Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

QUẺ 40: LÔI THỦY GIẢI

 

QUẺ 40: LÔI THỦY GIẢI

Dưới đây là lời giảng Quẻ Lôi Thủy Giải theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Lôi Thủy Giải

:|:|:: Lôi Thủy Giải (解 xiè)

Quẻ Lôi Thủy Giải, đồ hình :|:|:: còn gọi là quẻ Giải (解 xie4), là quẻ thứ 40 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).

* Ngoại quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).

Giải nghĩa: Tán dã. Nơi nơi. Làm cho tan đi, như làm tan sự nguy hiểm, giải phóng, giải tán, loan truyền, tuyên truyền, phân phát, lưu thông, ban rải, ân xá. Lôi vũ tác giải chi tượng: tượng sấm động mưa bay.

Không thể bị nạn hoài được, thế nào cũng tới lúc giải nạn, vì vậy sau quẻ Kiển tới quẻ Giải. Giải là cởi, tan.

Thoán từ

解: 利西南, 无所往, 其來復吉. 有攸往, 夙, 吉.

Giải: Lợi Tây nam, vô sở vãng, kì lai phục, cát. Hữu du vãng, túc, cát.

Dịch: tan cởi: đi về Tây nam thì lợi, đừng đa sự, cứ khôi phục lại như cũ thì tốt. Nhưng cũng có điều đáng làm, làm cho chóng thì tốt.

Giảng: Tượng quẻ là âm dương giao hoà với nhau, sấm (Chấn) động và mưa (Khảm) đổ, bao nhiêu khí u uất tan hết, cho nên gọi là Giải. Cũng có thể giảng: Hiểm (Khảm) sinh ra nạn, nhờ động (Chấn) mà thoát nạn nên gọi là Giải.

Khi mọi hoạn nạn đã tan rồi, thì dân chỉ mong an cư lạc nghiệp, người trị dân nên có chính sách khoan đại, giản dị (Tây Nam thuộc Khôn là đường lối khoan đại, bình dị); đừng đa sự, cứ khôi phục trật tự cũ cũng đủ tốt rồi. Tuy nhiên cũng phải trừ những tệ đã gây ra những hoạn nạn trước kia, cũng phải sửa đổi cho sự bình trị được lâu dài, công việc đó nên làm cho mau xong (vẫn là ý đừng đa sự) thì tốt.

Đại tượng truyện khuyên sau khi giải nạn rồi, nên tha tội cho những kẻ lầm lỗi trước, nếu không tha được thì cũng nên giảm án cho nhẹ đi (quân tử dĩ xá quá, hựu tội).

Hào từ

1. 初六: 无咎.

Sơ lục: Vô cữu.

Dịch: Hào 1, âm: không lỗi.

Giảng: Mới bắt đầu vào thời cởi mở, hào này âm nhu, mà có dương cương (hào 4) ở trên ứng, cứ lặng lẽ ở yên không sinh sự thì không có lỗi gì cả.

2. 九二: 田獲三狐, 得黃矢, 貞, 吉.

Cửu nhị: Điền hoạch tam hồ, đắc hoàng thỉ, trinh, cát.

Dịch: Hào 2, dương: Đi săn được ba con cáo, được mũi tên màu vàng, giữ đạo chính thì tốt.

Giảng: Không ai biết “ba con cáo” ám chỉ những hào nào, Chu Hi ngỡ là hào âm 1, 3 và trên cùng (trừ hào âm 5). Chỉ có thể đoán ý rằng: hào này dương cương, ứng với hào 5 âm, vị nguyên thủ, cho nên thế khá mạnh, có trách nhiệm với quốc gia trừ bọn tiểu nhân (ba con cáo), mà không mất mũi tên màu vàng (tức đạo trung trực – vàng là màu của trung ương, mũi tên tượng trưng cho việc ngay thẳng: trực). Hào từ khuyên phải giữ vững (trinh) đạo trung đó thì mới tốt.

3. 六三: 負且乘, 致寇至.貞吝.

Lục tam: Phụ thả thừa, trí khấu chí; trinh lận.

Dịch: Hào 3, âm: kẻ mang đội đồ vật mà lại ngồi xe là xui bọn cướp tới, nếu cứ giữ cái thói đó (trinh ở đây nghĩa khác trinh ở hào trên ) thì phải hối hận.

Giảng: Hào này âm nhu, bất chính, bất trung mà ở trên cùng nội quái, tức như kẻ tiểu nhân ở ngôi cao, không khác kẻ vừa mang đội (người nghèo) mà lại ngất ngưởng ngồi xe (như một người sang trọng), chỉ tổ xui cướp tới cướp đồ của mình thôi.

Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, Khổng tử bàn rộng ra như sau: ‘người thường mà ngồi xe của người sang là xui kẻ cướp tới cướp đoạt của mình. Người trên khinh nhờn kẻ dưới tàn bạo thì kẻ cướp (giặc) tìm cách đánh đuổi ngay. Giấu cất không kín đáo là dạy cho bọn gian vào lấy của nhà mình; trau giồi nhan sắc là dạy cho bọn gian dâm tới hiếp mình”.

4. 九四: 解而拇, 朋至斯孚.

Cửu tứ: Giải nhi mẫu, bằng chí tư phu.

Dịch: Hào 4, dương: Bỏ ngón chân cái của anh đi (chữ nhi ở đây là đại danh từ) thì bạn (tốt) mới tới và tin cậy anh.

