Tiền Phong

Nguyễn cùng các cộng sự (Ảnh: Instagram).

Dù hoàn thành các chứng chỉ từ năm 2015 nhưng Nguyễn vẫn chưa tin rằng muốn trở thành một công chứng viên toàn thời gian.

Cô từng làm giao dịch viên ngân hàng vào năm 2016. 5 năm tiếp theo, cô thử nhiều công việc khác nhau như làm đại lý bất động sản hay đại lý bảo hiểm.

Nhưng rồi, Nguyễn nhận thấy chưa có công việc nào bản thân thực sự yêu thích như nghề công chứng.

Làm việc tối đa 6 tiếng mỗi ngày

Khi gắn bó với nghề công chứng, Nguyễn tìm thấy niềm đam mê.

"Đó là công việc có giờ giấc linh hoạt. Tôi nhận thấy mình đang tạo ra những khác biệt trong cuộc sống của mọi người", cô tâm sự.

Khi thành lập công ty vào tháng 11/2021, Nguyễn bắt tay xây dựng nhóm khách hàng. Cô tới thăm các công ty bất động sản, tạo tài khoản mạng xã hội trên nhiều nền tảng và nhờ bạn bè kết nối, giới thiệu về công việc kinh doanh mới.

Hiện trang TikTok cá nhân là công cụ tiếp thị thành công nhất của Nguyễn với gần 30.000 người theo dõi. Nhiều người ở San Jose nơi cô sinh sống đã liên hệ nhắn tin, yêu cầu dịch vụ công chứng.

Tùy từng bản hợp đồng và loại tài liệu, cô tính phí từ 75 USD đến 200 USD (1,7 triệu đồng - 4,6 triệu đồng). Một số tài liệu chỉ mất vài phút hoàn thành, nhưng cũng có loại phức tạp thì tốn nhiều thời gian hơn.

Cô gái 25 tuổi cho biết thường sắp xếp để hoàn thành công việc từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều, làm tối đa 6 tiếng mỗi ngày. Đôi khi, cô nhận thêm các lịch hẹn vào cuối tuần.

Đến nay, Nguyễn vẫn tỏ ra hối tiếc vì không mạnh dạn kinh doanh sớm hơn.

"Tôi thích việc mình tự lên lịch trình, chủ động tài chính và hỗ trợ cha mẹ khi cần. Thêm cơ hội giúp đỡ người khác khiến tôi thấy hoàn toàn mãn nguyện", Nguyễn bộc bạch.

Link gốc: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/co-gai-goc-viet-kiem-hon-35-ty-dongnam-chi-lam-toi-da-6-tieng-moi-ngay-20230505101732944.htm

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

KHỞI NGHIỆP TỪ 4 KHÔNG


Với Tầm nhìn xa về tương lai của xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiềm năng đối với cơ khí chính xác, hệ thống băng tải, băng chuyền, giải pháp tự động hoá trong công nghiệp và công nghệ cao. Mặc dù chưa có bất cứ một kinh nghiệm và kiến thức nào trong tay về ngành nghề, nhưng chính ý chí, sự quyết đoán, quyết tâm, ông đã tự tìm hiểu thông tin trên môi trường Internet và quyết định mở doanh nghiệp với tâm thế là “không có gì để mất” và quyết tâm làm!

Công ty được thành lập trong những năm cuối thời kỳ xảy ra khủng hoảng kinh tế, tạo ra vòng xoáy của cả những bất ổn và cả những cơ hội.

Do không có tiền thuê văn phòng nên ông thành lập công ty tại nhà trọ, cũng do giai đoạn đầu không có tiền thuê nhân sự, ông tự mình làm tất cả mọi việc, thường xuyên làm việc tới 16~20 tiếng một ngày mà không biết mệt mỏi.

Ông vừa làm vừa học hỏi, cứ thiếu đâu ông học đấy và kết hợp với một tư duy nhạy bén, dần dần ông đã từng bước khơi thông được hướng đi, cách làm và chiến lược phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với những gì mình có đã giúp ông dần vượt qua những khó khăn để đến với thành công bước đầu.