Giảng: Hào này là dương, tuy không chính (vì ở ngôi âm) nhưng ở gần hào 5, vị nguyên thủ, là có địa vị cao. Nó ứng với hào 1 âm, tiểu nhân ở dưới, nên bị nhiều người chê, nếu nó biết tuyệt giao với hào 1 (tượng trưng bằng ngón chân cái, ở chỗ thấp nhất trong cơ thể) thì người tốt mới vui tới mà tin cậy ở nó.

5. 六五: 君子維有解, 吉.有孚于小人.

Lục ngũ: Quân tử duy hữu giải, cát; hữu phu vu tiểu nhân

Dịch: Hào 5, âm: người quân tử phải giải tán bọn tiểu nhân đi thì mới tốt; cứ xem bọn tiểu nhân có lui đi không thì mới biết chắc được mình có quân tử hay không.

Giảng: hào này âm nhu, chưa chắc đã là quân tử, nhưng ở địa vị chí tôn, làm chủ quẻ, cho nên Hào từ khuyên phải tuyệt giao với bọn tiểu nhân (tức ba hào âm kia) thì mới tỏ rằng mình là quân tử được.

6. 上六: 公用射隼于高墉之上.獲之, 无不利.

Thượng lục: Công dụng xạ chuẩn vu cao dung chi thượng. Hoạch chi, vô bất lợi.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Một vị công nhắm bắn con chim chuẩn ở trên bức tường cao. Bắn được, không gì là không lợi.

Giảng: đã tới lúc cuối cùng thời giải, nội loạn đã an rồi, nếu còn kẻ ở ngoài dám gây loạn (tượng trưng là con chim chuẩn ở trên bức tường cao). Thì cứ diệt đi, sẽ thành công. Vị “công” ở đây là hào trên cùng.

Theo Hệ từ hạ truyện, Khổng tử giải thích hào này như sau: “chuẩn là một loài chim, cung tên là đồ dùng, kẻ bắn là người. Người quân tử chứa sẳn đồ dùng (tài, đức) ở trong mình, đợi thời mà hoạt động thì có gì chẳng lợi?

***

Ý nghĩa quẻ này ở trong Thoán từ: dẹp loạn xong thì nên khoan hồng với kẻ lỡ lỗi lầm, đừng đa sự, chỉ cần khôi phục trật tự cũ, và củng cố nó bằng một số công việc, nhưng phải làm cho mau để khỏi phiền nhiễu dân.

Hào 3 cũng có một lời khuyên nên nhớ: giấu cất không kín đáo là dạy cho kẻ trộm vào lấy của nhà mình; trau giồi nhan sắc là dạy cho bọn tà dâm tới hiếp mình. (Mạn tàng hối đạo, dã dung hối dâm).

QUẺ 15: ĐỊA SƠN KHIÊM

 

Dưới đây là lời giảng Quẻ Địa Sơn Khiêm theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Địa Sơn Khiêm

::|::: Địa Sơn Khiêm (謙 qiān)

Quẻ Địa Sơn Khiêm, đồ hình ::|::: còn gọi là quẻ Khiêm (謙 qian1), là quẻ thứ 15 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).

* Ngoại quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).

Giải nghĩa: Thoái dã. Cáo thoái. Khiêm tốn, nhún nhường, khiêm từ, cáo thoái, từ giã, lui vào trong, giữ gìn, nhốt vào trong, đóng cửa. Thượng hạ mông lung chi tượng: tượng trên dưới hoang mang.

Đại hữu là thời rất thịnh, không nên để cho quá đầy, mà nên nhún nhường, nên Khiêm.

Thoán từ

謙: 亨, 君子有終.

Khiêm: Hanh, quân tử hữu chung.

Dịch: Nhún nhường, hanh thông, người quân tử giữ được trọn vẹn tới cuối.

Giảng: Trên là đất, dưới là núi. Núi cao, đất thấp, núi chịu ở dưới đất là cái tượng nhún nhường. Khiêm hạ. Vì vậy mà được hanh thông.

Quẻ này chỉ có mỗi một hào dương, dùng nó làm chủ quẻ.

Thoán truyện bàn thêm: Khiêm là đạo của trời, đất và người .

Trời có đức khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ; đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm). Đạo đất, đạo quỉ thần cũng vậy. Còn đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm). Hễ khiêm thì ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà chẳng ai vượt mình được.

Đại tượng truyện. Khuyên người quân tử nên bớt chốn nhiều, bù chốn ít, để cho sự vật được cân xứng, quân bình (Biều đa ích quả, xứng vật bình thí).

Hào từ

初六: 謙謙君子, 用涉大川, 吉.

Sơ lục: khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên, cát.

Dịch: Hào 1, âm – Nhún nhường, nhún nhường, người quân tử dùng đức ấy để qua sông lớn thì tốt.

Giảng: Hào này âm như mà lại ở dưới cùng, thật là khiêm hạ, dầu gặp hoàn cảnh hiểm nguy nào cũng vượt được.

Tiểu tượng truyện khuyên người quân tử trau giồi tư cách mình bằng đức khiêm hạ, (Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục)

2 六二: 鳴謙, 貞吉.

Lục nhị: Minh khiêm, trinh cát.

Dịch: Hào 2, âm: Tiếng tăm lừng lẫy về đức khiêm, nếu chính đáng thì tốt.