Trên chặng đường đầu này ông cũng trải qua không ít khó khăn, nó thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, sự cô đơn và hao mòn tâm trí nhưng với quyết tâm đủ lớn, hoài bão luôn thao thức đã giúp ông luôn vững tin trên còn đường mình đã lựa chọn.

Từ đơn hàng vài triệu đồng đầu tiên nhưng bằng tư duy xây dựng niềm tin, mối quan hệ khách hàng từ chìa khóa là: sự chân thành, tận tâm phục vụ hướng đến lợi ích của khách hàng, đặt chữ “tín” lên hàng đầu ông đã từng bước phát triển công ty, xây dựng được tài chính ổn định. Nhưng đó chưa phải tất cả những gì ông hướng đến!
HIỆN THỰC HÓA HOÀI BÃO
XÂY DỰNG HỆ SINH THÁIINTECH GROUP VÀ KHÁT VỌNG ĐƯATHƯƠNG HIỆU VIỆT VƯƠN XA

Với trí tuệ, cùng tư duy nhạy bén và học hỏi không ngừng nhờ đó ông đã xây dựng được doanh nghiệp bài bản và chuyên nghiệp. Lúc này, ông đã có đủ tự tin để bắt tay nhân bản và xây dựng hệ sinh thái Intech Group với những mảnh ghép mới, thu hút những nhân tài có kiến thức, trí tuệ và khát vọng đi cùng để cùng “Kiến tạo tương lai”.

Ngoài ra người thuyền trưởng CEO Hoàng Hữu Thắng cũng đi rất nhiều nơi, đến rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Singgapro, Đức, Trung Quốc, Thái Lan,...để học hỏi và tìm hướng đi phù hợp.

Những sản phẩm của Intech gây bất ngờ với khách hàng, nhiều đối tác khi đến thăm nhà máy và nhìn thấy sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp họ không tin rằng đây là công ty Việt Nam, sản phẩm đó được làm bởi người Việt. Tất cả thể hiện một khát vọng minh chứng cho tinh thần: “VietNam can do”. Từ đó hệ sinh thái Intech được định hình rõ nét và ngày càng phát triển lên những tầm cao mới.

Đến nay, Intech Group đã chuyển mình từ một Công ty khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào Cơ khí chế tạo thành Tập đoàn hàng đầu Việt Nam, vận hành hệ sinh thái sản phẩm trong các lĩnh vực Cơ khí chính xác, tự động hóa và công nghệ, đã tạo được sự tín nhiệm của cả khách hàng trong và ngoài nước. Điều này khiến ông tin tưởng vào tương lai, hành trình ông lựa chọn là hành trình không có điểm dừng.

Đồng quan điểm với nhiều doanh nhân nổi tiếng là “sản phẩm của một quốc gia đến đâu thì biên giới và văn hóa của quốc gia đó đến đấy” do vậy ông có một khát vọng đưa sản phẩm của mình vươn xa ra thế giới.

Với khát vọng và quyết tâm đủ lớn ông cùng đội ngũ Intech đã làm được điều tưởng như không thể, hành trình đó vẫn đang tiếp diễn mạnh mẽ, ngày càng vươn xa.

ĐẰNG SAU ÁNH HÀO QUANG...!


Nhìn lại chặng đường của ông Hoàng Hữu Thắng có vẻ như là thảm đỏ trải đầy hoa, nhưng ít ai biết rằng dù hoạt động kinh doanh sôi nổi nhưng ông lại là một người rất kín tiếng. Trải qua nhiều thăng trầm thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, cùng với đó là sự hao mòn về tâm trí mới thành công.

Ông có lối sống giản dị và gần gũi nhưng phong cách làm việc lại quyết liệt và mạnh mẽ, luôn chạy đua với thời gian.Ông từng chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp không ngừng, ông muốn mỗi cá nhân trong Tập đoàn mà ông dẫn dắt luôn giữ một tinh thần tươi mới, sáng tạo như ngày mới bắt đầu để kiến tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn.