Giảng: hào này nhu thuận, đắc trung, đắc chính, rất tốt, cho nên bảo là tiếng tăm lừng lẫy về đức Khiêm. Nhưng ngại tiếng tăm lừng lẫy thì dễ ham danh, mà hóa ra quá khiêm đến mức giả nhún nhường hoặc nịnh bợ), nên Hào từ khuyên phải giữ đức trung, chính (trinh) của hào 2 thì mới tốt.

3. 九三: 勞謙, 君子 有終, 吉.

Cửu tam: Lao khiêm, quân tử hữu chung, cát.

Dịch: Hào 3, dương : Khó nhọc (có công lao) mà nhún nhường, người quân tử giữ được trọn vẹn, tốt.

Giảng: hào này có đức dương cương, làm chủ cả quẻ, năm hào âm đều trông cậy vào, như người có địa vị (ở trên cùng nội quái), có tài năng (hào dương ) mà khiêm tốn (vì ở trong quẻ Khiêm), không khoe công, nên càng được mọi người phục, mà giữ được địa vị, đức độ tới cùng.

Theo Hệ từ thượng truyện chương VIII, Khổng tử đọc hào này, giảng thêm: “Khó nhọc mà không khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận là ân đức, đức như vậy là cực dày”.

4. 六四: 无不利, 撝謙.

Lục tứ: vô bất lợi, huy khiêm.

Dịch: Hào 4, âm: Phát huy sự nhún nhường thì không gì là không lợi.

Giảng: Hào này nhu thuận mà đắc chính, tốt đấy, nhưng vì ở trên hào 3 là người có công lao, mà lại ở gần hào 5, là vua, nên càng phải phát huy thêm đức khiêm, mới tránh được mọi khó khăn mà không gì là không lợi.

5. 六五: 不富以其鄰, 利用侵伐, 无不利.

Lục ngũ: Bất phú dĩ kỳ lân, lợi dụng xâm phạt, vô bất lợi.

Dịch: Hào 5, âm: chẳng cần giàu (có thế lực) mà thâu phục đựơc láng giềng (được nhiều người theo); nhưng phải có chút uy, chinh phạt kẻ nào chưa phục mình thì mới không gì là không lợi.

Giảng: Hào này âm nhu, đắc trung, ở địa vị chí tôn, nên tự nhiên thâu phục được nhiều người, nhưng nếu nhu quá, thiếu uy thì không phải là tư cách một ông vua, nên Hào từ khuyên nên dùng uy võ đối với kẻ nào chưa phục mình. Hào này có thể dùng uy được vì ở vị dương (lẻ).

6. 上六: 鳴謙, 利用行師, 征邑國.

Thượng lục: Minh khiêm, lợi dụng hành sư, chính ấp quốc.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Tiếng tăm lừng lẫy về đức Khiêm, được nhiều người theo có thể lợi dụng điều đó mà ra quân, nhưng cũng chỉ trị được những kẻ trong ấp của mình không phục mình thôi.

Giảng: hào này thể nhu, vị nhu, ở vào thời cuối cùng quẻ Khiêm, cho nên khiêm nhu cùng vực, tiếng tăm lừng lẫy, nhiều người theo đấy; nhân đó mà có thể ra quân chinh phạt những kẻ không theo mình, nhưng vì tài kém, nên chỉ trị được những kẻ trong ấp mình thôi, chưa thỏa chí được.

***

Quẻ này hào nào cũng tốt không nhiều thì ít, không kém quẻ Đại hữu bao nhiêu.

Đa số các triết gia Trung Hoa rất đề cao đức Khiêm, nhất là Khổng tử và Lão tử, vì họ cho rằng luật trời hễ đầy quá thì vơi, trong khi đầy phải nghĩ tới lúc sẽ vơi, phải khiêm hạ, đừng tự phụ.

Không thể dẫn hết những châm ngôn của Trung Hoa về đức khiêm được; trong quẻ này chúng ta đã thấy được mấy câu như Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm, khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục. Trong Đạo đức kinh, cũng rất nhiều câu, như: Hậu kỳ thân nhi thân tiên; Qúi dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ; Dục tiên dân tất dĩ thân hậu chi: Bất cảm vi thiên hạ tiên.

Nhưng khiêm nhu của Lão tử có vẻ triệt để, tuyệt nhiên không tranh hơn với ai, mà khiêm nhu trong Dịch thì không thái quá, vẫn trọng đức trung (hào 2).

Điểm khác nhau giữa Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số

     Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo sự thống nhất nhận thức chung về chuyển đổi số, phân biệt rõ giữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như toàn thể người dân, Bộ Thông tin truyền thông đưa ra các điểm khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Dưới đây là 17 điểm:

  1. Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng
    Công nghệ thông tin tập trung mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn. Phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho nhà quản lý.
    Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm. Lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm.
  1. Chuyển từ chi phí sang tạo ra lợi ích và giá trị
    Công nghệ thông tin nói đến chi phí là bao nhiêu, nói đến đầu tư là bao nhiêu. Nhiều dự án công nghệ thông tin hoành tráng ở chỗ chi nhiều tiền cho nhà cửa, máy móc, phần mềm.
    Chuyển đổi số nói đến mang lại giá trị gì, lợi ích gì. Chuyển đổi số chú trọng đánh giá hiệu quả, giá trị tạo ra trừ đi chi phí có dương không. Giống như một dự án đầu tư.
  1. Chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung
    Công nghệ thông tin chỉ nói đến phần mềm. Phần mềm là viết cho một phòng ban, một tổ chức, một xã, một huyện, một tỉnh.
    Chuyển đổi số thì xuất hiện khái niệm nền tảng số. Nền tảng số là một phần cứng, một phần mềm nhiều người dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc, toàn cầu. Ngoài ra, nền tảng số không chỉ đơn thuần là phần mềm giải quyết một việc nào đó mà là một môi trường làm việc.
  1. Chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc
    Công nghệ thông tin thì nói đến ứng dụng công nghệ thông tin. Nó giống như một công cụ. Công nghệ thông tin cung cấp một công cụ để thực hiện tự động hóa một việc cũ, một cách làm cũ, một quy trình cũ.
    Chuyển đổi số thì chuyển đổi là danh từ, số là tính từ. Chuyển đổi cách làm là chính, là mục tiêu, công nghệ số chỉ là phương tiện thực hiện.
  1. Chuyển từ cách làm từng phần sang làm toàn diện
    Công nghệ thông tin thì chỗ làm, chỗ không, cái làm cái không. Phòng kế toán có thể làm nhưng phòng tổ chức cán bộ thì chưa làm. Phòng kế toán làm nhưng mới làm phần kế toán chi phí mà chưa làm phần khai thuế. Như vậy là trong một tổ chức, tồn tại cái trên máy tính, cái trên giấy, cái trong đầu người. Không có cái nào phản ánh toàn diện, và cuối cùng bản giấy vẫn là quyết định, làm cho công nghệ thông tin trở thành một gánh nặng tăng thêm, vẫn máy tính và vẫn giấy.
    Chuyển đổi số là toàn diện, mọi nơi, mọi chỗ, không còn cái gọi là nửa này nửa kia. Chỉ có một môi trường số. Mọi việc sẽ diễn ra trên môi trường số. Công việc của mỗi người mà rời máy tính ra là không làm việc được. Và chỉ khi này thì công nghệ số mới phát huy hiệu quả.
  1. Chuyển trọng tâm từ giám đốc công nghệ thông tin sang người đứng đầu
    Công nghệ thông tin thì công nghệ là nhiều, là tự động hóa cái cũ, không phải thay đổi nhiều về cách làm, cách vận hành tổ chức, nên vai trò quyết định là giám đốc công nghệ thông tin.
    Chuyển đổi số thì chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số.
  1. Chuyển từ máy tính riêng lẻ sang điện toán đám mây
    Công nghệ thông tin là các hệ thống công nghệ thông tin dùng riêng, mỗi xã, mỗi huyện một cái. Đầu tư tốn kém, cần nhiều người vận hành khai thác.
    Chuyển đổi số là dùng chung trên đám mây, đầu tư một chỗ, vận hành khai thác một chỗ, dùng chung toàn tỉnh, toàn quốc. Chuyển đối số thì không còn nhìn thấy các hệ thống máy tính ở mỗi tổ chức.
  1. Chuyển từ đầu tư sang thuê
    Công nghệ thông tin thì nhà nhà đầu tư, để dùng riêng. Cấp xã, cấp huyện đầu tư vì do ít tiền nên không đảm bảo một hệ thống đạt chuẩn, không có người chuyên môn vận hành nên nhiều sự cố, nhất là sự cố an toàn, an ninh mạng. Các hệ thống dùng riêng nên kết nối, chia sẻ dữ liệu luôn luôn là vấn đề. Các hệ thống là riêng biệt nên tổng đầu tư tăng tuyến tính theo số đầu mối. Đầu tư xong không có tiền vận hành khai thác nên hàng năm xuống cấp.
    Chuyển đổi số thì thuê. Thuê như chúng ta dùng dịch vụ điện thoại di động, một mạng di động thì đầu tư nhiều tỷ đô la, nhưng người dùng chỉ trả 60-70 ngàn mỗi tháng. Dùng bao nhiêu thì thuê bấy nhiêu, tăng giảm linh hoạt theo ngày được, còn đầu tư thì giảm không được, muốn tăng thì lại phải đầu tư mới mất hàng năm về thủ tục.
  1. Chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ
    Công nghệ thông tin là mua phần cứng, phần mềm về dùng, tức là mua sản phẩm. Một sản phẩm mua về có thể dùng không hết công suất, vì vậy lãng phí. Thống kê cho thấy, các máy tính mua về ít khi dùng hết 20% công suất. Mua sản phẩm về thì phải bỏ tiền, bỏ công ra để nuôi sống sản phẩm.
    Chuyển đổi số thì không mua sản phẩm mà là mua dịch vụ, trả tiền theo tháng, theo năm. Là chi phí thường xuyên. Dịch vụ thì dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Không phải lo nghĩ về việc nuôi sống dịch vụ.
  1. Chuyển đổi trọng tâm từ tổ chuyên gia công nghệ sang tổ công nghệ số cộng đồng
    Công nghệ thông tin chú trọng vào kỹ thuật, công nghệ, chú trọng vào cách làm, vào việc làm ra hệ thống công nghệ thông tin, vì vậy mà hay thành lập tổ chuyên gia về công nghệ.
    Chuyển đổi số chú trọng vào sử dụng, chú trọng vào người dùng biết cài đặt và sử dụng, nhất là người dân. Vì vậy mà cần các tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn bản, đến từng nhà hướng dẫn bà con sử dụng các nền tảng số. Các nền tảng số này thì do các doanh nghiệp công nghệ phát triển làm ra và duy trì.
  1. Chuyển từ chú trọng vào làm như thế nào sang làm cái gì
    Công nghệ thông tin hay chú trọng vào làm như thế nào. Vì vậy mà nhà lãnh đạo rất khó tham gia. Giám đốc công nghệ thông tin nói cái này không làm được thì nhà lãnh đạo cũng đành chịu vậy. Vì vậy mà nhà lãnh đạo thường đứng ngoài cuộc.
    Chuyển đổi số thì nhà lãnh đạo nói muốn gì, cần làm cái gì, cần thay đổi cái gì, và sau đó là việc của nhà kỹ thuật. Công nghệ thông tin thế hệ mới, hay còn gọi là công nghệ số có đủ sức mạnh để làm hầu hết các yêu cầu của nhà lãnh đạo. Vì thế mà nhà lãnh đạo ở vào vị trí trung tâm.
  1. Chuyển trọng tâm từ người giỏi phần mềm sang người giỏi sử dụng
    Công nghệ thông tin tập trung vào người viết phần mềm. Tập trung vào đi tìm người giỏi phần mềm.
    Chuyển đổi số tập trung vào người dùng. Tập trung vào việc đặt ra bài toán, vào việc sử dụng ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu và đóng góp cho phần mềm thông minh dần lên. Phần mềm thông minh là mục tiêu cuối cùng, và để làm được việc này thì đóng góp tri thức của người dùng có ý nghĩa quyết định. Người dùng xuất sắc thì tạo ra phần mềm xuất sắc. Người đứng đầu phải là người dùng xuất sắc.
  1. Chuyển từ hệ thống công nghệ thông tin sang môi trường số
    Hệ thống công nghệ thông tin là hệ thống kỹ thuật. Công nghệ thông tin là xây dựng hệ thống kỹ thuật.
    Môi trường số là môi trường sống và làm việc. Chuyển đổi số là xây dựng môi trường sống và làm việc mới. Môi trường thì rộng hơn rất nhiều so với hệ thống kỹ thuật.
  1. Chuyển từ tự động hóa sang thông minh hóa
    Công nghệ thông tin chú trọng tự động hóa công việc, thay lao động chân tay, thay người.
    Chuyển đổi số chú trọng việc hỗ trợ để giúp con người thông minh hơn. Giúp con người ra quyết định dựa trên số liệu nhiều hơn, thông minh hơn, không chú trọng việc thay người.
  1. Chuyển từ dữ liệu của tổ chức sang dữ liệu người dùng
    Công nghệ thông tin xử lý dữ liệu của tổ chức.
   Chuyển đổi số thu thập và xử lý dữ liệu người dùng sinh ra hàng ngày để tối ưu hoá hoạt động.
  1. Chuyển đổi từ dữ liệu có cấu trúc sang dữ liệu phi cấu trúc
    Công nghệ thông tin thu thập và xử lý dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu được định nghĩa trước, là tri thức cũ. Công nghệ thông tin tập trung vào tự động hoá cái cũ. Không sinh ra tri thức mới.
    Chuyển đổi số thu thập và xử lý cả dữ liệu phi cấu trúc, phân tích những dữ liệu mới này để sinh ra tri thức mới. Chuyển đổi số tập trung vào tạo ra tri thức mới, tạo ra nhiều giá trị mới.
  1. Chuyển từ công nghệ thông tin sang công nghệ thông tin +
   Công nghệ thông tin là công nghệ thông tin. Chuyển đổi số là công nghệ thông tin + Số hoá toàn diện + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số./.

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Áp dụng ISO 9001 góp phần tích cực trong thực hiện cơ chế một cửa

 Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2015, nền hành chính công cấp xã ngày càng hiện đại và môi trường công vụ văn minh hơn.

Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được áp dụng vào hoạt động của UBND các xã, phường, thị trấn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo và triển khai thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý, vận hành hệ thống và cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 321 UBND cấp xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn chứng nhận ISO 9001:2015. Trong quá trình thực hiện, tất cả các xã đều thành lập ban ISO để triển khai xây dựng, áp dụng và kiện toàn kịp thời ban ISO khi có sự thay đổi về nhân sự.

100% các xã đã xây dựng, ban hành hệ thống tài liệu áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm sổ tay chất lượng, chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng, các quy trình theo yêu cầu của tiêu chuẩn, quy trình quản lý nội bộ và các quy trình giải quyết theo TTHC đã được công bố. Tất cả các xã đã xây dựng bản mô tả công việc cho từng vị trí việc làm, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu năng lực của mỗi người.

Sự tích hợp giữa chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 với cơ chế “một cửa điện tử” đã nâng cao mức độ sử dụng những tiện ích của công nghệ thông tin. Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2015, nền hành chính công cấp xã ngày càng hiện đại và môi trường công vụ văn minh hơn.

Các cơ quan, đơn vị thiết lập được quy trình giải quyết công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian giải quyết, qua đó cán bộ, công chức xử lý công việc thông suốt, kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống này đã góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Hiện nay, tất cả các xã đã thực hiện rà soát, cập nhật 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tổng hợp danh mục thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ để cụ thể hóa thành quy trình ISO. Hệ thống cũng giúp người làm công tác cải cách hành chính cập nhật thông tin, lưu trữ các loại hồ sơ, văn bản theo từng lĩnh vực một cách đầy đủ, khoa học, rõ ràng, đồng thời chỉ ra trình tự của mỗi bộ phận, cán bộ, công chức khi giải quyết thủ tục hành chính, qua đó có thể xác định được việc giải quyết nhanh, đúng hẹn, sớm hẹn hay trễ hẹn thuộc về bộ phận hay cá nhân nào.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp cho chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao. Thông qua hệ thống này, người dân được đưa ra ý kiến góp ý về cách thức làm việc, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, tạo được lòng tin và sự hài lòng đối với tổ chức, cá nhân.