Năm 2019 ông chính thức đổi slogan của Intech Group thành “Kiến tạo tương lai” để từng nhân viên đều giữ được ngọn lửa, ý chí và tinh thần làm việc của mình nhằm tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn, ấm no và hạnh phúc hơn.

Mặc dù sở hữu hệ sinh thái Intech Group hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên ông vẫn miệt mài học hỏi, làm việc và cống hiến với sứ mệnh của mình, nó vượt xa tiền bạc, vật chất mà là một hành trình kiến tạo cho nhiều người phát triển, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn.

Ông muốn hướng đến những đỉnh cao mới, thực hiện sứ mệnh “Kiến tạo tương lai” vì Intech, vì cộng đồng, xã hội, vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng trong tương lai gần.

Một người con đáng tự hào của miền đất Bắc Giang!

Chỉ quy định 01 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên

 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 (Thông tư 01-04) Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.

Ảnh minh hoạ

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT Bộ GDĐT đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (chứng chỉ). Theo đó, chỉ quy định 01 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN).

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng CDNN và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khi bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01-04 và khi chuyển CDNN thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự./.

Thu Huệ

Bắc Giang: Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

 

Sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của mỗi quốc gia, thể hiện ở chỗ:

- Là nhân tố mang lại sự phát triển đột phá của mỗi quốc gia, địa phương. Thực tế đã chứng minh quốc gia nào có nhiều sáng chế độc quyền thì càng phát triển.

- Là công cụ cạnh tranh biểu hiện cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

- Là phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia (dựa vào tài sản trí tuệ).

- Là cách thức để các nước đang phát triển tiếp cận bền vững với các hoạt động như đầu tư, chuyển giao công nghệ, hội nhập hiệu quả.

- Là yếu tố quan trọng để chống lại các nguy cơ tụt hậu.

Tuy nhiên, hiện nay số phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Điều đó có nghĩa là quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ sở hữu trí tuệ và đây là đại diện lớn cho phát triển tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo.

Chủ đề ngày sở hữu trí tuệ thế giới là “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ  - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm tôn vinh phụ nữ tài năng; Hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ; Giải phóng sự khéo léo và sáng tạo của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tìm hiểu và sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ.

Với thông điệp đó, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai nhiều hoạt động để phụ nữ có thể tiếp cận, tham gia sở hữu trí tuệ- khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như:

- Phối hợp tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của phụ nữ.

- Phát hiện, giới thiệu các cá nhân, nhóm cá nhân là nữ có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi từ Kế hoạch số 564/KH-UBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh về việc Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho cán bộ nữ tham gia quản lý doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu cho phụ nữ khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo. Tư vấn, kết nối với các cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, phát minh, sáng chế và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường./.

Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở

Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông.

Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để tiếp tục phát triển công tác khuyến nông trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo củng cố và phát triển các mô hình khuyến nông cộng đồng để trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở, gắn với phát triển các vùng nguyên liệu nông - lâm - thủy sản quy mô lớn, đạt chuẩn.

Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Tập trung nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật cho nông dân, đồng hành với nông dân. Hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp ở địa phương, bao gồm cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tư vấn, dịch vụ, thương mại nông sản, kết nối thị trường, cung cấp thông tin thị trường, giá cả cho nông dân. Tư vấn tổ chức lại sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tư vấn về chính sách, trực tiếp chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống.