Sự tích hợp giữa chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 với cơ chế “một cửa điện tử” đã nâng cao mức độ sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin, qua đó nâng cao việc kiểm soát và điều hành của người đứng đầu các cơ quan, tạo ra phương pháp làm việc khoa học, mang tính hệ thống đồng bộ, tăng cường giám sát, công khai, minh bạch. Vì vậy, các xã, phường, thị trấn đang áp dụng cần duy trì và thường xuyên cải tiến để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, công dân.

Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 là phiên bản mới nhất trong Hệ thống quản lý chất lượng được nâng cấp từ TCVN ISO 9001:2008 với những thay đổi đột phá, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công vụ; phục vụ tốt yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đảm bảo hơn nữa nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ thời gian, rõ trách nhiệm trong quy trình giải quyết công việc.

Chứng nhận ISO 9001 trong lĩnh vực giáo dục

Nếu bạn nghĩ chứng nhận ISO 9001 chỉ có giá trị cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thì đó quả là một thiếu sót. Chứng nhận ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng hữu ích cả trong lĩch vực giáo dục. Hiện nay có nhiều trường học, trường cao đẳng, đại học cũng quan tâm tới bộ tiêu chuẩn này không kém gì các doanh nghiệp. cùng thuvientieuchuan.org đi tìm hiểu xem bạn nhé !

VAI TRÒ CỦA ISO 9001 TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Giáo dục giữ vị trí quan trọng trong công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nên xã hội đặt ra kỳ vọng rất lớn vào các đơn vị giáo dục. Có thể nhận thấy 2 khía cạnh liên quan tới giáo dục hiện nay. Thứ nhất, hoạt động giáo dục phảo đáp ứng các nhu cầu bên ngoài bao gồm chính phủ, học viên, nhà tuyển dụng,… Những đòi hỏi này sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai nguồn lực và hiệu quả của tổ chức. Thứ hai, giáo dục và đào tạo cũng được xem là một dịch vụ bên cạnh nhiều dịch vụ khác. Xu hướng trên cho thấy mô hình giáo dục và đào tạo đang chuyển đổi từ dạy học theo hướng cung cấp sang học tập theo nhu cầu và các đơn vị sự nghiệp cũng phải cạnh tranh với nhau nếu xong muốn bị tụt hậu.

So với các ngành kinh tế khác, kết quả áp dụng ISO 9001 trong các cơ sở giáo dục còn khá hạn chế. Việc xác định học viên là khách hàng bị coi là một thách thức về mặt kết quả giáo dục. Bởi điều này sẽ chuyển trọng tâm của trường học từ định hướng chất lượng về kết quả giáo dục sang thân thiện với “khách hàng”, trong khi đó không thể giảm các tiêu chuẩn chỉ để đáp ứng học viên. Các đơn vị sự nghiệp giữ vai trò cung cấp kiến thức và kỹ năng giúp học viên giải quyết các vấn đề nghề nghiệp trong thực tế. Đồng thời cơ sở đào tạo cũng có sứ mệnh cung cấp những học viên phù hợp với yêu cầu lao động của xã hội. Nếu xem xét trên khía cạnh này thì học viên khi mới nhập học giống như nguyên liệu thô và học viên sau khi kết thúc đào tạo chính là sản phẩm, khách hàng thực sự ở đây là xã hội với nhu cầu có được nguồn lao động chất lượng.

ISO 9001 mang lại cho đơn vị giáo dục những lợi ích phổ biến như:

  • Nâng cao uy tín và hình ảnh của cơ sở giáo dục
  • Cải thiện sự hài lòng của học viên, phụ huynh, tổ chức quản lý, xã hội
  • Giúp đơn vị giáo dục vận hành hệ thống tốt hơn
  • Cung cấp các bằng chứng khách quan để ban lãnh đạo ra các quyết định đúng đắn
  • Hình thành văn hóa cải tiến liên tục trong tổ chức
  • Tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên với nhau

Ngoài ra, ISO 9001 còn tạo ra một số giá trị đặc biệt cho các cơ sở giáo dục. ISO 9001 nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của toàn bộ cơ sở giáo dục. Đồng thời, ISO 9001 cũng giúp hình thành các cơ chế kiểm soát chất lượng mới hoặc củng cố cho những cơ chế kiểm soát chất lượng sẵn có trong giáo dục đại học.

HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP CHỨNG NHẬN ISO 9001 CHO CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm các tài liệu sau:

  • Công văn đề nghị cấp Giấy chứng nhận
  • Báo cáo quá trình xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001
  • Bản cam kết đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 với toàn bộ hoạt động
  • Báo cáo kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận sau khi hoàn thành việc đánh giá và được tổ chức chứng nhận xác nhận hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị giáo dục đạt chuẩn

QUY TRÌNH ÁP DỤNG ISO 9001 TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Chất lượng không phải là vấn đề của riêng hoạt động thương mại, trong lĩnh vực giáo dục, chất lượng cũng rất được quan tâm. Cũng giống như khi áp dụng ISO 9001 vào các lĩnh vực khác, việc triển khai hệ thống ISO 9001 trong giáo dục phải trải qua một số bước cơ bản như sau:

  • Bước 1: Khảo sát hiện trạng và đánh giá sơ bộ
  • Bước 2: Ban hành chính sách, tài liệu hướng dấn, lập kế hoạch thực hiện ISO 9001
  • Bước 3: Triển khai áp dụng ISO 9001 vào thực tế
  • Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện và khắc phục, cải tiến
  • Bước 5: Gửi hồ sơ đăng ký chứng nhận ISO 9001
  • Bước 6: Tổ chức chứng nhận xét duyệt hồ sơ đăng ký của đơn vị giáo dục
  • Bước 7: Tổ chức chứng nhận cử chuyên gia xuống cơ sở giáo dục để đánh giá hiện trường
  • Bước 8: Tổ chức chứng nhận cấp giấu chứng nhận ISO 9001 cho đơn vị giáo dục

Thông thường, thời gian để một đơn vị giáo dục hoàn tất quá trình từ đào tạo ISO 9001, đánh giá tới chứng nhận là vào khoảng 4 – 5 tháng. Đối với các trường công lập hoạt động theo cơ chế xin – cho dựa vào ngân sách nhà nước và thuộc quản lý của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì việc quản lý chất lượng đào tạo và chương trình giảng dạy theo tiêu chuẩn ISO 9001 sẽ phức tạp hơn so với các lĩnh vực khác. Tồn tại một số quy định về việc áp dụng ISO 9001 cho đơn vị hành chính công. Ví dụ như trong Thông tư số 26/2014/TT-BKHCN ngày 10/10/2014 của Bộ Khoa học và Công nghiệp quy định chuyên gia ISO phải được cấp giấy chứng nhận chuyên gia cho lĩnh vực hành chính công và việc tôt chức đào tạo, cấp giấy chứng nhận ISO 9001 cũng phải thực hiện theo nội dung của thông tư này.

Đặc biệt, trong thời gian 1 tháng kể từ khi được cấp chứng chỉ ISO 9001, đơn vị giáo dục sẽ phải lập 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận và gửi hồ sơ về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Nếu quá thời hạn 1 tháng mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vẫn chưa nhận được hồ sơ của đơn vị giáo dục thì kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận sẽ không được chấp nhận để xem xét cấp Giấy chứng nhận ISO 9001 nữa.

YÊU CẦU ĐẺ ÁP DỤNG ISO 9001 TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Để có thể áp dụng hiệu quả ISO 9001 đòi hỏi ban lãnh đạo của đơn vị giáo dục phải xây dựng kế hoạch hợp lý để đạt được các mục tiêu sau:

  • Mục tiêu tài chính (có đủ nguồn lực để triển khai các kế hoạch về hệ thống chất lượng)
  • Mục tiêu thỏa mãn xã hội (đáp ứng nhu cầu của học viên, phụ huynh, các tổ chức tuyển dụng học viên tốt nghiệp, các cơ quan quản lý,…)
  • Mục tiêu về chất lượng học viên tốt nghiệp (kiến thức, kỹ năng, đề tài nguyên cứu,…)
  • Mục tiêu về các hoạt động và quá trình nội bộ trong đơn vị giáo dục (bao gồm chất lượng dạy và học, chất lượng tuyển sinh, môi trường học tập, hoạt động nghiên cứu khoa học,…)
  • Mục tiêu về kết quả hoạt động của nhà cung cấp (bao gồm chất lượng trang thiết bị, dụng cụ học tập, chất lượng giảng viên,…)
  • Mục tiêu thỏa mãn các cán bộ, nhân viên, giảng viên

Ban lãnh đạo đơn vị sự nghiệp cần thiết lập một kế hoạch cụ thể, trong đó phân công nhiệm vụ cho các phòng ban, cá nhân một cách rõ ràng để mọi hoạt động được thực hiện thống nhất theo quy trình đã đề ra. Cần khuyến khích sự tham gia của tất cả các phòng ban, các khoa. Việc xác định chính xác nhiệm vụ của từng bộ phận tương ứng với những điều khoản trong tiêu chuẩn ISO 9001 sẽ giúp đơn vị giáo dục dễ dàng áp dụng tiêu chuẩn này hơn.

DANH MỤC QUY TRÌNH ISO 9001-2021 THUỘC LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 DANH MỤC QUY TRÌNH ISO 9001-2021

THUỘC LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 1. Xác nhận đăng ký hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (đối với nhà trẻ, nhóm trẻ; trường, lớp mẫu giáo, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, phổ thông trung học bán trú và trung tâm học tập cộng đồng)

 2. Thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục

 3. Cho phép trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục

 4. Sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ

 5. Cho phép trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục trở lại

 6. Giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ

 7. Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập (bị bãi bỏ)

 8.Thành lập trường tiểu học công lập hoặc cho phép thành lập trường tiểu học tư thục

 9.Cho phép trường tiểu học hoạt động giáo dục

 10. Sáp nhập, chia, tách trường tiểu học

 11. Cho phép trường tiểu học hoạt động giáo dục trở lại

 12. Giải thể trường tiểu học (theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường tiểu học)

 13. Thành lập trường trung học cơ sở công lập hoặc cho phép thành lập trường trung học cơ sở tư thục

14. Cho phép trường trung học cơ sở hoạt động giáo dục

 15. Sáp nhập, chia tách trường trung học cơ sở

 16. Cho phép trường trung học cơ sở hoạt động giáo dục trở lại

 17. Giải thể trường trung học cơ sở (theo đề nghị của cá nhân, tổ chức thành lập trường)

 18. Đề nghị phê duyệt việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài

 19. Đánh giá, xếp loại Cộng đồng học tập cấp xã

 20. Thành lập trung tâm học tập cộng đồng

 21. Cho phép trung tâm học tập cộng đồng hoạt động trở lại

 22. Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập (bị bãi bỏ)

 23. Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc (Xem cụ thể)

 

Chứng Nhận ISO 9001:2015 – Ngọc Viễn Đông

 Chứng nhận ISO 9001:2015 là hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn được quốc tế công nhận cho việc quản lý chất lượng của các doanh nghiệp. Áp dụng cho các quá trình kiểm soát và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ của một tổ chức cung cấp và quy định kiểm soát có hệ thống các hoạt động nhằm đảm bảo rằng các nhu cầu và mong đợi của khách hàng được đáp ứng.

Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 : 2015 trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Giấy chứng nhận ISO 9001:2015 của trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông.

1. Chính sách chất lượng – Mục tiêu chất lượng – Kế hoạch thực hiện:

   Sau một thời gian được Chuyên gia Tư vấn, ThS. Phạm Khả Sỹ tập huấn. Hội đồng Giáo dục và Ban ISO trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông đã hoàn thành nền tảng Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001:2015.
   Hệ thống đã được công ty đánh giá ISO quốc tế G-Certi đánh giá và chứng nhận.
   Ngày 10/12/2021 vừa qua, nhà Trường đã đồng loạt ban hành hệ thống Quy trình và Biểu mẫu. Đồng thời, nhà Trường tổ chức đón nhận Giấy chứng nhận do công ty đánh giá quốc tế G-Certi cấp.
   Trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông hân hạnh giới thiệu Chính sách chất lượng và Mục tiêu chất lượng:

Chính sách chất lượng ISO 9001 : 2015 trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Chính sách chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Mục tiêu chất lượng năm học 2021 - 2022 trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Mục tiêu chất lượng năm học 2021 – 2022.

Kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng năm học 2021 - 2022 của trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng năm học 2021 – 2022.

2. Nội dung buổi lễ:

   Để thực hiện kế hoạch đạt được các mục tiêu, hoàn thành Chính sách chất lượng, Hiệu trưởng nhà trường và ban ISO đã xây dựng 30 quy trình quản lý, gồm:
  • 6 quy trình quản lý chung;
  • 3 quy trình quản lý tài chính;
  • 4 quy trình quản lý đối ngoại;
  • 5 quy trình quản lý hành chính;
  • 10 quy trình quản lý dạy và học;
  • 2 quy trình quản lý Kỷ luật – nề nếp.
   Phát biểu tại buổi đón nhận Giấy chứng nhận. Ông Võ Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu: “Xây dựng Hệ thống chỉ là bước khởi đầu. Điều quan trọng là toàn thể Cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường phải quyết tâm thực hiện tốt Hệ thống đã xây dựng để tạo niềm tin cho cha mẹ học sinh, cho cộng đồng và để phục vụ xã hội một cách tốt nhất. Bước tiếp theo, nhà Trường sẽ thực hiện tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn của ngành Giáo dục nước nhà.
   Tại buổi đón nhận, Đánh giá viên trưởng Trần Quang Hàđại diện công ty G-Certi hứa sẽ sát cánh cùng nhà Trường để xây dựng hệ thống ngày một hoàn thiện hơn.
   Với tư cách là người hướng dẫn, chuyên gia tư vấn Phạm Khả Sỹ nhiệt liệt chúc mừng nhà Trường. Đồng thời nhắn nhủ HĐGD cố gắng vận hành tốt hệ thống để đưa nhà Trường lên tầm cao mới.
   Một số hình ảnh đón nhận giấy chứng nhận ISO 9001:2015 của trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông:

Hình ảnh buổi lễ nhận giấy chứng nhận ISO 9001 - 2015 của trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Thầy Hiệu trưởng – Võ Thanh Vân tiếp nhận giấy chứng nhận ISO 9001 : 2015.

Hình ảnh buổi lễ nhận giấy chứng nhận ISO 9001 - 2015 của trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Xem thêm: “Chính Sách Chất Lượng – Mục Tiêu Chất Lượng”

“NGỌC VIỄN ĐÔNG - MỖI HỌC SINH MỘT VIÊN NGỌC”

Bộ trưởng Công an: Làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, chiều 20/3.

Bộ trưởng Công an: Làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng ảnh 1

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên chất vấn

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong chỉ đạo xử lý án tham nhũng, ngoài tập trung xử lý đối tượng vi phạm, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng thì một trong những vấn đề được quan tâm là xác định sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị hoàn thiện thể chế, để “không thể tham nhũng”.

“Qua một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị, góp phần minh bạch với mục tiêu làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để đối tượng tham nhũng phải bị xử lý, người đang có kiểu cách làm việc hay công ty có phương thức làm việc như thế phải chấm dứt ngay, nếu không sẽ bị xử lý", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Nhấn mạnh một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp thể hiện rõ điều đó, Đại tướng Tô Lâm cho rằng vụ việc không nhiều nhưng để lại những bài học, kinh nghiệm phải rút ra, phải chấn chỉnh từ thông tư, nghị định, pháp luật để phòng ngừa tội phạm.

Hầu hết qua các vụ án cơ quan điều tra có kiến nghị hoàn thiện cơ chế quản lý phòng ngừa tội phạm. Đây là nội dung sẽ được ngành Công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Nêu chất vấn trước đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng.

Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng, Bộ trưởng Công an cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp ra sao.