Đối với các tỉnh thuộc Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện theo nội dung Đề án đã phê duyệt. Đối với những tỉnh không thuộc Đề án, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm 01 năm triển khai Đề án thí điểm để vận dụng, áp dụng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đa dạng hóa các hình thức hoạt động khuyến nông, phát triển hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở cơ sở, mở rộng hệ thống khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông hợp tác xã, khuyến nông cộng đồng,… đáp ứng nhu cầu của sản xuất, thị trường.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức thị trường, tổ chức sản xuất, công nghệ số,… cho lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cán bộ khuyến nông cơ sở, hỗ trợ các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông công tác lâu dài, gắn bó với nghề. Tăng cường kết nối hệ thống khuyến nông theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Nguyễn Miền

Phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị

 Bắc Giang là một tỉnh miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng khí hậu thổ nhưỡng phì nhiêu rất thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp. Không những thế, Bắc Giang còn được biết đến với nhiều làng nghề với nhiều sản vật tinh xảo, văn hóa ẩm thực phong phú; hệ thống sông suối, hồ, các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. 

Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Ảnh: BGP/An Nhiên

Với diện tích tự nhiên hơn 382,2 nghìn ha, trong đó có 123 nghìn ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, 110 nghìn ha đất lâm nghiệp, 119,6 nghìn ha đất ở, đất chuyên dùng và đồi núi trọc, Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là thế mạnh của tỉnh trong việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Với điều kiện tự nhiên ưu đãi và con người cần cù, sáng tạo, tỉnh Bắc Giang đã tạo ra các vùng sản xuất nông nghiệp khá đa dạng, với nhiều sản phẩm phong phú. Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển ổn định và khá toàn diện. Tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất cây, con tập trung, chuyên canh có hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là một lợi thế để phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Vải thiều là một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/An Nhiên

Bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, được nhiều người biết đến của tỉnh như: vải thiều, bưởi, cam Lục Ngạn, na Lục Nam, ổi, vú sữa Tân Yên, lúa thơm Yên Dũng, gà đồi Yên Thế, lợn sạch Tân Yên…, Bắc Giang còn được biết đến với các sản vật tinh xảo, văn hóa ẩm thực phong phú của các làng nghề, là cái nôi lưu giữ những giá trị truyền thống vô cùng độc đáo. Các sản phẩm được kể đến là: mây tre đan, gốm sứ, rượu, mỳ, bánh đa… Tất cả đều được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo, với bí quyết nghề gia truyền độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác, kết tinh trong mỗi sản phẩm làng nghề và làm nên nét rất riêng, đặc trưng của Bắc Giang, được người tiêu dùng mến mộ, vinh danh, ưa chuộng không chỉ thị trường trong nước mà có mặt tại các thị trường nước ngoài.

Không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp, Bắc Giang còn được biết đến với nhiều làng nghề. Ảnh: BGP/An Nhiên

Để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (cấp xã, huyện) theo chuỗi giá trị, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Điển hình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, xác định nhóm sản phẩm chủ lực có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương (sản phẩm OCOP) phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 70 loại sản phẩm OCOP, trong đó có 03 sản phẩm đạt 5 sao (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế), bao gồm: vải thiều Lục Ngạn, rượu làng Vân, mỳ Chũ và khoảng 30 - 40% hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Đến năm 2030, phấn đấu toàn tỉnh có khoảng 170 loại sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm đạt 5 sao và khoảng 60 - 70% hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020, triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; phát triển ít nhất 3 sản phẩm OCOP (vải thiều Lục Ngạn, Mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế…) đạt hạng 5 sao cấp quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế); phát triển mới ít nhất 10 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.

Mỳ Chũ Lục Ngạn là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ảnh: BGP/An Nhiên

Giai đoạn 2021 - 2030, phát triển thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế); triển khai thực hiện từ 1 - 3 mô hình làng văn hóa du lịch (tại khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, huyện Sơn Động; khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam; khu du lịch sinh thái Xuân Lung Thác Ngà huyện Yên Thế); triển khai phát triển 06 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên…

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam. Ảnh: BGP/An Nhiên

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang xây dựng Chuyên trang “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại địa chỉ: https://bacgiang.gov.vn/web/ocop/trang-chu nhằm giới thiệu, quảng bá một cách hệ thống, bao quát các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, đặc trưng thế mạnh của tỉnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế./.

An Nhiên

 

Sâm Nam núi Dành Tân Yên

 

Hiện nay, Sâm Nam núi Dành Tân Yên là một trong những cây dược liệu quý được UBND huyện Tân Yên chỉ đạo phát triển, nâng cao giá trị và xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Người dân xã Liên Chung chăm sóc cây sâm Nam núi Dành.

Sâm Nam núi Dành từ lâu được coi như một loại thần dược, đã có cách đây khoảng hơn nghìn năm. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, có ghi “Sâm Nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cỏ thi cũng có ở đỉnh Chung Sơn”. Núi Chung Sơn được nhắc tới đó là núi Dành ngày nay, thuộc địa phận xã Liên Chung và xã Việt Lập, huyện Tân Yên.

Cây sâm Nam núi Dành được tìm thấy tại khu vực ven sườn núi Dành, có nhiều công dụng dược liệu, bồi bổ cơ thể nên được một số hộ dân mang về trồng và tự nhân giống tại địa bàn xã Liên Chung và Việt Lập chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng tại gia đình.

Hiện nay, giống sâm Nam núi Dành có loại gồm loại 3 lá chét và 5 lá chét nhưng đều có các hoạt chất và công dụng tương đương nhau. Chất lượng của sâm Nam núi Dành phụ thuộc vào độ tuổi của cây và một số hoạt chất chính trong cây.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Di truyền Nông nghiệp năm 2018 và Trung tâm Giống cây ăn quả Bắc Giang năm 2020 về phân tích một số nhóm chất chính trong mẫu củ và hoa sâm có chứa các chất gồm: Saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid. Hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các chất này càng cao, cho giá trị kinh tế cao hơn.

Saponin trong sâm có tác dụng cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như: Axit amin, vitamin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa; làm long đờm, chữa ho; làm tăng tính thấm của tế bào trong cơ thể, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất; chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus; một số saponin có mặt trong sâm có tác dụng chống lại các tế bào ung thư…

Theo UBND huyện Tân Yên, diện tích trồng sâm Nam núi Dành đã được mở rộng lên 24 ha tại các xã Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến. Trong đó diện tích cho thu hoạch củ là 2,5 ha, cho thu hoạch hoa 15 ha. Sản phẩm chủ yếu để tiêu dùng tại địa phương, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 5 tỷ đồng/ha/chu kỳ khai thác 5 năm.

Sản phẩm sâm Nam đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” trên 2 địa bàn xã Liên Chung, Việt Lập. Năm 2022, sản phẩm nụ hoa sâm Nam núi Dành khô của HTX sản xuất sâm Nam núi Dành Liên Chung được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Ngày 14/4/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (đợt 2). Trong đó, có mô hình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ, du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên.

Nhằm bảo tồn, phát triển nâng cao giá trị và xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến dưới dạng sản phẩm tinh… huyện Tân Yên xây dựng Đề án “phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027”. Mục tiêu của Đề án xây dựng, mở rộng diện tích sâm Nam núi Dành tại một số xã gồm Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến, Thị trấn Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung, Liên Sơn, Hợp Đức… Đến năm 2027, diện tích sâm trồng mới 100 ha và phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 150 ha; hoàn thiện quy trình sản xuất, nhân giống sâm Nam núi Dành tại địa bàn để quản lý nguồn giống chất lượng, phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại huyện; đồng thời từng bước hình thành mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh…

Để cây sâm phát triển nhanh, hiệu quả bền vững, trong thời gian tới, huyện Tân Yên tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống để tạo ra cây giống có chất lượng, đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu nguồn giống để mở rộng vùng nguyên liệu. Áp dụng các quy trình sản xuất an toàn theo chuỗi khép kín, hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất.

Đẩy mạnh, khuyến khích sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư về liên kết trồng, thu mua chế biến nâng cao giá trị cây sâm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời bảo vệ, phát triển và quản lý nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, mở rộng quảng bá, hướng tới sản phẩm sâm Nam là một trong số sản phẩm Quốc gia được đông đảo khách trong nước và quốc tế biết đến./.

Nguyễn Miền